Cách tiếp cận này phù hợp với hầu hết các nghiên cứu hiện có về tăng trưởng cho vay của ngân hàng.
3.1.2. Các biến nội tại ngân hàng theo CAMELS
3.1.2.1. Vốn ngân hàng
Để đại diện cho hệ số vốn ngân hàng, các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận theo khía cạnh hệ số vốn chủ sở hữu truyền thống hay hệ số an toàn vốn có rủi ro. Hầu hết các ngân hàng tại các nước phát triển trên thế giới đã hoàn thành chuẩn mực Basel III, qua đó giải thích cho tính sẵn có và khả năng dễ dàng truy cập đối với dữ liệu về vốn cấp 1, vốn cấp 2, và hệ số an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio – CAR) để làm cơ sở cho việc tính toán hệ số an toàn vốn có rủi ro. Với một thị trường ngân hàng như Việt Nam, đang trong quá trình hoàn thiện quy tắc an toàn vốn Basel II và hơn nữa dữ liệu chi tiết về các loại vốn tự có của ngân hàng là chưa được công bố công khai và đầy đủ. Do đó, dựa trên khả năng tiếp cận dữ liệu, luận án xem xét tỷ lệ vốn chủ sở hữu của ngân hàng trên tổng tài sản là phép đo đánh giá mức độ an toàn vốn của ngân hàng (Vốn chủ sở hữu (C)).
Vốn chủ sở hữu ngân hàng Vốn chủ sở hữu (C) =
Tổng tài sản
Đây là hệ số kế toàn truyền thống, được áp dụng trong hầu hết các nghiên cứu cùng chủ đề (Sorokina và cộng sự 2017; Louhichi và Boujelbene 2017; Roulet 2018).
Về tác động của vốn ngân hàng đối với tăng trưởng cho vay, các tài liệu hiện có cho thấy tác động này có thể diễn ra theo cả hai chiều. Ví dụ, để ổn định tài chính, việc nắm giữ đủ vốn sẽ giúp ngân hàng hấp thụ các khoản lỗ có thể phát sinh và qua đó duy trì khả năng cho vay tốt hơn (Distinguin và cộng sự 2013). Theo đó, các ngân hàng có mức vốn cao có thể mở rộng cho vay nhanh hơn so với các ngân hàng có mức vốn nhỏ. Hơn nữa, trong thời kỳ