Trung Quốc, Malaysia và bài học kinh nghiệm cho các NHTM Việt Nam
[42],[52]
Trong khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu còn căng thẳng, các ngân hàng châu Âu, châu Mỹ lao đao thì tại một số quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, .... hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động ổn định. Thậm chí, ngân hàng Trung Quốc còn đóng vai trò cứu cánh để các nước đang ngập trong nợ nần như Hy Lạp, Iceland vượt qua khủng hoảng.
Tại sao các ngân hàng Trung Quốc, Malaysia có thể làm được điều này trong khi cuối những năm 1990, ngân hàng Trung Quốc đều đang đương đầu với vô số vấn đề như hiệu quả kinh doanh thấp, chất lượng tài sản xấu, cạn kiệt thanh khoản và không có năng lực cạnh tranh khi hội nhập quốc tế, còn ngân hàng Malaysia cũng đã từng điêu đứng sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997? Các ngân
hàng Trung Quốc hay Malaysia đã ngày càng lớn mạnh, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn có sức cạnh tranh tại thị trường quốc tế.
Trên thực tế, việc cải thiện năng lực cạnh tranh cho ngân hàng tại mỗi quốc gia có những đặc thù riêng do điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội ở mỗi nước khác nhau. Hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung, VCB nói riêng cũng không giống với ngân hàng quốc gia nào, song có những nét tương đồng với ngân hàng Trung Quốc, Malaysia trên một số phương diện:
- Ngân hàng Việt Nam nói chung, VCB nói riêng, ngân hàng Trung Quốc hay ngân hàng Malaysia đều đã trải qua giai đoạn hoạt động dưới sự chỉ định của Chính phủ, thiên về mệnh lệnh hành chính, không bám sát thị trường và thiếu tính cạnh tranh;
- Các ngân hàng tại 3 quốc gia đều trải qua giai đoạn mở cửa, hội nhập quốc tế và gặp những cản trở do thiếu năng lực cạnh tranh, hệ thống ngân hàng phân tán. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc và hệ thống ngân hàng Việt Nam đều từ cơ chế bao cấp, ngân hàng nhà nước độc quyền đến giai đoạn phát triển thị trường tài chính trong nước, rồi cơ cấu lại và tiến tới cổ phần hóa các các ngân hàng quốc doanh, dần mở cửa thị trường tài chính và hội nhập quốc tế sau khi gia nhập Tổ chức kinh tế thế giới (WTO).
- Mối quan hệ giữa Ngân hàng Việt Nam nói chung, VCB nói riêng hay ngân hàng Trung Quốc với hệ thống Doanh nghiệp Nhà nước khá tương đồng;
Chính vì vậy, những bài học của ngân hàng Trung Quốc, Malaysia trong nỗ lực đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh cần được nghiên cứu và áp dụng linh hoạt cho ngân hàng Việt Nam nói chung, VCB nói riêng.
(1) Kinh nghiệm của ngân hàng Trung Quốc
Trung Quốc gia nhập WTO tháng 12/2001 với các cam kết mở cửa lĩnh vực tài chính ngân hàng, các NHTM Trung Quốc bị mất thế độc quyền, phải chia sẻ thị trường cho các ngân hàng nước ngoài.
Theo thống kê, 60% lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc là từ 10% khách hàng trọng điểm. Các ngân hàng nước ngoài nhắm vào nhóm đối tượng
khách hàng này. Nhiều khách hàng doanh nghiệp lớn đã từ bỏ các ngân hàng trong nước để chuyển sang sử dụng dịch vụ, vốn của các ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh cạnh tranh về khách hàng, các ngân hàng Trung Quốc phải đối mặt với cạnh tranh nhân tài. Ngân hàng nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng trả lương cao, tạo môi trường làm việc tốt, tạo cơ hội cho nhân viên học tập ở nước ngoài,…đã dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám và làm xấu đi năng lực cạnh tranh của các ngân hàng trong nước.
Ngoài ra, thực trạng của các ngân hàng Trung Quốc lúc này còn nhiều yếu kém: vốn điều lệ ít, tỷ lệ an toàn vốn rất thấp, trình độ quản trị yếu kém, cơ cấu tổ chức công kềnh, nhiều ngân hàng kinh doanh thua lỗ. Năm 2002, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng là 18,7%, của 4 NHTM Nhà nước là 21,4%, ngân hàng nước ngoài chỉ 2,7%. Cuối năm 2004 chỉ có 7 NHTM đạt tỷ lệ an toàn vốn 8%.
Trong điều kiện đó, các ngân hàng Trung Quốc đã tiến hành những biện pháp quyết liệt để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh việc cơ cấu lại ngân hàng, thành lập các công ty quản lý tài sản để xử lý nợ xấu, cổ phần hóa ngân hàng, hoàn thiện quy chế quản trị điều hành, cơ cấu tổ chức theo tiêu chuẩn quốc tế thì đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh được tiến hành mạnh mẽ, theo chiến lược bài bản và có trọng tâm, trọng điểm:
- Huy động vốn cho đầu tư, tăng cường tiềm lực tài chính: các ngân hàng Trung Quốc thực hiện kế hoạch tăng vốn đáp ứng tiêu chuẩn của ngân hàng quốc tế và tạo điều kiện để có vốn cho tiến hành các hoạt động đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh. Construction Bank of China có phương án phát hành cổ phiếu trị giá 4,8 tỷ USD để tăng vốn điều lệ. Các ngân hàng quốc doanh tiến hành cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, phát hành trái phiếu ra quốc tế. Tháng 5/2006, International Commercial Bank of China (ICBC) cũng bán cổ phiếu ra công chúng và trở thành ngân hàng Trung Quốc có tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài cao nhất, chiếm khoảng 8,89% vốn điều lệ, tỷ lệ an toàn vốn của ICBC được tăng lên tới 10,26% và tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 4,43%, gần tới mức 1-2% của các ngân hàng nước ngoài.
- Đầu tư mạnh mẽ cho nhân lực: đầu tư xây dựng văn hóa kinh doanh kết hợp tăng lương hợp lý, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho nhân viên.
- Chiến lược đầu tư phát triển sản phẩm và thu hút khách hàng: chiến lược “xi măng và con chuột” của các NHTM Trung Quốc.
Sau khi gia nhập WTO, ngân hàng điện tử (e – banking) là đầu cầu để các ngân hàng nước ngoài tấn công vào thị trường tài chính trong nước. Nhận thức được nguy cơ đó, các NHTM Trung Quốc đã đầu tư phát triển sản phẩm e - banking với chiến lược nói một cách hình ảnh là “xi măng và con chuột”: sản phẩm với đặc tính nhanh chóng, linh hoạt như “con chuôt” và khả năng bảo mật an toàn cao, vững chắc như “xi măng”. Để các sản phẩm e – banking có được sự thông minh, lanh lợi như “con chuột”, các NHTM lớn tại Trung Quốc đã liên tục đầu tư nâng cấp hệ thống ngân hàng trực tuyến và thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá lớn về sự tiện dụng của các sản phẩm này. Ngoài ra các ngân hàng này còn tuyển dụng những nhân viên giỏi nhất làm việc tại bộ phận e – banking. Để vững chắc như “xi măng”, các ngân hàng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để xây dựng hệ thống dữ liệu hoàn toàn tự động để lưu giữ hồ sơ và phân tích các giao dịch của khách hàng, áp dụng biện pháp “lưu dấu vết” đối với các giao dịch e – banking để tăng cường kiểm tra nội bộ trong ngân hàng và chú trọng bảo mật thông tin. Nhiều ngân hàng đã thành công với chiến lược này. Ngân hàng ICBC đã đầu tư nâng cấp hệ thống ngân hàng trực tuyến của mình lên gấp 2 lần trong 2 năm đầu thực hiện chiến lược và thu được giá trị giao dịch lên đến 4 tỷ nhân dân tệ (482 triệu USD) mỗi ngày kể từ tháng 12/2003. ICBC dẫn đầu trong việc cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến, rất nhiều các tập đoàn, công ty lớn là khách hàng của ICBC trong số hơn 5.600 khách hàng của hệ thống ngân hàng trực tuyến ICBC. Với chiến lược này, các ngân hàng Trung Quốc đã tận dụng lợi thế là chiếm lĩnh lòng tin của các khách hàng nội địa, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và sản phẩm để chiến thắng trong việc phát triển dịch vụ hoàn toàn mới và là thế mạnh của đối thủ cạnh tranh.
Malaysia là nước tự do hóa tài chính từ khá sớm (đến năm 1991 đã xem như tự do hóa tài chính hoàn toàn). Cuối năm 1997, hệ thống ngân hàng đã phát triển tương đối hiện đại, cấu trúc tốt.
Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 xảy ra, sự thiếu cạnh tranh do hoạt động theo chỉ định của Chính phủ (đặc biệt là hoạt động cho vay) và thiếu các quy định giám sát thận trọng đã đặt hệ thống ngân hàng Malaysia vào vị thế rủi ro. Malaysia đã đặt ra các chính sách đối phó với khủng hoảng với mục tiêu cuối cùng là tăng tính cạnh tranh của các ngân hàng, từ đó thiết lập một trật tự mang tính thị trường hơn là mệnh lệnh hành chính.
Ngoài việc như ban hành các quy định thận trọng, tái xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các NHTM, sáp nhập các tổ chức tài chính, một kế hoạch tổng thể phát triển khu vực tài chính được ban hành vào tháng 3/2001 trong giai đoạn 10 năm 2001 – 2010 với mục tiêu tạo lập được một hệ thống tài chính đa dạng, hiệu quả, vững mạnh, hoạt động trên thị trường khu vực và thế giới với năng lực cạnh tranh cao.
Để thực hiện kế hoạch này, giải pháp nổi bật mà các ngân hàng Malaysia thực hiện là thúc đẩy sự tham gia của các đối tác chiến lược có năng lực nhằm tăng cường vốn, chuyển giao kỹ năng và kinh nghiệm quản lý, chuyên môn. Với việc mở rộng hợp tác với đối tác chiến lược, các ngân hàng Malaysia có thêm một nguồn vốn lớn để đầu tư tăng cường năng lực cạnh tranh. Cụ thể, các ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm dịch vụ theo hướng tiếp cận sản phẩm hiện đại của thế giới. Việc huy động được nguồn vốn lớn đi cùng với kinh nghiệm quản lý của đối tác chiến lược còn giúp các ngân hàng Malaysia cải thiện tốt chất lượng quản lý, hoạt động theo sát thị trường.
Kết quả, năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại Malaysia tăng lên rõ rệt: từ cuối năm 2001 đến đầu năm 2010, hệ số an toàn vốn tăng từ 13% lên 15%, ROE từ 13,3% lên 16,5%, ROA từ 1% lên 1,5%, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 11,5% còn 1,9%, năng suất lao động (tính bằng lợi nhuận bình quân/nhân viên) tăng từ 63.500 RM lên 172.500 RM; toàn hệ thống chỉ còn 31 ngân hàng với 9 ngân hàng nội địa lớn có năng lực tài chính hùng mạnh và phạm vi hoạt động toàn cầu.
Việc nghiên cứu các ngân hàng Trung Quốc, Malaysia có thể rút ra một số kinh nghiệm nổi bật đối với đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện mở cửa và hội nhập quốc tế:
- Tăng cường huy động vốn cho đầu tư qua các kênh hiệu quả: cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra thị trường quốc tế, tăng cường hợp tác với đối tác chiến lược có năng lực.
- Chiến lược đầu tư bám sát thị trường, linh hoạt, không né tránh cạnh tranh. - Đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ và nhân lực là mấu chốt để cạnh tranh với ngân hàng nước ngoài. Đầu tư cho nhân lực xứng đáng để hạn chế tình trạng chảy máu chất xám, tăng chất lượng phục vụ khách hàng. Đầu tư công nghệ và nghiên cứu khoa học để phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, đón đầu thị trường.
Đây chính là những điểm quan trọng trong hoạt động đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh đã được tiến hành tại các ngân hàng Trung Quốc, Malaysia. Với những điều kiện tương đồng, các NHTM Việt Nam nói chung, VCB nói riêng cần có sự học hỏi và áp dụng linh hoạt cho chiến lược đầu tư của ngân hàng mình, nhằm dành được chiến thắng trong cuộc cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NGOẠI
THƯƠNG VIỆT NAM