VII – PHA CÀI ĐẶT VÀ TÍCH HỢP
5. Tài liệu báo cáo trong pha cài đặt và tích hợp
Tài liệu trong pha cài đặt chính là các mã nguồn của mỗi module cùng với các lời giải thích. Các lập trình viên phải bổ sung bên cạnh mã nguồn những tài liệu khác để hỗ trợ cho việc bảo trì sau này, ví dụ các số liệu và kết quả mẫu dùng để thử chương trình.
VIII – PHA BẢO TRÌ
Sau khi sản phẩm trải qua kiểm thử chấp nhận và thành công, phần mềm sẽ được chuyển giao cho khách hàng. Thực ra, khi thực hiện kiểm thử chấp nhận thì phần mềm cũng được cài đặt trên máy tính của khách hàng, nhưng chỉ với mục đích kiểm thử. Trong quá trình này, nếu phát hiện lỗi thì nhóm phát triển lại hiệu chỉnh phần mềm, còn sự chuyển giao sau khi hoàn tất giai đoạn kiểm thử là sự chuyển giao chính thức theo hợp đồng. Sau đó, phần mềm sẽ được khách hàng sử dụng vào công việc mà họ đặt ra ban đầu khi đặt hàng xây dựng phần mềm. Nhiều người nghĩ rằng vai trò của nhóm phát triển đến đây kết thúc, vì phần mềm đã hoàn tất. Tuy nhiên, mọi phần mềm có ích hầu như chắc chắn chuyển qua một giai đoạn hiệu chỉnh mà người ta gọi là pha bảo trì. Công việc bảo trì được phân làm hai loại: bảo trì sửa lỗi (software repair), tức là sửa các lỗi phát sinh mà trong giai đoạn kiểm thử chưa phát hiện ra. Cho dù việc kiểm thử có tiến hành cẩn thận và chi tiết đến đâu, thì vẫn không thể khẳng định là phần mềm đã làm việc hoàn hảo. Vì con người dù rất thông minh cũng không thể hình dung trước được mọi tình huống. Loại bảo trì thứ hai là bảo trì cập nhật (software update). Bảo trì cập nhật lại bao gồm bảo trì hoàn thiện (perfective maintenance) và bảo trì thích nghi (adaptive maintenance).
Bởi vì ngoài các mã nguồn còn các tài liệu khác như hướng dẫn sử dụng, tài liệu phân tích thiết kế,...nên mọi sự thay đổi hiệu chỉnh trong các phần này đều được gọi là bảo trì. Một số tác giả dùng từ "tiến hóa" (evolution) để thay cho từ "bảo trì" (maintenance) để chỉ rằng thực ra phần mềm trải qua quá trình tiến hóa, bắt đầu từ những khảo sát ban đầu cho đến khi thôi sử dụng.