3.1.6.1. Giao thông
Về giao thông đường bộ: hiện có 3 tuyến quốc lộ chạy qua thành phố (QL 3, QL1B và QL37). Tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho thành phố trở thành đầu mối vận chuyển hàng hoá, vật tư rất quan trọng đối với các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc bộ. Hệ thống đường nội thị được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt.
Về giao thông đường sắt: hiện có 4 sân ga, diện tích 13,3 ha, gồm: Ga Thái Nguyên, ga Quan Triều, ga Lương Sơn, ga Lưu Xá và mạng lưới đường sắt nội bộ khu Gang Thép. Ga Thái Nguyên là một trong những ga vận chuyển hàng hoá và hành khách quan trọng của tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên. Hệ thống đường sắt của Thái Nguyên gồm 3 tuyến chính với tổng chiều dài trên địa bàn Tỉnh là 98,55 km (bao gồm tuyến Quan Triều – Hà Nội dài 75km, tuyến Thái Nguyên - Kép dài 57 km phục vụ vận chuyển gang thép, tuyến Quan Triều – Núi Hồng qua Đại Từ dài 39km phục vụ vận tải than). Khá thuận tiện cho việc tổ chức liên kết vận tải đường bộ, đường sắt và đường sông (24).
3.1.6.2. Thủy lợi
Toàn thành phố có 111 công trình thủy lợi. Các công trình thủy lợi do tỉnh quản lý gồm: 2 hồ chứa lớn, 2 hồ chứa nhỏ, 2 trạm bơm. Các công trình do thành phố quản lý 31 hồ chứa nước, 3 đập dâng và 71 trạm bơm (24).
3.1.6.3. Năng lượng
Thành phố Thái Nguyên có hệ thống lưới điện 220, 110KV khá phát triển. Nguồn cung cấp điện cho thành phố hiện nay do điện lực Thái Nguyên quản lý là nguồn điện lưới quốc gia, lấy từ các tuyến Thái Nguyên - Bắc Giang; Thái Nguyên -Tuyên Quang, với hệ thống đường dây cao thế 110KV, 220KV thông qua đường hạ thế 35KV- 12KV- 6KV/380V/220V.
Hệ thống chiếu sáng của thành phố Thái Nguyên tương đối hoàn chỉnh, nguồn điện được cung cấp cho khoảng 152 trạm với tổng công suất 1.078W, chiếu sáng khoảng 153 tuyến đường với chiều dài trên 200 km (24).
3.1.6.4. Bưu chính viễn thông
Cùng với sự phát triển chung của thành phố về mọi mặt kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, mạng lưới bưu chính viễn thông ngày càng được mở rộng, đưa thêm nhiều dịch vụ mới vào khai thác, chất lượng phục vụ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Các dịch vụ mới như chuyển phát bưu phẩm nhanh, chuyển tiền nhanh, fax, internet... đã tăng nhịp độ phát triển. Dịch vụ tiết kiệm bưu điện cùng các dịch vụ đại lý phân phối, bưu chính uỷ thác...tạo ra hướng phát triển mới cho ngành thông tin liên lạc trên địa bàn thành phố (24).
3.1.6.5. Văn hóa, thể thao
Lĩnh vực văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều phong trào, hoạt động xây dựng mô hình văn hóa ở cơ sở tiếp tục được triển khai đạt kết quả tốt; những giá trị, nét đẹp văn hoá truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa, phát huy. Nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, nhất là trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội có chuyển biến tiến bộ.
Thành phố đã đầu tư xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm như: Quảng trường Võ Nguyên Giáp, Khu di tích lịch sử Quốc gia TNXP Đại đội 915; Trung tâm Văn hóa và Truyền thông thành phố; cải tạo, nâng cấp Nhà Thiếu nhi Thái Nguyên; xây dựng 13 trung tâm văn hóa - thể thao xã, phường; xây mới 53 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố. Đến nay, 100% các xóm, tổ dân phố có địa điểm sinh hoạt cộng đồng.
Công tác quản lý, bảo vệ tu bổ và khai thác phát huy giá trị văn hóa các di tích lịch sử trên địa bàn được tăng cường (triển khai dự án đầu tư cải tạo Nghĩa trang liệt sỹ Dốc Lim, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tỉnh Thái Nguyên, Đền thờ Đội Cấn). Hoạt động văn học, nghệ thuật, giao lưu văn hóa được đẩy mạnh, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hoạt động báo chí, xuất bản, truyền thông tiếp tục phát triển và đạt kết quả tích cực, góp phần phát huy dân chủ, định hướng dư luận xã hội. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh. Việc giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ ngày càng được quan tâm. Công tác xã hội hóa lĩnh vực thể dục thể thao được thực hiện có hiệu quả (24).
3.1.6.6. Y tế
Công tác quản lý nhà nước về y tế - dân số được tăng cường. Thành phố đã triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu về y tế. Hệ thống y tế cơ sở và mạng lưới y tế dự phòng được củng cố, tăng cường cả về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Chất lượng khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến được nâng cao.
Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và phát triển hệ thống y tế dự phòng; chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; không để xảy ra dịch bệnh và các vụ ngộ độc lớn trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Thái Nguyên, Thành phố đã chủ động triển khai kịp thời, đồng bộ và có nhiều giải pháp cụ thể làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Củng cố, mở rộng Trung tâm y tế thành phố và các trạm y tế cơ sở, góp phần khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng tiêu chuẩn quản lý và kiểm tra chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Tiếp tục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế trình độ cao, tăng cường nhân lực y tế cơ sở. Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển y tế ngoài công lập. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân (hiện nay, trên địa bàn có 14 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, trong đó có 04 bệnh viện tư nhân; có 265 phòng khám y tế tư nhân; toàn thành phố có trên 2.565 giường bệnh) (24).
3.1.6.7. Giáo dục - Đào tạo
Công tác giáo dục đào tạo tiếp tục có những chuyển biến tiến bộ; cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các nhà trường từ mầm non đến THCS được quan tâm đầu tư; tạo điều kiện cho các trường dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục mầm non, nhóm trẻ gia đình phát triển, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ. Thành phố luôn coi trọng công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Công tác phổ cập giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được chỉ đạo đạt kết quả thiết thực. Thành phố luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và THPT trên địa bàn phát triển.
Hệ thống giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển hoàn thiện theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá; chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước nâng cao. Quy mô trường, lớp liên tục được mở rộng; hiện nay thành phố quản lý 145 trường. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay có 110 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 89,4%.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các nhà trường được quan tâm đầu tư, bảo đảm nhu cầu dạy và học. Trong giai đoạn 2015-2020 đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo sửa chữa 79 trường với trên 674 phòng học và các phòng chức năng, tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách trên 472 tỷ đồng; huy động xã hội hóa xây dựng trường học ngoài công lập trên 492 tỷ đồng; chi mua sắm tài sản, trang thiết bị trên 23,7 tỷ đồng (24).