của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
3.1.1. Xu thế phát triển của thị trường tài chính Việt Nam
Thị trường tài chính Việt Nam trong những năm tới phát triển theo chiều sâu, không mở rộng về số lượng nhưng cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các ngân hàng thực sự có tiềm lực. Trong xu thế phát triển đó xuất hiện những nhân tố thuận lợi và cả thách thức đối với năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại.
(1) Các xu thế thuận lợi:
(i) Thị trường tài chính phát triển trong môi trường vĩ mô ổn định, cơ sở hạ tầng, công nghệ ngày càng phát triển
Môi trường vĩ mô ổn định tạo những điều kiện cần cho sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng. Việt Nam được đánh giá là có sự ổn định về chính trị, xã hội, môi trường kinh doanh. Sau khủng hoảng, kinh tế cũng dần đi vào ổn định với sự thay đổi cơ cấu theo hướng phù hợp với thị trường và mang tính dài hạn. Cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ phát triển tạo ra các yếu tố đồng bộ cho cả đầu vào, đầu ra của hệ thống ngân hàng. Việt Nam trong những năm tới vẫn tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chú trọng nâng cao trình độ khoa học công nghệ và điều này đã có những tác động tích cực đến sự phát triển của hệ thống ngân hàng: giao dịch được xử lý ngày càng nhanh hơn, chuẩn xác hơn, không giới hạn bởi thời gian, không gian, các sản phẩm ngân hàng ngày càng phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực,…
(ii) Thị trường mở rộng
Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua luôn đạt mức tăng trưởng cao và có tiềm năng duy trì tốc độ này ở các năm tiếp theo, đứng vị trí thứ 3 tại châu Á về tốc độ tăng trưởng GDP (sau Trung Quốc, Ấn Độ). Việt Nam được đánh giá là quốc gia có
dân số trẻ, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 15 triệu người (tương đương 12% dân số) hiện đang sở hữu một tài khoản tại ngân hàng. Số lượng các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh phát triển với nhu cầu ngày càng cao đối với các giải pháp tài chính. Điều này mang lại cho các NHTM cơ hội khai thác thị trường tiềm năng rộng lớn.
Dịch vụ tài chính ngân hàng thời gian qua phát triển với tốc độ nhanh chóng cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng là tất yếu. Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tỉ lệ tăng trưởng các sản phẩm thẻ ngân hàng đạt từ 50- 200% trong vòng năm năm từ 2006 đến 2010. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng ghi nhận 83 ngân hàng đang hoạt động đã phát hành khoảng 27 triệu thẻ thanh toán, sử dụng trong hệ thống hơn 11.000 ATM cùng 42.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ.
Hơn 24 triệu người Việt Nam có sử dụng Internet và ngành ngân hàng có thể tận dụng lợi thế này để mang lại những tiện ích cho khách hàng từ những sản phẩm hiện đại trên nền tảng công nghệ trực tuyến. Ước tính khoảng 50% tiết kiệm cá nhân được giữ ngoài hệ thống ngân hàng chính thống dưới dạng vàng, tiền mặt và các tài sản khác.
Trong những năm tới, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển đổi từ nền kinh tế tiền mặt sang hệ thống tài chính chính thống, tỷ lệ thâm nhập dịch vụ tài chính dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, cuối năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Thanh toán không dùng tiền mặt” và hiện đang được triển khai ở
quy mô lớn. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán chỉ còn 15%, số lượng tài khoản cá nhân đạt 45 triệu, hơn 90% người lao động lĩnh lương qua tài khoản và 95% khoản thanh toán giữa các doanh nghiệp được thực hiện qua ngân hàng. Trước đây, với 73% dân số sinh sống ở nông thôn và các vùng miền xa, việc dân cư tiếp cận với dịch vụ ngân hàng còn hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam trải qua thời kỳ tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với tỷ lệ tăng dân số thành thị là 3,6%/năm giai đoạn 2002-2005, làm tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ cá nhân. Hiện nay, 60% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi dưới 30 và có tới 25% đang sống ở thành thị, họ cởi mở với các sản phẩm tài chính và lưu giữ tài sản trong tài khoản cá nhân
ngân hàng. Lực lượng này sẽ chi phối thị trường cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm tới đây.
(iii) Cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế
Với chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào các lĩnh vực kinh tế, trong đó có cả ngân hàng tài chính. Đặc biệt, sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của WTO, việc mở cửa trong lĩnh vực ngân hàng đã sâu rộng hơn nhiều so với trước đây do Việt Nam phải thực hiện các cam kết trong quá trình hội nhập. Về tổng thể, các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng đã cho phép các TCTD nước ngoài được hiện diện ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, mở rộng phạm vi và loại hình cung cấp các dịch vụ, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng.
Có thể thấy, khi những rào cản đối với các ngân hàng nước ngoài được tháo bỏ sẽ mở ra một sân chơi lành mạnh hơn cho các ngân hàng. Các ngân hàng nước ngoài sẽ được phát triển tự do hơn trong khi các ngân hàng nội sẽ không ngừng cải tiến sản phẩm và nâng cao dịch vụ của mình để cùng cạnh tranh. Đây cũng được coi như “cú hích” về cạnh tranh để các ngân hàng thương mại Việt Nam đi lên. Những ngân hàng nào chưa có sự chuẩn bị kỹ và năng lực cạnh tranh còn yếu kém sẽ bị đào thải. Thị trường sẽ sàng lọc và những ngân hàng nào quản trị tốt, năng lực cạnh tranh cao sẽ tồn tại và phát triển mạnh.
Cạnh tranh giữa các ngân hàng sẽ thúc đẩy hiệu quả không chỉ trong huy động, phân bổ các nguồn vốn mà còn hiệu quả kinh doanh của mỗi ngân hàng. Khả năng cạnh tranh của các ngân hàng sẽ được nâng cao bởi cơ hội liên kết hợp tác với nước ngoài trong chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm và khai thác thị trường.
Hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh do mở rộng khả năng tiếp cận của các ngân hàng đối với các khu vực thị trường mới, các nhóm khách hàng có mức độ rủi ro thấp. Các ngân hàng nội sẽ có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ công nghệ và quản trị ngân hàng, đồng thời các ngân hàng trong nước
còn có khả năng huy động các nguồn vốn từ thị trường tài chính quốc tế và sử dụng vốn có hiệu quả hơn để giảm thiểu rủi ro và các chi phí cơ hội.
Hội nhập kinh tế cũng góp phần thúc đẩy quá trình thu hút nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện giúp các NHTM phát triển các mối quan hệ đại lý, thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, hợp tác đầu tư và trao đổi công nghệ... Hơn nữa, việc Việt Nam gia nhập WTO cũng thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước chủ động trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường để tồn tại và phát triển, không chỉ ở trong nước mà còn mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Các doanh nghiệp phát triển tốt tạo điều kiện cho ngân hàng duy trì và phát triển cơ sở khách hàng tốt, tài chính lành mạnh. Ngoài ra, việc mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng sẽ thúc đẩy NHNN nâng cao năng lực và hiệu quả điều hành, thực thi chính sách tiền tệ, chia sẻ thông tin với các ngân hàng trung ương khác, góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các NHTM.
(iv) Hệ thống thể chế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đang được tập trung hoàn thiện
Từ 1-1-2011, Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, thẩm quyền và tính tự chủ của NHNN trong việc chủ động, linh hoạt sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ đã được xác định rõ ràng. Luật NHNN sửa đổi cũng xác định rõ thẩm quyền của NHNN trong việc giám sát an toàn hoạt động của các TCTD thông qua hai hoạt động giám sát và thanh tra, cùng với việc thành lập cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ hơn đối với hệ thống TCTD và an toàn hệ thống ngân hàng, có khả năng chống đỡ kịp thời những biến động kinh tế khó lường từ bên ngoài trong xu thế toàn cầu hóa.
Luật các TCTD mới đã có nhiều qui định nhằm nâng cao mức độ an toàn trong hoạt động của TCTD trên cơ sở quán triệt quan điểm: TCTD là doanh nghiệp đặc biệt, cần được quản lý một cách đặc biệt và tiếp cận sát với thông lệ quốc tế về các yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Sau khi ban hành Luật các TCTD mới, các văn bản pháp lý về hoạt động ngân hàng cũng được xem xét để điều chỉnh, các qui định an toàn đối với các TCTD được điều chỉnh theo hướng phù hợp dần với các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, nổi bật là Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 và Thông tư số 19/2010/TT-NHNN ngày 27/9/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13. Điểm quan trọng trong Thông tư 13 này là nâng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu giữa vốn tự có so với tổng tài sản “có” rủi ro từ 8% (theo quyết định 457/2005/QĐ-NHNN) lên 9%. Thông tư này có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường tính an toàn trong hoạt động của các TCTD nói riêng và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung, tiến gần tới các thông lệ và tiêu chuẩn của quốc tế.
Bên cạnh đó, kịp thời đáp ứng xu thế phát triển, NHNN phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành nhiều chính sách, quy định tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động mới của NHTM như các quy định liên quan đến giao dịch điện tử, phân phối bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng, đầu tư mở rộng lĩnh vực hoạt động,… tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong quá trình cung ứng các sản phảm phù hợp với sự phát triển ngày càng cao của thị trường.
Hệ thống chính sách pháp luật về tiền tệ, ngân hàng được cải tiến tạo một hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động của các NHTM, định hướng phát triển và thúc đẩy các NHTM nhanh chóng tiến tới các chuẩn mực của ngân hàng quốc tế.
(v) Cổ phần hóa tiếp tục phát huy các lợi thế, mang lại sự thay đổi thực chất, có chiều sâu cho các ngân hàng thương mại Nhà nước
Quá trình cổ phần hóa các ngân hàng thương mại Nhà nước đang tiếp tục được thúc đẩy nhanh chóng. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu thành phần sở hữu, cổ phần hóa mang lại cho các ngân hàng này – vốn là các ngân hàng đầu tầu – sự tự chủ nhất định, cơ hội huy động các nguồn lực hiệu quả từ các cổ đông chiến lược.
(2) Xu thế tạo ra các khó khăn cho các NHTM trong nước
(i) Áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt trong điều kiện hội nhập
Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế cùng với việc thực hiện những cam kết khi gia nhập WTO, Việt Nam mở cửa thị trường tài chính và nới lỏng các rào cản
trước đây đối với các ngân hàng ngoại, cho phép các ngân hàng nước ngoài được hiện diện ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, mở rộng phạm vi và loại hình cung cấp các dịch vụ ngân hàng.
Về hình thức hiện diện của TCTD nước ngoài tại Việt Nam, theo cam kết gia nhập WTO, từ 01/4/2007, ngoài hình thức văn phòng đại diện, chi nhánh, ngân hàng liên doanh, các TCTD nước ngoài sẽ được phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu về tổng tài sản có đối với TCTD muốn thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam cũng được đưa ra nhằm thu hút các ngân hàng lớn vào hoạt động tại thị trường Việt Nam, cam kết này đã được thể chế hóa tại Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/2/2006. Cụ thể là, để mở một chi nhánh của NHTM nước ngoài tại Việt Nam, ngân hàng mẹ phải có tổng tài sản hơn 20 tỷ USD vào cuối năm trước thời điểm xin mở chi nhánh; đối với việc thành lập ngân hàng liên doanh hoặc ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 10 tỷ USD; đối với mở công ty tài chính 100% vốn nước ngoài và công ty cho thuê tài chính liên doanh, TCTD nước ngoài phải có tổng tài sản hơn 10 tỷ USD vào cuối năm trước thời điểm xin phép mở. Ngoài ra, về thời gian hoạt động cũng được nâng lên tối đa không quá 99 năm (thời hạn này trước đây là 20 năm).
Về phạm vi hoạt động và loại hình dịch vụ ngân hàng, các TCTD nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được cung cấp hầu hết các loại hình dịch vụ ngân hàng như: cho vay, nhận tiền gửi, cho thuê tài chính, kinh doanh ngoại tệ, các công cụ thị trường tiền tệ, các công cụ tài chính phái sinh, môi giới tiền tệ, quản lý tài sản, cung cấp dịch vụ thanh toán, tư vấn và thông tin tài chính. Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mở các điểm giao dịch ngoài trụ sở chi nhánh nhưng được phép lắp đặt và vận hành các máy giao dịch tự động và phát hành thẻ tín dụng như các ngân hàng trong nước.
Đến nay, các tổ chức tài chính nước ngoài tại Việt Nam bao gồm 5 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 48 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 8 công ty cho thuê tài chính, 56 văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù thị phần hoạt động của các TCTD nước ngoài vẫn còn ở
mức khiêm tốn (khoảng 10%), nhưng có vị trí quan trọng trong hệ thống các định chế tài chính tại Việt Nam. Năm 2010 là năm chứng kiến sự mở rộng qui mô và phạm vi hoạt động của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam. Sau một thời gian ngắn, các ngân hàng này hoạt động đều hiệu quả và đang có xu hướng mở rộng khai thác các dịch vụ nhằm thu hút khách nội. Áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng sẽ ngày càng gay gắt. Đặc biệt, lộ trình mở cửa của hệ thống ngân hàng Việt Nam để gia nhập WTO đã chính thức tiến đến mức thực hiện đối xử quốc gia giữa các ngân hàng nội địa và ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, từ 1-1-2011, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được đối xử bình đẳng quốc gia theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Do đó, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng phải bình đẳng như các NHTM trong nước trong việc áp dụng các giới hạn về cấp tín dụng và bảo lãnh.
Các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam đều là những ngân hàng lớn, tiềm lực tài chính mạnh, có uy tín trên thế giới. Họ nắm giữ các công nghệ ngân hàng hiện đại, có kinh nghiệm quản trị ngân hàng tiên tiến, và bổ sung nguồn tài chính không nhỏ cho thị trường tài chính Việt Nam.
Một số ngân hàng nước ngoài hiện diện dưới cả hai hình thức là chi nhánh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài như HSBC, ANZ, Standard Chartered. Mặc dù mới gia nhập thị trường tài chính Việt Nam, nhưng hết quý III/2010, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài đã huy động vốn đạt 77.444 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 93.511 tỷ đồng, tăng 29,8% so với thời điểm cuối năm 2009; dư nợ tín dụng đạt 38.322 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2009.
Trong khi các NHTM trong nước vẫn chủ yếu kinh doanh trên các sản phẩm