Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước

Một phần của tài liệu Thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho lợn nái sinh sản và lợn con theo mẹ tại trại lợn tín nghĩa, huyện ứng hòa, thành phố hà nội (Trang 37 - 43)

2.2.4.1. Tình hình nghiên cứu trong nước

Theo Bùi Thị Tho và cs. (1995) [30], phần lớn những trường hợp lợn đẻ khó đều dẫn tới viêm tử cung.

Theo Trần Tiến Dũng (2004) [86], bệnh viêm đường sinh dục ở lợn chiếm tỷ lệ cao từ 30 - 50%, trong đó viêm cơ quan bên ngoài ít, chiếm tỷ lệ 20%, còn lại 80% là viêm tử cung.

Theo Nguyễn Quang Linh (2005) [10], bệnh viêm vú thường xảy ra sau khi đẻ 4 - 5 giờ cho đến 7 - 10 ngày, có trường hợp đến một tháng.

Nguyễn Xuân Bình (2005) [3] cho biết, ở những nái bị viêm tử cung thường biểu hiện sốt theo quy luật sáng chiều (sáng sốt nhẹ, chiều sốt nặng).

Phạm Sỹ Lăng và cs. (2002) [12] cho biết, trước khi đẻ lau, xoa vú và tắm cho nái. Cho con đẻ đầu tiên bú ngay sau 1h đẻ, cắt răng nanh lợn con. Chườm nước đá vào bầu vú để giảm sưng, giảm sốt. Tiêm kháng sinh: penicillin 1,5 - 2 triệu đơn vị với 10ml nước cất tiêm quanh vú. Nếu nhiều vú bị viêm thì pha loãng liều thuốc trên với 20 ml nước cất, tiêm xung quanh các vú viêm. Tiêm trong 3 ngày liên tục.

Nguyễn Văn Thanh (2007) [25] cho biết, lợn nái ở lứa đẻ 1 và lứa ≥ 8 có tỷ lệ mắc viêm tử cung sau đẻ cao hơn ở các lứa đẻ khác. Tác giả cho rằng ở lứa 1 do xoang chậu còn nhỏ nên lợn thường đẻ khó dẫn đến phải can thiệp và sây sát. Mặt khác, lứa đẻ ≥ 8 do trương lực của cơ tử cung đã giảm nên lợn gặp khó khăn trong việc đẩy thai và các sản dịch ra khỏi tử cung sau khi đẻ. Các nguyên nhân trên làm cho tỷ lệ viêm tử cung sau đẻ của lứa 1 và lứa ≥ 8 cao hơn các lứa đẻ khác.

Theo Trịnh Đình Thâu và cs. (2010) [29], lợn nái ngoại nuôi theo mô hình trang trại ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam có tỷ lệ mắc hội chứng MMA dao động từ 47,39 - 53,33%.

Theo Nguyễn Đức Lưu và cs, (2004) [11], lợn nái sau khi sinh có chứng viêm tử cung chiếm tỷ lệ 42,4%. Viêm tử cung trên nhóm lợn thuần chiếm 25,48%; trên nhóm lợn lai chiếm 50,48%. Viêm tử cung xảy ra cao nhất là lứa 1 và lứa 2. Tỷ lệ chậm động dục ở nhóm lợn bị viêm tử cung cao hơn nhiều so với nhóm lợn không bị viêm tử cung.

Theo Nguyễn Thị Hồng Minh (2014) [14], yếu tố thời tiết, mùa vụ ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ mắc hội chứng MMA, mùa hạ có tỷ lệ mắc cao nhất 53,37%, mùa đông 46,05%, mùa thu có tỷ lệ mắc thấp nhất 43,70%. Sự khác nhau về tỷ lệ mắc hội chứng MMA ở đàn lợn nái là do ảnh hưởng của sự biến đổi các chỉ tiêu về thời tiết khí hậu của các mùa khác nhau.

Nguyễn Hoài Nam và Nguyễn Văn Thanh (2016) [16] cho biết, tỷ lệ viêm tử cung sau đẻ của lợn nái là 76,38%, biến động từ 62,10 - 86,96%. Hầu hết lợn nái phải can thiệp bằng tay khi đẻ đều bị viêm tử cung (96,47%). Trong khi đó lợn không cần sự can thiệp bằng tay khi đẻ có tỷ lệ viêm tử cung là 69,06%. Tỷ lệ viêm tử cung của lợn nái có thai chết lưu và lợn nái không có thai chết lưu lần lượt là 81,63% và 73,91%. Ở lợn nái lứa đẻ từ 1- 6, tỷ lệ viêm tử cung biến động từ 70,07 - 93,33%.

Theo Nguyễn Hoài Nam và Nguyễn Văn Thanh (2017) [19], đã theo dõi 2.192 lợn nái lai F1(L x Y) trên địa bàn 3 tỉnh đồng bằng sông Hồng gồm Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Hà Nam. Kết quả cho thấy rằng, tỷ lệ lợn nái bị viêm tử cung sau đẻ trung bình là 28,92%, tỷ lệ này có sự chênh lệch giữa các tỉnh. Nhóm có tỷ lệ mắc viêm tử cung cao nhất là nhóm lợn nái lứa đẻ > 5 (39,68%); nhóm có tỷ lệ mắc viêm tử cung thấp nhất là nhóm lứa 2 - 5 (23,30%) và nhóm lứa 1 có tỷ lệ mắc viêm tử cung là 37,13%.

Theo Nguyễn Như Pho (2002) [21], lợn Yorkshire, Landrace trong giai đoạn nuôi con mắc bệnh viêm tử cung chiếm tỷ lệ 15%, nếu điều trị kịp thời tỷ lệ khỏi đạt 100%, tuy vậy đã ảnh hưởng đến sức khỏe của lợn nái, phần lớn là do những trường hợp đẻ khó dẫn tới viêm tử cung.

Theo Nguyễn Văn Thanh (2002) [24], lợn nái sau khi sinh bị viêm tử cung chiếm tỷ lệ 42,40%. Viêm tử cung trên nhóm thuần chiếm 25,48%, trên nhóm lai chiếm 50,84%. Viêm tử cung xảy ra cao nhất ở lứa 1 và lứa 2. Tỷ lệ chậm động dục ở nhóm lợn bị viêm tử cung cao hơn nhiều so với nhóm lợn không bị viêm tử cung.

Theo Chu Thị Thơm và cs. (2005) [31], chữa bệnh viêm vú, sưng vú, tắc tia sữa bằng: Bồ công anh 50g rửa sạch, giã nát cho thêm ít muối, ít nước, chắt lấy nước cho uống, phần bã đắp phần vú bị sưng.

Nguyễn Văn Thanh và cs. (2016) [26] đã đưa ra 4 phương pháp điều trị viêm tử cung ở lợn nái:

+ Phương pháp 1: Thụt rửa tử cung bằng dung dịch rivanol 0,1% hay thuốc tím 0,1% ngày 1 lần, sau khi thụt rửa đợi hoặc kích thích cho dung dịch thụt rửa đẩy ra ngoài hết, sau đó thụt kháng sinh vào tử cung ngày 1 lần liệu trình điều trị từ 3 - 5 ngày

+ Phương pháp 2: Dùng PGF2α hay các chế phẩm của nó như etrumat, oestrophan, prosolvin, hanprost, lutalyse,… tiêm dưới da theo liều chỉ dẫn, tiêm 1 lần, sau đó thụt vào tử cung 200 – 500ml dung dịch lugol ngày 1 lần, liệu trình điều trị từ 3 - 5 ngày.

+ Phương pháp 3: Oxytocin 6 - 8ml tiêm dưới da, lugol 200 - 500ml kết hợp với kháng sinh bơm vào tử cung đồng thời dùng kháng sinh thích hợp tiêm bắp hay tĩnh mạch tai ngày 1 lần, liệu trình điều trị từ 3 – 5 ngày.

+ Phương pháp 4: Dùng PGF2α hay các chế phẩm của nó tiêm dưới da theo liều chỉ dẫn, tiêm 1 lần, lugol 200 - 500ml kết hợp với kháng sinh thụt vào tử cung đồng thời dùng kháng sinh thích hợp tiêm bắp hay tĩnh mạch tai ngày 1 lần, liệu trình điều trị từ 3 - 5 ngày.

Theo Nguyễn Hoài Nam và Nguyễn Văn Thanh (2017) [19], yếu tố ảnh hưởng đến thời gian chảy sản dịch ở lợn nái,số liệu được thu thập từ 530 lợn nái nuôi tại 5 trang trại ở Hải Dương, Bắc Ninh và Thái Nguyên. Kết quả cho

thấy tỉ lệ nái có vết thương trước khi đẻ, can thiệp đỡ đẻ bằng tay và thai chết lưu lần lượt là 13,47%, 35,20% và 39,35%. Thời gian từ khi đẻ đến khi hết nhau là 6,70 ± 2,95 h trong khi thời gian chảy sản dịch của nái là 4,31 ± 1,08 ngày. Sau khi đẻ, nhiệt độ trung bình của nái là 39,40 ± 0,45oC. Các yếu tố can thiệp đỡ đẻ bằng tay, thai chết lưu, thời gian bắt đầu đẻ đến khi ra hết nhau ≥ 5h, lứa đẻ > 5 và nhiệt độ sau đẻ > 39oC làm tăng thời gian chảy sản dịch ở lợn nái.

Trần Văn Phùng và cs. (2004) [23] cho biết, nhất thiết lợn con sơ sinh phải được bú sữa đầu để giúp cho lợn con có sức đề kháng chống bệnh. Trong sữa đầu có γ-globulin cao hơn sữa thường. Đây là chất chủ yếu giúp cho lợn con có sức đề kháng. Vì thế cần chú ý cho lợn con sơ sinh bú sữa trong tuần đầu đảm bảo được toàn bộ số lợn con trong ổ được bú sữa đầu của lợn mẹ.

Theo Nguyễn Huy Hoàng (1996) [8], điều trị viêm vú ở lợn nái sinh sản nên kết hợp với các biện pháp:

+ Điều trị toàn thân: Tiêm bắp streptomycin 1 ml/15kgTT/ngày. Dùng liên tục từ 3 - 5 ngày.

+ Trị tại viêm vú: Tiêm vào giữa hai gốc vú 100.000 UI penicillin cho mỗi bên vú bằng kim tiêm nhỏ cho kết quả điều trị nhanh.

Theo Phạm Ngọc Thạch và Phạm Thị Lan Hương (2020) [33], biện pháp phòng và điều trị nếu lợn bị viêm tử cung, vệ sinh chuồng trại và vệ sinh giao phối thật tốt, bổ sung ADE - khoáng Premix, can thiệp đẻ khó sau 2h đẻ xong tiêm Amox-LA; hoặc Gentamox-LA; hoặc Cep 5.0; hoặc Bio-Cep, hoặc Ampi-Kana, hoặc Lincomycin liều lượng theo hướng dẫn để phòng lợn bị viêm do quá trình can thiệp khó đẻ lợn sẽ bị tổn thương tử cung rất dễ dẫn đến bị viêm. Điều trị khi lợn bị bệnh:

+ Sau khi thụt rửa, tiêm 0xytocin liều 10 - 15 UI (2 ống 5 ml/lần), hoặc Han-Prost, tiêm cho heo ngày 2 lần để tử cung co bóp, tống dịch sản ra ngoài.

+ Tiêm Amox-LA, hoặc gentamox-LA 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 24 - 48 giờ.

+ Thuốc kháng viêm như: Ketovet 1ml/16kg thể trọng; tolfen 1ml/20kg thể trọng.

2.2.4.2. Tình hình nghiên cứu ngoài nước

Kemper và cs. (2013) [38] đã theo dõi tại 6 đàn nái hạt nhân ở Đức (2008 - 2010), 99,1% các mẫu sữa phân lập được vi khuẩn chủ yếu thuộc họ

Enterobacteriaceae, Staphylococcaceae, Streptococcaceae

Enterococcaceae. Trong đó, E. coli chiếm nhiều hơn cả và những loài này cũng được tìm thấy trong sữa lợn khỏe, còn Staphylococcus spp, Lactococcus lactis được tìm thấy trong sữa lợn mắc hội chứng MMA.

Theo Maes và cs. (2010) [40], thuật ngữ Metritis, Mastitis, Agalactia (MMA) được dùng rất thường xuyên trong các bài báo khoa học trước đây, ngày nay được xem như một loại PDS (hội chứng rối loạn tiết sữa sau đẻ lợn nái), MMA có tỷ lệ lưu hành 6,9% trong tổng số 16.450 lợn nái đẻ trong hơn 1 năm tại 31 đàn ở Illinois; trong 27.656 lợn nái đẻ của một nghiên cứu được tiến hành tại bang Missouri có tới 13% nái bị mắc hội chứng MMA; tỷ lệ mắc hội chứng MMA theo đàn ở Thụy Điển biến động từ 5,5% ở đàn quy mô nhỏ và tới 10,3% ở đàn quy mô lớn. Ông cũng cho biết, một nghiên cứu mới đây ở 110 đàn lợn tại Bỉ cho thấy 34% số đàn có liên quan đến hội chứng MMA.

Theo Kemper và Gerjets (2009) [36], để chẩn đoán sớm hội chứng MMA, người ta thường dựa vào một số triệu chứng lâm sàng: (1) thân nhiệt lợn nái sau đẻ 12 - 48 giờ (nếu > 39,40C thì điều trị dự phòng), sự thay đổi hình dạng tuyến vú, giảm tiết sữa (hoặc mất sữa hoàn toàn), giảm tính thèm ăn (ăn ít hoặc bỏ ăn hoàn toàn), lượng tế bào soma trong sữa >107/ml, pH sữa > 6,7; tăng hàm lượng các interleukin trong máu (tăng lượng IL-1P, IL-6, IL- 8 và TNFa. (2) Các yếu tố ảnh hưởng đến hội chứng MMA: thời gian mang

thai dài (> 116 ngày), thời gian đẻ dài (> 3 giờ), can thiệp bằng dụng cụ sản khoa khi đẻ, nhiều con (> 11con/ổ) nhiễm trùng đường sinh dục, táo bón, sự tăng đàn, chuyển đàn, trong đàn có nhiều nái mới, ảnh hưởng của mùa vụ, thiếu protein thô trong khẩu phần ăn, thay đổi thức ăn đột ngột, lợn nái thiếu vận động...

Preibler và Kemper (2011) [39] khi nghiên cứu về lợn nái mắc MMA, có 16,6% bị sốt < 39,50C, 28,8% sốt > 40oC, lợn kém ăn, sản lượng sữa giảm hoặc rối loạn tiết sữa.

Theo Heber và cs. (2010) [34], lợn được coi là mắc hội chứng MMA khi có một hoặc bao gồm các biểu hiện sau: viêm tử cung, dịch tiết âm đạo có pH > 8, lười vận động, thân nhiệt > 39,4oC, viêm vú .

Theo Arut Kidcha-orrapin (2006) [41], tại Thái lan hội chứng MMA là một vấn đề lớn ở các trang trại chăn nuôi lợn, đặc biệt vào mùa hè (giữa tháng 3 và tháng 5), ảnh hưởng lớn đến năng suất sinh sản của lợn nái. Biện pháp tốt nhất để phòng bệnh là quản lý tốt đàn nái, đặc biệt là trước khi đẻ.

Cụ thể như sau:

- Thức ăn cho lợn nái chờ đẻ không vượt quá 18% protein; chất xơ > 4,5%; cung cấp nước uống đầy đủ.

- Tránh gây stress cho nái sau đẻ: không chuyển nái sang chuồng đẻ trong thời tiết nóng, những ngày nắng nóng tốt nhất di chuyển trước 07 giờ sáng; thời gian nuôi thích nghi tại chuồng đẻ thích hợp nhất là 05 ngày; giữ cho lợn nái yên tĩnh.

- Vệ sinh chuồng đẻ bằng các thuốc sát trùng, để trống chuồng ít nhất 01 tuần, sau khi vệ sinh mới chuyển lợn vào.

- Dùng thuốc điều trị ký sinh trùng; điều trị E.coli: tiêm enrofloxacin; thuốc điều trị Streptoccocus spp: tiêm amoxyclin 01 ngày trước đẻ.

- Bổ sung các vitamin A, D, E, K và khoáng chất để tăng khả năng miễn dịch cho lợn.

Phần 3

ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN 3.1. Đối tượng nghiên cứu

Lợn nái sinh sản và lợn con theo mẹ.

Một phần của tài liệu Thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho lợn nái sinh sản và lợn con theo mẹ tại trại lợn tín nghĩa, huyện ứng hòa, thành phố hà nội (Trang 37 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)