lợn con
Chăm sóc, nuôi dưỡng là một quy trình không thể thiếu của bất kỳ trại chăn nuôi nào, chính vì vậy trong suốt 6 tháng thực tập tại trại em đã được tham gia và làm các công việc về nuôi dưỡng, chăm sóc cho đàn lợn nái nuôi con tại trại. Em đã được học và mở mang kiến thức rất nhiều về cách cho ăn, thức ăn nào dành cho những loại lợn nào, các thao tác kỹ thuật để chăm sóc lợn mẹ tốt... Dưới đây là kết quả em đã thực hiện được trong 6 tháng thực tập:
* Quy trình chăm sóc nái đẻ (nái nuôi con)
Vệ sinh sát trùng chuồng đẻ sạch sẽ, khô ráo trước khi chuyển nái sang chuồng đẻ.
Tắm cho lợn nái bằng xà phòng và chuyển nái qua chuồng đẻ khoảng 7 - 10 ngày trước khi đẻ.
Chuẩn bị dụng cụ trước khi lợn con ra đời: khăn lau, bột xoa, cồn iod, cân, tải nilon, dầu bôi trơn, pank, kim tiêm, kìm cắt đuôi, máy mài nanh, bấm tai, sổ ghi chép, thuốc oxytoxin, kháng sinh, lồng úm, bóng úm...
Thường xuyên quan sát để nhận biết lợn nái trước khi sinh 3 ngày qua các biểu hiện: Bầu vú căng, có tiết vài giọt sữa. Đối với nái tơ thường sinh sau 2 - 3 giờ tiết sữa. Ngoài ra nái còn tăng nhịp thở, thải phân lắt nhắt. Sau khi sinh được vài con nếu nhận thấy nái khó đẻ có thể dùng oxytocin 1 ml/nái.
* Khẩu phần ăn cho nái đẻ và nuôi con Thức ăn lợn nái: Cám của CP 567SF.
+ Lợn nái chửa trước ngày đẻ dự kiến 3 ngày cho ăn thức ăn hỗn hợp 567SF giảm dần 0,5 kg/ngày.
+ Lợn nái đẻ được 2 ngày tăng dần lượng thức ăn từ 0,5 - 1 kg/ngày đến ngày thứ 6.
+ Đối với nái nuôi con quá gầy hoặc nuôi nhiều con có thể cho ăn tăng lượng thức ăn lên đến 6 kg/con/ngày.
* Quy trình đỡ đẻ cho lợn nái
Biểu hiện bên ngoài: Bồn chồn, đứng ngồi không yên, chân cào xuống nền chuồng, ỉa, đái vặt, trước đẻ 1 giờ bắt đầu tiết sữa.
Người đỡ: Cắt móng tay, rửa tay sạch. - Kỹ thuật đỡ đẻ:
+ Một tay cầm chắc lợn con, một tay dùng khăn khô lau sạch dịch nhờn ở mồm, mũi và toàn thân cho lợn để lợn hô hấp thuận lợi.
+ Cắt rốn: Thắt dây rốn ở vị trí cách cuống rốn 3 cm, dùng kéo cắt phần bên ngoài nút thắt một đoạn bằng 1/2 bên trong nút buộc khoảng 1,5 cm. Sát trùng dây rốn và vùng cuống rốn bằng cồn iod.
+ Cho lợn con vào lồng úm tº = 33 - 35°C
+ Trước khi cho lợn con ra bú cần lau sạch vú lợn mẹ.
+ Phải trực liên tục cho đến khi lợn nái đẻ xong hoàn toàn, nhau ra hết, lợn nái trở về trạng thái yên tĩnh và cho con bú.
Không can thiệp khi quá trình đẻ của lợn nái diễn ra bình thường, chỉ can thiệp khi lợn mẹ rặn đẻ lâu và khó khăn.
* Kỹ thuật can thiệp lợn đẻ khó - Một số biểu hiện lợn đẻ khó
+ Khi lợn đã vỡ nước ối mà lợn mẹ lại không có biểu hiện rặn đẻ. + Lợn rặn đẻ liên tục, bụng căng lên do rặn đẻ mạnh, đuôi cong lên do lợn con đã ra đến cổ tử cung nhưng do lợn con quá to hoặc do thai bị ngược nên không ra ngoài được.
+ Mắt của lợn mẹ đỏ lên do quá trình rặn đẻ liên tục.
+ Lợn mẹ kiệt sức, thở nhanh, yếu ớt do quá trình rặn đẻ nên kiệt sức. - Cách can thiệp lợn đẻ khó
+ Dùng nước sát trùng vệ sinh âm hộ và mông lợn. + Sát trùng tay, bôi gel bôi trơn.
+ Đưa tay vào trong tử cung, nắm lấy lợn con, đưa lợn con ra ngoài. - Sử dụng thuốc
+ Kháng sinh dufamox, sau khi đẻ xong điều trị 3 ngày lên tục, liều 20 ml/con.
+ Dùng oxytoxin liều dùng 2 ml/con, tiêm vào gốc đuôi sau khi đẻ 2/3 số con để đẩy sản dịch, tăng tiết sữa.
* Quy trình chăm sóc lợn con tại cơ sở
- 1 ngày: Bấm tai sau đẻ khoảng 2 tiếng đồng hồ.
- 3 ngày: Sau khi đẻ mài nanh, cắt đuôi, tiêm sắt, tiêm kháng sinh amocylin.
- 4 ngày: Cho uống cầu trùng.
- 5 - 6 ngày: Thiến lợn đực, sau thiến tiêm kháng sinh, sát trùng vị trí thiến và lắp máng tập ăn.
- 14 - 21 ngày: Tiêm vắc xin Mycoplasma và Circo - ONE - 22 đến: 26 ngày cai sữa.
* Tập ăn sớm lúc 5 - 6 ngày tuổi
Đầu tiên cho một ít thức ăn vào trong máng tập ăn đặt vào ô chuồng để lợn con làm quen dần với thức ăn. Sau khi lợn con đã quen và ăn được, từ từ tăng lượng thức ăn lên. Trang trại sử dụng loại thức ăn hỗn hợp dạng viên 550SF cho lợn con từ 7 ngày tuổi đến 7 kg của công ty CP.
* Cai sữa cho lợn con
Khi lợn con được 21 ngày tuổi tiến hành cai sữa cho lợn con đối với những đàn có khối lượng từ 5,5 kg đến 7 kg, không mắc bệnh và có sức khoẻ tốt.
Kết quả ở bảng 4.2. cho thấy: Số lượng lợn nái chửa mỗi tháng em chăm sóc trung bình là 54 con, đây là những lợn nái chửa kỳ cuối (100 - 114 ngày) được chuyển lên chuồng lợn nái đẻ để chờ đẻ và tập làm quen với chuồng đẻ. Số lượng lợn nái mỗi tháng em trực tiếp chăm sóc trung bình là 54 con, số lượng còn thấp vì mỗi chuồng đẻ có 56 ô chuồng chia làm 4 dãy, 4 dãy có 1 người làm, vì vậy em được phân công chăm sóc trung bình 54 lợn nái/tháng và tổng số lợn con trực tiếp chăm sóc trong 6 tháng là 3972 con.
Bảng 4.2: Kết quả số lượng lợn nái trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng tại trại 6 tháng thực tập Tháng Loại lợn Nái chửa ở kỳ cuối 100 - 114 ngày (con) Nái đẻ nuôi con (con) Lợn con (con) Lợn con cai sữa (con) 12/2020 58 58 754 696 1/2021 57 57 741 627 2/2021 58 58 725 638 3/2020 56 56 700 616 4/2021 58 57 684 627 5/2021 55 55 660 605 Tổng 342 341 4264 3089
Trong quá trình chăm sóc lợn nái chửa ở kỳ chửa cuối (100 - 114 ngày), em đã rút ra được một số kinh nghiệm như sau: Khi chăm sóc lợn nái mang thai giai đoạn 2 tuần trước khi đẻ phải chú ý đến khẩu phần ăn của từng lợn, khi tra cám lợn phải nhìn vào bảng cám của từng con, nếu cho ăn quá nhiều hoặc quá ít đều ảnh hưởng tới sự phát triển của bào thai. Đặc biệt phải chú ý đến khẩu phần ăn của những lợn đẻ lứa 1, 2. Buổi sáng thường cho lợn ăn vào 7 giờ sáng ngay sau khi vào chuồng và buổi chiều lúc 4 giờ chiều.
Đối với lợn nái đẻ, khẩu phần ăn được chia làm 3 bữa, vì sau khi đẻ lợn mệt mỏi, ăn ít hoặc không ăn, vì vậy cần cho lợn ăn nhiều bữa để tăng khả năng thu nhận thức ăn, cho ăn nhiều vào bữa sáng và chiều tối, vào mùa Hè nắng nóng, bữa trưa cho ăn ít hơn do bữa trưa thường nắng, lợn không ăn được hết thức ăn. Cung cấp đầy đủ nước uống cho lợn. Việc tắm chải cho lợn mang thai là rất cần thiết, đặc biệt là vào mùa Hè. Do thời tiết nóng nên lợn thường ăn ít hơn những ngày trời mát mẻ, vì vậy tắm chải cho lợn giúp cho lợn mát hơn, giảm stress khi nhiệt độ môi
trường quá cao. Tắm lợn giúp cho lợn sạch sẽ, sàn chuồng sạch sẽ, khi lợn đẻ sẽ tránh nhiễm trùng cho lợn con và tránh được vi khuẩn xâm nhập vào tử cung gây viêm nhiễm.
Chú ý công tác chăm sóc: hộ lý khi lợn đẻ khó nếu lợn đẻ quá lâu (30 phút chưa đẻ thêm), có thể đập lợn mẹ dậy cho trở mình để ngôi thai được xoay thuận lợi cho quá trình đẻ. Trường hợp phải can thiệp cần thực hiện đúng thao tác kỹ thuật, tránh gây sây sát cho lợn mẹ và lợn con. Phải thường xuyên theo dõi lợn mẹ đến khi hoàn thành quá trình đẻ.
Trong thời gian thực tập, em đã trực tiếp chăm sóc cho đàn nái đẻ được chuyển từ chuồng lợn mang thai lên, đỡ đẻ cho lợn và can thiệp khi lợn đẻ khó.