Cần áp dụng cả các phương pháp định lượng, đặc biệt là phương pháp toán kinh tế và thống kê.
+ Phương pháp thống kê: Phương pháp này được sử dụng để thu nhập, tổng hợp, xử lý và phân tích các số liệu thống kê trong hoạt động đầu tư, dự báo các chỉ tiêu vốn và nguồn vốn, tình hình giá cả thị trường, các chỉ tiêu kết quả và hiệu quả đầu tư.
+ Mô hình toán kinh tế: Phản ánh mặt lượng các thuộc tính cơ bản của đối tượng được nghiên cứu và là sự trừu tượng hóa khoa học các quá trình và hiện tượng kinh tế diễn ra trong hoạt động đầu tư. Ví dụ, các mô hình tái sản xuất, hàm sản xuất, lý thuyết sơ đồ mạng… là những mô hình toán ứng dụng nhiều trong quản lý hoạt động đầu tư.
+ Vận trù học: Gồm nhiều lĩnh vực như thuyết quy hoạch tuyến tính, quy hoạch phi tuyến tính, quy hoạch hoạt động, quy hoạch mục tiêu, lý thuyết trò chơi, lý thuyết xác suất, lý thuyết đồ thị và sơ đồ mạng… được áp dụng để xác định phương án kiến trúc, kết cấu xây dựng và tổ chức xây dựng công trình.
+ Điều khiển học: Là môn khoa học về điều khiển các hệ thống kỹ thuật và kinh tế phức tạp trong đó quá trình vận động của thông tin đóng vai trò chủ yếu
+ Ưu điểm: Lượng hóa được các vấn đề mang tính trừu tượng. Xây dựng được mối quan hệ giữa các khâu, các công đoạn của quá trình đầu tư, từ đó có thể xác định được vai trò của các khâu để thực hiện một cách có hiệu quả. Vận dụng khoa học, công nghệ thông tin hiện đại để nâng cao kết quả và hiệu quả của hoạt động đầu tư.
+ Nhược điểm: Đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý phù hợp. Trong điều kiện nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các phương pháp này có điều kiện áp dụng thuận lợi ở cả tầm quản lý vĩ mô và vi mô. Tuy nhiên trong điều kiện nền kinh tế thị trường nước ta hiện nay, phương pháp toán kinh tế có thể được áp dụng thuận lợi hơn trong quản lý đầu tư ở các doanh nghiệp nhưng lại khó áp dụng hơn trong quản lý hoạt động đầu tư trên phương diện vĩ mô.