Ở hai tập thơ trước, “cái tôi” cá nhân của Nguyễn Khoa Điềm hoà vào “cái ta” chung của toàn dân tộc thì tới tập thơ này ông quay trở về với chính mình-một cái tôi trầm tĩnh hay suy tư trước cuộc đời-có phần nào giống cái tên của ông: luôn luôn điềm đạm, không vội vàng, không hấp tấp.
Đã qua đi những năm tháng tuổi trẻ, trải qua nhiều đoạn đời, ở Nguyễn Khoa Điềm đã có sự già dặn, từng trải. Thơ ông bây giờ it nói đến những điều cao xa mà đi xâu vào thế giới nội tâm của mọi người và của chính mình với bao lo âu, trăn trở, nghĩ suy rất đời thường.
Nêu như Ý Nhi với sự nhạy cảm đầy nữ tính đã phát hiện ra những cung bậc tình cảm khác nhau: “đau thương hay hạnh phúc”, “đầy niềm tin hay ngờ vực”, “hân hoan hay lo âu”, “chán chường hay hy vọng” ẩn dấu trong từng mũi đan của người đàn bà thì Nguyễn Khoa Điềm lại ngắm “những người đi bộ chậm rãi”, “những người rảo bước” trên đường phố mà phỏng đoán, nghĩ ngợi về bao nỗi niềm tâm sự của họ, về tính cách, số phận con người ẩn đằng sau dáng đi: “họ đầy dự trữ hoặc họ cháy tuối”, họ “khát khao điều chưa có” hay “thách thức phút đang qua”. Nguyễn Khoa Điềm lắng nghe tiếng nói con người ẩn đằng sau mỗi một dáng đi.
Nhìn vao cuộc đời của mỗi người đồng thời nhà thơ cũng thích nhìn lại mình:
“Tôi thích ngắm tôi
Bất động trên đường như một cái cây” (Cảm nhận cuối ngày)
Sau dáng đứng lặng lẽ, bất động ấy có bao xôn xao, lay động, bao lo toan, dự định cho cuộc sống.
Thơ ca những năm chống Mỹ, chỉ hướng vào cái ta chung của dân tộc thì nền thơ sau 1975 phẩm chất “không tự ngắm mình” được thay thế bằng cái tôi “thích ngắm mình” với bao tình cảm, nghĩ suy. Thơ bây giờ không chỉ là “đối thoai với đời” mà còn “đối thoại với chính mình”. Nằm trong quĩ đạo của thơ ca sau chiến tranh, Nguyễn Khoa Điềm đã hướng thơ mình vào thế giới nội tâm của con người, của chính mình để khám phá để thể hiện.
Nỗi bật lên trong “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” là cái tôi nhà thơ luôn băn khoăn, trăn trở trước cuộc sống khốn khó hiện tại. Anh lính trẻ say sưa chiến đấu ngày nào, chỉ biết đến lí tưởng, đến cống hiến cho Tổ quốc thì hôm nay phải đối mặt với những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt đối với ngày hôm qua. Đó là khi đứa con trai ra đời, bên hạnh phúc của một người làm cha, Nguyên Khoa Điềm nghĩ đến bao khó khăn trước mặt:
“Con chào đời
Không có 12 bà mụ áo quần xanh đỏ ngồi bên
Mà 24 khuôn dấu vuông tròn chứng nhận con trên đủ loại giấy tờ, tem chiếu” (Ngôi nhà có ngon lửa ấm)
Chỉ với hai con số cụ thể mà đối lập nhau “12-24”, Nguyễn Khoa Điềm đã nói lên được sự thiếu thốn gian khổ của xã hội quan liêu bao cấp lúc bấy giờ. Đối mặt với một thực tại như vậy, nhà thơ không khỏi băn khoăn day dứt: vừa tự hào về quá khứ vàng son của thế hệ mình:
“Cha đã sống như một con người, với mọi người, cha sống Với gánh nặng trên vai và lẻ phải trên đầu
Để cầm súng, cầm cày, cầm bút …Để có tự do và cơm áo mỗi ngày
Và nên cộng hoà xã hội chủ nghĩa trong tay” (Ngôi nhà có ngon lửa ấm)
vừa hổ thẹn với con vì thế hệ mình còn “lắm điều xấu hổ” thơ ông đã dám nói lên sự thật cho dù sự thật có đau lòng-điều mà trước đây ta chưa thấy trong thơ chiến đấu.
Giữa cuộc sống hàng ngày con người bị bủa vây trong bao lo toan, nề nếp, khuôn khổ, khốn khó:
“Những đá làm đau Những gió làm buồn Nỗi sợ hãi làm héo hon Chiếc bàn nhẫn nhục” (Vào hạ)
Người đọc lại thấy một cái tôi luôn khát khao thoát khỏi những ràng buộc khắt khe để được sống tự do thoải mái, hoà mình vào thiên nhiên khi “mùa hạ sáng trong về”:
“Bao nhiêu con đường tháng ngày anh vội vã Anh ngửa mặt lên trời
Em thăm thẳm cao vời
Những gì mất mát có thể lấy lại được Những gì mong mỏi có thể bắt gặp” (Phượng-Chào em)
Nhìn màu hoa phượng, màu hoa tươi hồng trong trang thơ đánh Mỹ vẫn “vẹn nguyên màu đỏ” giữa cuộc đời thường nhật, Nguyễn Khoa Điềm nghĩ đến bao điều tốt đệp và ông muốn nắm bắt hạnh phúc như màu phượng đỏ ấy. Điều này chứng tỏ trước bao bộn bề của cuộc sống nhà thơ vẫn giữ được dáng tự tin, trầm tư của một con người giàu nghị lực, trưởng thành qua bao thử thách chiến đấu, lại vững vàng bước trên chặng đường mới.
Trở về với chính mình, Nguyễn Khoa Điềm không ngần ngại bộc bạch những tình cảm sâu kín trong tâm hồn mình.
Tình yêu trong những ngày chiến đấu nhuộm màu lí tưởng thì bây giờ tình yêu trong thơ Nguyễn Khoa Điềm gắn liền với tâm trạng chông chênh, dằn vặt, lo âu khi vắng xa người mình yêu:
“Mong em đừng lựa chọn nào khác Ngoài nỗi cháy lòng trong câu thơ anh” (Những bài thơ tình viết trong chiến tranh)
Trong chiến tranh, đối diện với thực tế cách mạng hào hùng, vĩ đại chỉ cho phép nhà thơ hướng tới trách nhiệm với giang sơn, đất nước thì bây giờ khi đối diện với mình, Nguyễn Khoa Điềm không ngần ngại nghĩ về trách nhiệm với tình yêu của mình: “Khi yêu em rồi. Cuộc đời mình như một lời hẹn lớn lao”. Nhà thơ hẹn với người yêu, hẹn với chính mình và ở điểm hẹn đó họ sẽ sống tốt hơn và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Yêu thương càng mãnh liệt nhà thơ lại càng lo lắng khi “trang thơ” tình yêu chuyển sang “trang văn xuôi”của cuộc sống vợ chồng, khi chữ “tình” đã nặng sang phần chữ “nghĩa”, chữ “yêu” bị nhoà trong chữ “thương”, đó chính là ngày em không yêu anh nữa:
“Em sẽ có cái cười
Bằng ánh sáng của cái hôn khác Có nỗi buồn
Bằng màu mưa khác
Những buồn vui anh không có được bao giờ” (Có một ngày)
Mỗi lời thơ như chính tâm trạng nhà thơ: chuếnh choáng trong cơn bão tình cảm. Lo âu, băn khoăn trước hiện thực nhưng Nguyễn Khoa Điềm không đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Ông nhìn lại mình, đối diện với mình với cuộc sống để sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn, biết tôn trọng và giữ gìn hạnh phúc đang có.Nhận thức được điều ấy, Nguyễn Khoa Điềm cố gắng hết mình vì ngày hôm qua, hôm nay và cả ngày mai bằng “những trang đời, trang viết. Nặng nghĩa đời sau, xưa”.
So với hai tập thơ trước thì ngòi bút của Nguyễn Khoa Điềm trong “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”có nhiều biến chuyển rõ rệt:
Nếu cái tôi nhà thơ trong “Đất ngoại ô”và “Mặt đường khát vọng”say sưa, thầm lặng góp từng tiếng nói của mình vào cùng đồng đội, nhân dân, ngợi ca lí tưởng,phát hiện ra bao điều kỳ diệu của cuộc chiến đấu thì trở về với “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” ông lặng im, điềm tĩnh để chiêm nghiệm, nghĩ ngợi về những vấn đề
ở bề sâu, bề xa, bề sau của tâm hồn mình và đời sống nội tâm đầy bí ẩn, phức tạp của con người. Thơ ông ở hai tập thơ trước có nói đến yêu thương, đến con người song vẫn mang âm hưởng là chiến đấu, chiến thắng mà thiếu đi những dằn vặt, lo âu trước cuộc sống và con người.Với “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” Nguyễn Khoa Điềm đã bổ sung vào khoảng trống ấy.
Trước đây, thơ ông lấy chất liệu từ hiện thực cách mạng sôi động, hào hùng làm nền cho cảm nên thơ “động”, còn bây giờ ông lấy cuộc sống thường nhật làm nền cho cảm xúc nên thơ “tĩnh” hơn. Tính chất “tĩnh”phù hợp cho nhu cầu tự bộc lộ mình của nhà thơ – đó là một cái tôi đong đầy những suy nghĩ, băn khoăn, trăn trở trước hiện thực cuộc sống. Do vậy cả tập thơ được bao trùm bởi ý niệm nhân sinh cao cả.
Chất liệu thơ thay đổi đã dẫn đến sự đa dạng, phong phú trong giọng điệu thơ của Nguyễn Khoa Điềm, để phù hợp với khả năng diễn đạt:
Ông viết về những công trình đang thi công với một giọng thơ hiện đại. Ông dẫn dắt người đọctheo những suy nghĩ của mình bằng những câu chữ “say men nồng công nghiệp”:
“Nén chặt đội hình trong đường ống áp lực Suối quay tít ống tua bin
Xẹt lửa”
(Thuỷ điện Khe Sanh)
Để tăng tính hấp dẫn cho thơ, ông đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giọng thơ hiện đại với chất giọng dân gian qua lời ru ngọt ngào của mẹ:
“Trên con dường ấy buồn vui Mẹ thương cả lạch nguồn đời cha Bao sâu xa bấy mặn mà
Đó là non nước đó là trùng khơi Muốn đi đường ấy con ơi
Phải thương cho trọn cuộc đời mình thương” (Biển trước mặt)
Đa dạng trong cách nhìn, Nguyễn Khoa Điềm còn vận dụng linh hoạt các thể thơ phù hợp với nội dung: Bên cạnh thể thơ lục bát mang đậm chất dân gian ông còn sử dụng thể thơ sáu chữ (Miền quê), và thể thơ năm chữ (Bạn ơi, bạn có nhớ?) …Sở dĩ ông sử dụng nhiều thể thơ như vậy là tăng tính hấp dẫn cho thơ, tránh rơi vào khô khan cứng nhắc. Chúng ta dễ nhận thấy Nguyễn Khoa Điềm thường xuyên sử dụng thể thơ tự do (31bài trong “Đất ngoại ô” đã có tới 24 bài là thơ tự do-phụ lục) bởi thể thơ này cho ông viết được nhiều điều mình nghĩ, nó phù hợp với cái tôi
trữ tình giàu suy tư của nhà thơ. Nếu ở “Đất ngoại ô” và “Mặt đường khát vọng”Nguyễn Khoa Điềm viết theo suy nghĩ của mình thì ở “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” ông viết ngắn hơn và ý thơ cô đúc hơn (“Em cây chò của anh”, “Có một ngày”…)
Nguyễn Khoa Điềm gửi gửi tâm tình đến bạn đọc bằng nhiều con đường, nhiều cách nói khác nhau. Ông luôn tìm cho mình cách biểu hiện mới, độc đáo và tính đa giọng điệu trong thơ ông cũng giàu lên từ đó.
Từ “Đất ngoại ô”, “Mặt đường khát vọng” trở về với “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”, chất trí tuệ trong thơ ông được gia tăng đến mức đậm đặc nhưng không vì thế mà thơ ông mất đi cảm xúc.
Chưa có thể “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” là tập thơ đặc sắc, đánh dấu sự vượt lên so với hai tập thơ trước - “Đất ngoại ô”và “Mặt đường khát vọng” nhưng Nguyễn Khoa Điềm đã cố gắng để tìm cho thơ của mình một tiếng nói khác đi sau chiến tranh. Với sự cố gắng ấy ông đã góp vào nền thơ sau chiến tranh một tiếng nói trữ tình giàu suy tư trước cuộc đời. Đó là sự đóng góp của một con người luôn có trách nhiệm với từng trang thơ trang đời của mình.
Chương 3 :