Chính sách giảm nghèo bền vững

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện an lão, tỉnh bình định (Trang 26 - 30)

1.1.3.1. Khái niệm chính sách công

Có nhiều cách tiếp cận nghiên cứu về CSC từ những góc độ khoa học khác nhau, theo đó có nhiều cách hiểu về khái niệm và các thuộc tính của CSC cũng có sự khác nhau.

Theo quan niệm của Peter Aucoin (1971) “Chính sách công bao gồm các hoạt động thực tế do chính phủ tiến hành”; William Jenkin (1978) cho rằng “CSC là một tập hợp các quyết định có liên quan lẫn nhau của một nhà chính trị hay một nhóm các nhà chính trị gắn liền với việc lựa chọn các mục tiêu và

các giải pháp để đạt các mục tiêu đó”.

Theo quan niệm của B. Guy Peter (1990) thì “CSC là toàn bộ các hoạt động của nhà nước có ảnh hưởng một cách trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của mọi công dân”.

Theo Charle L. Cochran and Eloise F. Malone (1995) “CSC bao gồm các quyết định chính trị để thực hiện các chương trình nhằm đạt được những mục tiêu xã hội”;

Theo PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hoan (2012) trong Giáo trình Kinh tế công cộng, “CSC bao gồm các hoạt động thực tế do chính phủ tiến hành để đảm bảo cho sự phát triển nền KT - XH của đất nước”.

Theo PGS.TS. Đỗ Phú Hải Nhằm (2017) trong cuốn Tổng quan về CSC, “CSC là tập hợp các quyết định chính trị có liên quan nhằm lựa chọn mục tiêu cụ thể và lựa chọn các giải pháp, các công cụ nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội theo mục tiêu tổng thể đã xác định”.

Như vậy, mặc dù có những cách tiếp cận khác nhau, song quan niệm về CSC có thể được hiểu trên một số khía cạnh chủ yếu sau:

-Thứ nhất, là một chính sách của nhà nước, của chính phủ (do nhà nước, do chính phủ đưa ra), là một bộ phận thuộc chính sách kinh tế và chính sách nói chung của mỗi nước.

-Thứ hai, về mặt kinh tế, CSC phản ánh và thể hiện hoạt động cũng như quản lý đối với khu vực công, phản ánh việc đảm bảo hàng hóa, dịch vụ công cộng cho nền kinh tế.

-Thứ ba, là một công cụ quản lý của nhà nước, được nhà nước sử dụng để khuyến khích việc sản xuất, đảm bảo hàng hóa, dịch vụ công cho nền kinh tế, khuyến khích cả với khu vực công và cả với khu vực tư; Nói cách khác CSC là một trong những căn cứ đo lường năng lực hoạch định chính sách, xác định mục tiêu, căn cứ kiểm tra, đánh giá, xác định trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn lực công như ngân sách nhà nước, tài sản công…

1.1.3.2. Khái niệm chính sách giảm nghèo bền vững

Chính sách GNBV là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng những quyết định, quy định của nhà nước nhằm cụ thể hóa các chương trình, dự án cùng với nguồn lực, vật lực, các thể thức, quy trình hay cơ chế thực hiện nhằm tác động đến các đối tượng cụ thể như người nghèo, hộ nghèo hay xã nghèo với mục đích cuối cùng là XĐGN theo hướng bền vững, tức là làm cho người nghèo thoát nghèo bằng chính năng lực của mình.

-Chính sách GNBV được thiết kết theo một cấu trúc cụ thể, bao gồm các bộ phận cơ bản như: Mục tiêu của chính sách; Đối tượng của chính sách; Giải pháp của chính sách.

-Căn cứ vào bản chất đa chiều của đói nghèo, chính sách GNBV được chia làm: (1) Nhóm chính sách tăng thu nhập cho người nghèo; (2) Nhóm chính sách nhằm tăng cường các khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; (3) Nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro và nguy cơ dễ bị tổn thương; (4) Nhóm chính sách tăng cường tiếng nói cho người nghèo.

- Căn cứ vào ba trụ cột đói nghèo của Ngân hàng thế giới, các chính sách giảm nghèo được phân thành: (1) Chính sách tạo cơ hội cho người nghèo; (2) Nhóm chính sách trao quyền; (3) Nhóm chính sách ASXH.

Mục tiêu chủ đạo của chính sách GNBV là hỗ trợ và giúp đỡ người nghèo thoát nghèo cả dưới góc độ nghèo về vật chất, xã hội và tinh thần. Các chính sách này đều hướng tới mục tiêu nâng cao phúc lợi cho người nghèo, tăng cường các khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo để từ đó nâng cao đời sống và tiếng nói cho người nghèo. Mỗi chính sách cụ thể sẽ hướng vào những mục tiêu cụ thể và rõ ràng.

1.1.3.3. Nội dung chính sách giảm nghèo bền vững.

Chính sách GNBV là những quyết định của nhà nước nhằm cụ thể hóa các chương trình dự án cùng với nguồn nhân lực, vật lực và cơ chế tác động

đến đối tượng người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo nhằm tục tiêu giảm nghèo. Nội dung của chính sách GNBV bao gồm:

- Thứ nhất, chính sách đất đai cho hộ nghèo: Đất đai là phương tiện quan trọng nhất của người nghèo nhằm tạo sinh kế và là phương tiện chính cho đầu tư, tích lũy của cải và chuyển giao giữa các thế hệ; Chính sách đất đai sẽ bảo đảm cho nông dân nói chung và người nghèo nói riêng có được tư liệu sản xuất.

- Thứ hai, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu: Cơ sở hạ tầng là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, tạo ra việc làm, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là cho người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi. Các điều kiện về cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi có ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, nơi người nghèo chiếm tỷ lệ cao.

-Thứ ba, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo: Người nghèo thường thiếu hụt nhiều thứ, trong đó thiếu hụt về nguồn lực về tài chính sẽ cản trở rất lớn đến việc tổ chức sản xuất của người nghèo. Hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có điều kiện mua sắm máy móc, phương tiện sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và sản xuất, mở rộng quy mô, đổi mới phương thức sản xuất tăng năng suất lao động.

-Thứ tư, chính sách hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo: Chính sách hỗ trợ giáo dục nhằm bảo đảm cho tất cả con em hộ nghèo được tới trường, có điều kiện cần thiết trong học tập; giảm sự chênh lệch về môi trường học tập và sinh hoạt trong nhà trường giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi, giữa các vùng khó khăn với các vùng thuận lợi.

- Thứ năm, chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo: Cấp thẻ BHYT hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nghèo, người DTTS là một trong

những chính sách ASXH, có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Qua đó, giúp cho người nghèo có điều kiện để tiếp cận các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

-Thứ sáu, chính sách hỗ trợ về nước sạch, vệ sinh và nhà ở cho hộ nghèo:

Do điều kiện kinh tế còn quá chật vật, khó khăn, nên phần lớn hộ nghèo chưa có điều kiện để quan tâm đến nước sạch, vệ sinh; vì vậy, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với dịch vụ nước sạch, vệ sinh cho người nghèo là hết sức cần thiết. Cùng với đó, nhà ở là một vấn đề rất lớn đối với người nghèo, sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng và các tổ chức xã hội nhằm xóa nhà tạm, tranh tre, nứa lá, nhà dột nát nhằm giúp cho người nghèo, người DTTS định canh, định cư, ổn định cuộc sống và có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

- Thứ bảy, chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý: Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giúp cho người nghèo, gia đình chính sách, những người yếu thế trong xã hội hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; ngăn ngừa đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của cá nhân, tập thể cũng như lợi ích chung của toàn xã hội.

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện an lão, tỉnh bình định (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(126 trang)
w