Kinh tế học tân cổ điển
Các mô hình tài chính truyền thống có nền tảng là kinh tế học, và kinh tế học tân cổ điển (neoclassical economics) là ví dụ điển hình của mô hình này. Kinh tế học tân cổ điển cho rằng các cá nhân và doanh nghiệp có tính tư lợi và luôn nỗ lực để tối ưu hóa khả năng khi phải đối mặt với những hạn chế về nguồn lực. Giá trị (giá cả) của một tài sản được xác định bởi thị trường và biến đổi theo mối quan hệ cung – cầu. Kinh tế học tân cổ điển đưa ra một số giả định cơ bản về con người như sau:
1. Con người có sự ưa thích hợp lý với hai giả định. Giả định quan trọng đầu tiên ở đây là sự ưa thích của con người là hoàn hảo. Điều này có nghĩa là một người có thể so sánh tất cả các lựa chọn có thể có và đánh giá sự ưa thích hơn hoặc không có khác biệt nào. Hầu hết mọi người biết họ thích gì và không thích cái gì. Giả định thứ hai là tính bắc cầu. Giả định này cho rằng các lựa chọn hợp lý có tính bắc cầu.
2. Con người tối đa hóa mức hữu dụng và doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận. Trong đó, lý thuyết tối đa hóa mức hữu dụng được sử dụng để mô tả sự ưa thích của con người. Sự ưa thích này được diễn tả bằng hàm hữu dụng và dùng các con số để hiện cho sự ưa thích ít hoặc nhiều. Nhờ vào sự so sánh các con số này mà con người đưa ra các lựa chọn sao cho có được các mức hữu dụng tối ưu. Ví dụ khi tài sản lớn lên, ảnh hưởng của việc gia tăng một khối lượng tài sản nhất định, chẳng hạn 100,000 USD sẽ giảm đi. Đối với một anh nông dân, thì 100,000 USD của trời cho sẽ giúp anh ta đổi đời. Còn đối với Bill Gates, số tiền đó không làm ông phải bận tâm (Minh họa trong Hình 2.1)
Hình 2.1: Tính hữu dụng biên tế giảm dần của tài sản. (Nguồn: Richard H. Thaler)
3. Con người đưa ra những quyết định độc lập dựa trên tất cả thông tin liên quan. Giả định này cho rằng con người tối đa hóa mức hữu dụng của bản thân bằng việc sử dụng tất cả các thông tin để đưa ra sự lựa chọn.
Lý thuyết hữu dụng kì vọng
Thực tế trong việc đưa ra quyết định tài chính, có rất nhiều sự không chắc chắn tác động đến kết quả đạt được. Vì vậy lý thuyết hữu dụng kì vọng (Expected Utility Theory) được đưa ra bởi John Von Neumann và Oskar Morgenstern (1944) nhằm mô tả những hành vi hợp lý khi con người phải đối mặt với sự không chắc chắn. Lý thuyết này cho rằng các cá nhân nên hành động theo một cách thức cụ thể khi phải đưa ra những quyết định quan trọng mà không có sự chắc chắn. Với cách tư duy này, lý thuyết hữu dụng kỳ vọng là lý thuyết “có tính chuẩn tắc - normative”, nghĩa là nó mô tả cách thức mà con người duy lý nên hành xử. Điều này trái ngược
với lý thuyết “thực chứng - positive”, lý thuyết này cho thấy thực tế con người hành xử như thế nào.
Thái độ đối với rủi ro
Có nhiều bằng chứng cho thấy tất cả mọi người đều né tránh rủi ro trong hầu hết các tình huống nhưng cũng sẽ sẵn lòng chấp nhận rủi ro nếu được đền bù. Hàm hữu dụng kỳ vọng rất hữu dụng khi mô tả sự ưa thích rủi ro. Một người ngại rủi ro sẽ thích giá trị kỳ vọng của triển vọng hơn là triển vọng đó. Một người tìm kiếm rủi ro sẽ thích triển vọng đó hơn so với giá trị kì vọng chắc chắc của triển vọng. Một người trung lập với rủi ro thì nhận thấy triển vọng và giá trị kì vọng của nó là như nhau.
Nghịch lý Allais
Nghịch lý Allais là một ví dụ cho sự vi phạm lý thuyết hữu dụng kì vọng. Allais (1953) đã mô tả một thực tế đã được chứng minh bằng thực nghiệm rằng các quyết định của cá nhân có thể không phù hợp với lí thuyết hữu dụng kì vọng thông qua các hành vi quan sát được trong các thí nghiệm của ông.