Những hiểu biết về một số bệnh thường gặp trên đàn lợn nái và lợn con

Một phần của tài liệu Thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho lợn nái sinh sản và lợn con theo mẹ tại trại lợn tín nghĩa, huyện ứng hòa, thành phố hà nội (Trang 28 - 37)

2.2.3.1. Bệnh viêm tử cung

Theo Nguyễn Văn Thanh và cs. (2016) [26], viêm tử cung là một hội chứng thường xuất hiện trên lợn nái sau khi đẻ. Lợn nái viêm tử cung sẽ bị tổn thương lớp niêm mạc. Từ đó gây ảnh hưởng sự tiết Prostaglandin F2 và làm xáo trộn chu kỳ động dục, làm tăng tình trạng chậm sinh và vô sinh.

* Nguyên nhân

Theo Nguyễn Xuân Bình (2000) [2], bệnh viêm tử cung xảy ra ở những thời gian khác nhau nhưng bệnh xảy ra nhiều nhất vào thời gian sau khi đẻ 1 - 10 ngày.

Theo Nguyễn Văn Thanh và cs. (2016) [26], có nhiều nguyên nhân gây viêm tử cung như: dinh dưỡng, tuổi, lứa đẻ, tình trạng sức khỏe, chăm sóc và quản lý, vệ sinh, tiểu khí hậu chuồng nuôi,...Nhưng nguyên nhân chính luôn có trong các trường hợp là do vi sinh vật, nguyên nhân khác sẽ làm giảm sức

đề kháng của cơ thể hoặc tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập và phát triển để gây nên các triệu chứng.

Theo Đoàn Thị Kim Dung và Lê Thị Tài (2002) [5], nguyên nhân gây ra bệnh viêm tử cung chủ yếu do vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), liên cầu dung huyết (Streptococcus hemolitica) và các loại Proteus vulgais, Klebriella, E.coli, còn có thể do trùng roi (Trecbomonas fortus) và do nấm Candda albicans.

Theo Nguyễn Hoài Nam và Nguyễn Văn Thanh (2016) [26], tỷ lệ viêm tử cung rất cao ở nhóm lợn nái được can thiệp bằng tay khi đẻ có thể là do các tác động này làm tăng tổn thương của đường sinh dục, có thể mang theo vi khuẩn vào tử cung làm cho tử cung dễ bị viêm hơn. Một nguyên nhân nữa giải thích tình trạng viêm tử cung sau đẻ phổ biến ở lợn nái trong nghiên cứu này là lợn ít được tắm rửa sạch sẽ trước khi đẻ, đa số lợn chỉ được vệ sinh cơ thể và bộ phận sinh dục sau khi đẻ.

* Triệu chứng

Theo Nguyễn Văn Thanh (2007) [25], khi lợn nái bị viêm, các chỉ tiêu lâm sàng như: thân nhiệt, tần số hô hấp đều tăng. Lợn bị sốt theo quy luật: sáng sốt nhẹ 39 - 39,5oC, chiều 40 - 41oC.

Con vật ăn kém, sản lượng sữa giảm, đôi khi con vật cong lưng rặn. Từ cơ quan sinh dục chảy ra hỗn dịch lẫn nhiều mảnh tổ chức, mùi hôi tanh, có màu trắng đục, hồng hay nâu đỏ. Khi nằm lượng dịch chảy ra nhiều hơn.

Tuỳ vào vị trí tác động của quá trình viêm đối với tử cung của lợn nái, người ta chia thành ba thể viêm: viêm nội mạc tử cung, viêm cơ tử cung, viêm tương mạc tử cung.

Theo Trần Tiến Dũng và Phan Vũ Hải (2002) [6]; Trần Thị Dân (2004) [4], khi lợn nái bị viêm tử cung sẽ dẫn tới một số hậu quả chính sau:

- Khi lợn bị viêm tử cung dễ dẫn đến sảy thai

Lớp cơ trơn ở thành tử cung có đặc tính co thắt. Khi mang thai, sự co thắt của cơ tử cung giảm đi dưới tác dụng của Progesterone, nhờ vậy phôi có thể bám chặt vào tử cung.

Khi tử cung bị viêm cấp tính do nhiễm trùng, tế bào lớp nội mạc tử cung tiết nhiều Prostaglandin F2α (PGF2α), PGF2αgây phân huỷ thể vàng ở buồng trứng bằng cách bám vào tế bào của thể vàng để làm chết tế bào và gây co mạch hoặc thoái hoá các mao quản ở thể vàng nên giảm lưu lượng máu đi đến thể vàng. Thể vàng bị phá huỷ, không tiết progesterone nữa, do đó hàm lượng progesterone trong máu sẽ giảm làm cho tính trương lực co của cơ tử cung tăng nên gia súc cái có chửa dễ bị sảy thai.

- Lợn bị viêm tử cung bào thai cũng phát triển kém hoặc thai chết lưu. - Sau khi sinh con lượng sữa giảm hoặc mất hẳn nên lợn con trong giai đoạn theo mẹ thường bị tiêu chảy.

- Theo Trần Thị Dân (2004) [4], lợn nái bị viêm tử cung mãn tính sẽ không có khả năng động dục trở lại.

- Tỷ lệ phối giống không đạt tăng lên ở đàn lợn nái viêm tử cung sau khi sinh đẻ. Hiện tượng viêm tử cung âm ỉ kéo dài từ lứa đẻ trước đến lứa đẻ sau là nguyên nhân làm giảm độ mắn đẻ. Mặt khác, viêm tử cung là một trong các nguyên nhân dẫn đến hội chứng MMA (viêm tử cung, viêm vú và mất sữa), từ đó làm cho tỷ lệ lợn con nuôi sống thấp. Đặc biệt, nếu viêm tử cung kèm theo viêm bàng quang thì còn ảnh hưởng tới hoạt động của buồng trứng.

* Biện pháp phòng trị

Theo Nguyễn Tài Năng và cs. (2016) [20], vệ sinh chuồng trại sạch sẽ một tuần trước khi lợn đẻ, rắc vôi bột hoặc nước vôi 20% sau đó rửa sạch bằng nước thường, tắm cho lợn trước khi đẻ, vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục và bầu vú.

Theo Phạm Ngọc Thạch và Phạm Thị Lan Hương (2020) [33], biện pháp phòng và điều trị nếu lợn bị viêm tử cung là thực hiện vệ sinh chuồng trại và khi phối giống thật tốt, bổ sung ADE - khoáng premix, can thiệp đẻ khó sau 2h, đẻ xong tiêm Amox-LA; hoặc gentamox-LA; hoặc cep 5.0; hoặc bio-cep, hoặc ampi-kana, hoặc lincomycin để phòng bệnh trong quá trình can thiệp khó đẻ lợn sẽ bị tổn thương tử cung rất dễ dẫn đến bị viêm. Điều trị khi lợn bị bệnh như sau:

+ Sau khi thụt rửa, tiêm oxytocin liều 10 - 15 UI (2 ống 5 ml/lần), hoặc han - prost, tiêm cho heo ngày 2 lần để tử cung co bóp, tống dịch sản ra ngoài. + Tiêm Amox-LA, hoặc gentamox-LA 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 24 - 48 giờ.

2.2.3.2. Bệnh viêm vú * Nguyên nhân

Trầy xước vú do sàn, nền chuồng nhám, vi trùng xâm nhập vào tuyến sữa. Hai loài vi trùng chính gây bệnh là Staphylococcus aureus

Streptococcus agalactiae… Ngoài ra còn các nguyên nhân gây viêm như số con quá ít không bú hết lượng sữa sản xuất, kế phát từ viêm tử cung nặng hoặc do kỹ thuật cạn sữa không hợp lý trong trường hợp cai sữa sớm. Do vệ sinh không đảm bảo, chuồng trại quá nóng hoặc quá lạnh. Do lợn mẹ sát nhau, lợn con khi sinh ra không được bấm răng nanh ngay. Lợn mẹ ăn quá nhiều thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao làm sữa tiết ra quá nhiều ứ đọng lại trong vú tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập phát triển mạnh mẽ về số lượng và độc lực (Nguyễn Như Pho, 2002) [21].

* Triệu chứng

Theo Ngô Nhật Thắng (2006) [27], viêm vú thường xuất hiện ở một vài vú nhưng đôi khi cũng lan ra toàn bộ các vú. Vú có màu hồng, sưng đỏ, sờ vào thấy nóng, hơi cứng ấn vào lợn nái có phản ứng đau. Lợn nái giảm ăn, trường hợp nặng thì bỏ ăn, sốt cao 40,5- 42oC kéo dài trong suốt thời gian viêm, sản lượng sữa giảm, lợn nái thường nằm úp đầu vú xuống sàn, ít cho con bú. Lợn con thiếu sữa kêu la chạy quanh lợn mẹ đòi bú, lợn con ỉa chảy, xù lông, gầy tọp, tỷ lệ chết cao 30 - 100% (Lê Hồng Mận, 2002) [14]. Vắt sữa ở những vú bị viêm thấy sữa loãng, trong sữa có những cặn hoặc cục sữa vón lại, xuất hiện những mảnh cazein màu vàng, xanh lợn cợn, đôi khi có máu.

* Hậu quả

Khi bị viêm vú, sản lượng sữa của lợn nái nuôi con giảm, trong sữa có nhiều chất độc, sữa không đủ đáp ứng nhu cầu của lợn con hoặc khi lợn con bú sữa sẽ dẫn đến tiêu chảy, ốm yếu, sức đề kháng giảm, dễ mắc bệnh và trọng lượng cai sữa thấp.

Nếu viêm vú nặng dẫn đến huyết nhiễm trùng, huyết nhiễm mủ thì khó chữa, lợn nái có thể chết.

Viêm vú kéo dài dẫn đến teo đầu vú, vú hóa cứng, vú bị hoại tử ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa của lợn nái ở lứa đẻ sau.

* Phòng và điều trị

Nguyễn Thị Liễu Kiều (2018) [13] cho biết, để phòng và trị bệnh viêm vú cần vệ sinh chuồng trại, tắm cho trước khi đẻ, bấm nanh lợn con, giảm khẩu phần (khoảng 50%) trước ngày đẻ và nhịn ăn vào ngày đẻ để phòng viêm vú. Pháp đồ điều trị:

+ Dạng nhẹ tiêm một liều Oxytocin để kích thích tiết sữa. + Dùng nước ấm chườm ở đầu vú viêm để giảm sưng.

+ Dạng nặng: Tiêm kháng sinh Ceptifi suspen: 1ml/15kg thể trọng; Forloxin: 1ml/15kg thể trọng; Amoxgen 1ml/15kg trọng lượng, liên tục trong 2 - 3 ngày.

+ Thuốc kháng viêm như: Ketovet 1ml/16kg thể trọng; tolfen 1ml/20kg thể trọng.

2.2.3.3. Hiện tượng đẻ khó

Lợn đẻ mà thời gian ra thai kéo dài nhưng thai vẫn không được đẩy ra ngoài. Bệnh biểu hiện dưới nhiều hình thức, diễn biến khác nhau. Không những gây bệnh cho cơ quan sinh dục mà còn dẫn đến hiện tượng vô sinh, thậm chí cả mẹ lẫn con có thể chết. Do đó, đẻ khó gây thiệt về kinh tế cho ngành chăn nuôi.

Theo Nguyễn Ngọc Phục (2005) [22] thông thường thai chết lưu ở các trại chăn nuôi nái sinh sản chiếm khoảng 4 - 10% tổng số lợn con chết trong giai đoạn từ sơ sinh đến cai sữa, trong đó khoảng 70% các trường hợp được coi là thai chết lưu đã từng sống sót khi mới sinh.

* Nguyên nhân

Khi chăm sóc, nuôi dưỡng không tốt, thức ăn không đầy đủ, chất dinh dưỡng thiếu so với nhu cầu của lợn mang thai dẫn đến cơ thể mẹ bị suy nhược, sức khỏe kém.

Trong quá trình đẻ, sức rặn của lợn yếu, thậm chí không rặn đẻ, cổ tử cung co bóp yếu nên không đẩy thai ra ngoài.

Lợn ăn quá nhiều tinh bột, protein dẫn đến béo cũng gây ra đẻ khó. Do cấu tạo tổ chức các phần mềm như: cổ tử cung, âm đạo giãn nở không bình thường có những chỗ giãn quá mạnh, chỗ lại không giãn nên việc đẩy con ra ngoài gặp khó khăn.

Khung xoang chậu bị biến dạng, khớp bán động háng phát triển không bình thường, vôi hóa cột sống hay xoang chậu hẹp. Trong quá trình đẻ độ giãn nở kém, thai bị mắc trước cửa xoang chậu không ra được. Khi quá trình rặn đẻ kéo dài, sức co bóp lớn ép lợn con làm lợn con bị chết.

Hiện tượng đẻ khó do nguyên nhân xương chậu quá hẹp, thai to và tư thế thai không bình thường.

* Triệu chứng

Lợn nái rặn đẻ nhiều lần, thời gian lâu mà không đẻ được, cơn co bóp rặn đẻ thưa dần, lợn nái mệt mỏi khó chịu, nước ối tiết nhiều và có lẫn máu (màu hồng nhạt). Có trường hợp lợn nái đẻ được một con rồi nhưng vẫn đẻ khó ở con tiếp theo. .khi thò tay vào sờ thấy thai nằm ngay xương chậu thai nằm ngược, quay lưng ra, xương chậu hẹp, thai to.

* Hậu quả

- Nếu không can thiệp kịp thời lợn con sẽ bị ngạt chết lợn mẹ kiệt sức không rặn đẻ được.

- Nếu mổ để lấy lợn con ra thì lợn mẹ sẽ rất khó cứu.

- Gây ra hiện tượng sót con, sót nhau dẫn đến viêm đường sinh dục. - Khi dùng biện pháp can thiệp không đúng cách, gây sây sát niêm mạc tử cung gây ra bệnh viêm tử cung, viêm vú, có thể vô sinh.

2.2.3.4. Bệnh viêm khớp * Nguyên nhân:

Theo Th.s. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (2008) [32], Streptococcus suis là vi khuẩn gram (+), Streptococcus suis gây viêm khớp ở lợn, cấp và mãn tính ở mọi lứa tuổi. Bệnh khớp thường gặp trên lợn con 1 - 6 tuần tuổi. Vi khuẩn

Streptococcus suis xâm nhập qua đường miệng, rốn, vết thương trên da, đầu gối bị trầy sát trên nền chuồng.

*Triệu chứng:

Thể cấp tính: Đặc trưng bởi sốt, lông da sởn lên, suy nhược và què. Khi bệnh tiến triển, lợn bệnh có thể sút cân, các khớp bị nhiễm sưng to. Một hoặc vài khớp có thể bị tổn thương, các khớp chân trước và sau, mắt cá chân thường sưng phồng lên.

Thể mãn tính: Lợn bệnh còi cọc và bị viêm khớp mãn tính suốt đời. Các khớp bệnh chứa nhiều dịch khớp đục với các cục sợi tơ huyết (fibrin). Các màng sưng phồng, mất màu và tấy đỏ. Các mô liên kết bọc xung quanh mô dày lên và có thể chứa các ổ mủ nhỏ (áp xe). Khi bệnh trở thành mãn tính có thể làm tổn thương sụn khớp.

* Điều trị:

Điều trị đúng liệu trình giúp heo hồi phục tốt hơn, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau liên tục 3 – 5 ngày: Kampico: 1ml/4kg thể trọng; Procain Penicillin: 1ml/10kg thể trọng; Colamp: 1ml/10kg thể trọng. Kết hợp Ketovet: 1ml/15kg thể trọng/ngày nhằm giảm đau, hạ sốt cho lợn. Nên bổ sung tiêm Vimekat: 1ml/5kg thể trọng, lặp lại sau 4 – 5 ngày giúp tăng cường trao đổi chất giúp heo mau hồi phục sau bệnh.

2.2.3.5. Bệnh tiêu chảy ở lợn con

* Nguyên nhân

Theo Phạm Chúc Trinh Bạch (2011) [1], do vệ sinh rốn khi cắt rốn không tốt cũng có thể làm cho lợn con bị viêm rốn, tạo điều kiện cho các vi

khuẩn cơ hội như: Escherichia coli, Salmonella, Clostridium,

Staphylococcus,... xâm nhập, dẫn đến tiêu chảy cho lợn con. Vệ sinh chuồng trại, đặc biệt là nước uống và thức ăn không tốt. Có thể thức ăn bị nấm, mốc, đặc biệt là những ngày nồm ẩm ướt làm cho lợn con bị tiêu chảy do ngộ độc nấm mốc.

* Triệu chứng

Phân lỏng màu vàng hay màu trắng đục dính ở hậu môn, hậu môn ướt đỏ, lợn sút cân nhanh chóng, mắt lờ đờ, dáng đi siêu vẹo, chán ăn.

* Điều trị

Bệnh tiêu chảy ở lợn con có thể điều trị bằng nhiều loại thuốc như: Chloramphenicol, tetracyclin, septotryl,…nếu heo bị nặng có thể dùng thêm chế phẩm bcomplex C pha với glucose 5%. Cho heo uống nước ép hạt

điều tỷ lệ ½ thìa hạt điều/ 1 con/ 1 lần. Nếu bệnh nặng uống 4 tiếng 1 lần; heo con điều trị nên được cách ly để không lây lan bệnh.

2.2.3.6. Bệnh viêm phổi ở lợn con * Nguyên nhân

Theo Lê Văn Năm (2009) [18], bệnh viêm phổi ở lợn con là một bệnh truyền nhiễm đa nguyên nhân hay còn gọi là bệnh suyễn hoặc viêm phổi địa phương. Mycoplasma là tác nhân chính kết hợp với hệ vi khuẩn gây bệnh cộng phát như: Pasteurella multocida, Bordetella, Chlamydia, Streptococcus,

Staphylococcus và một số siêu vi khuẩn khác. Mycoplasma thường cư trú tại amidal hoặc xâm nhập từ ngoài vào cơ thể dưới tác động trực tiếp của các yếu tố stress có hại và sức đề kháng của cơ thể yếu, chúng tăng cường độc lực chui vào phế quản và phế nang, ký sinh và sinh sản ở đó gây bệnh.

Lợn mẹ bị bệnh có thể truyền cho con trong thời gian mang thai.

* Triệu chứng

+ Ở lợn con bệnh có thể xảy ra ngay sau khi sinh.

+ Lợn gầy còm lông xù, thở thể bụng có khi ngồi thở, bụng hóp lại. Lợn bị bệnh không tranh bú với các con khác được nên ngày càng gầy yếu hơn, dễ mắc kế phát bệnh viêm khớp. Nếu không điều trị kịp thời tỷ lệ chết rất cao.

* Điều trị

Theo Lê Phạm Đại (2018) [7], bệnh viêm phổi địa phương ở lợn - suyễn lợn, gây ra bởi Mycoplasma hyopneumoniae, ước tính tại nước ta từ 60 - 80% đàn lợn trong trại bị nhiễm, tỷ lệ chết khoảng 10% là bệnh truyền nhiễm, tiêm vắc xin Mycoplasma hyopneumoniae để phòng bệnh.

Điều trị khi lợn mắc bệnh, trộn tylosin/tiamulin với liều 10 - 20 mg/kg thể trọng cho toàn đàn ăn liên tục 5-7 ngày hoặc tiêm marbofloxaxin/ draxxin/ tylosin/ tiamulin theo hướng dẫn của bác sỹ thú y. Nếu lợn bị nặng có thể kết hợp cả trộn thuốc vào thức ăn và tiêm.

Một phần của tài liệu Thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho lợn nái sinh sản và lợn con theo mẹ tại trại lợn tín nghĩa, huyện ứng hòa, thành phố hà nội (Trang 28 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)