Việc giải quyết khá tốt tình trạng nợ nước ngoài của mình trong giai đoạn cuối thập niên 1990 để tiếp tục ổn định phát triển kinh tế của mình, Malaysia trở thành một hình mẫu cho các nước học tập trong đó Việt Nam. Từ cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài của Malaysia ta có thể đúc kết được những bài học cho Việt Nam như sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm đưa nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.
Phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, thuận lợi, giảm rào cản kinh doanh, giảm chi phí và rủi ro thể chế đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước. Tái cơ cấu kinh tế nhà nước, tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và khu vực công. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán, phát triển thị trường vốn trong nước theo hướng tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu, bao gồm mở rộng quy mô vốn hóa của thị trường và tăng cường hiệu quả hoạt động. Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Điều hành vay trả nợ hướng tới nợ nước ngoài bền vững. Từng bước kiểm soát tốc độ gia tăng dư nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ trượt giá để đảm bảo an toàn, bền vững nợ công và an ninh tài chính quốc gia trong trung và dài hạn.
Xác định rõ mức bội chi ngân sách Nhà nước và lộ trình cắt giảm bội chi trong trung và dài hạn (bao gồm cả giá trị tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP). Theo đó, khống chế bội chi ngân sách Nhà nước; Cắt giảm bảo lãnh chính phủ theo hướng tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước.