Giá cả sức lao động ( tiền lương, tiền công):

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 28 - 31)

Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay đã hơn 20 năm và đạt được những thành công nhất định trên con đường phát triển ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó không thể không nói đến thành công của sự phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thị trường sức lao động. Đây là một trong những thị trường quan trọng và cơ bản của nền kinh tế. Việc chúng ta khẳng định sức lao động là hàng hóa không có nghĩa là quay lại quan hệ tư bản và lao động như trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Đối với nước ta, việc phát triển thị trường sức lao động nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và quản lý mối quan hệ giữa người có sức lao động và người sử dụng lao động, từ đó nâng cao năng suất lao động, tạo nhiều của cải vật chất cho xã hội. Từ 1993 đến nay, Nhà nước đã đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nhờ đó mức lương tối thiểu được pháp luật hóa và nâng cao theo thị trường. Thu nhập của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp được cải thiện. Tuy nhiên, vấn đề giá cả hàng hóa sức lao động ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, tác động trực tiếp đến đời sống của người lao động và ảnh hưởng lan toả đến mọi mặt của đời sống xã hội. Do vậy, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại thực trạng giá cả hàng hóa sức lao động thời gian qua để từ đó có giải pháp hữu hiệu cho thời gian tiếp theo, tạo động lực để thị trường này phát triển vững mạnh.

A.Thực trạng chính sách tiền lương, tiền công thời gian qua aa. Về chính sách tiền lương tối thiểu:

Tiền lương tối thiểu được xác định theo nhu cầu tối thiểu, khả năng nền kinh tế, tiền lương trên thị trường sức lao động, chỉ số giá sinh hoạt. Nó làm căn cứ để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương trong khu vực nhà nước, tính mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện chế độ khác cho người lao động theo quy định của pháp luật. Trong Điều 56 của Bộ luật Lao động ghi: Mức tiền lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, đảm bảo cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tiền lương tái sản xuất sức lao động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác.

Theo nguyên tắc của C.Mác, tiền lương phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động, mức chấp nhận tối thiểu của người lao động: “chi phí sản xuất của sức lao động giản đơn quy thành chi phí sinh hoạt của người công nhân và chi phí để tiếp tục duy trì nòi giống đó là tiền công. Tiền công được định như vậy là tiền công tối thiểu” [2- tr 744]. Tức là giới hạn thấp nhất của tiền lương phải đảm bảo khôi phục lại sức lao động của con người [3- tr259]. Và tiền lương cũng được quyết định bởi những quy luật quyết định giá cả của tất cả các hàng hoá khác…, bởi quan hệ của cung đối với cầu, của cầu với cung [2- tr736-747].Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, cải cách và đổi mới chính sách tiền lương cho phù hợp sự phát triển của nền kinh tế. Từ khi ban hành Nghị định 235/HĐBT tháng 9/1985 về cải cách tiền lương trong cán bộ công chức, đến đầu năm 1993, Chính phủ đã 21 lần điều chỉnh tiền lương. Nên từ 1993 đến nay, chính sách tiền lương đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, khắc phục những hạn chế cơ bản của chính sách tiền lương theo Nghị định 235/HĐBT (1985) tạo sự hài hòa hơn về lợi ích giữa người lao động với người sử dụng lao động là Nhà nước, với 4 nội dung cơ bản: Mức lương tối thiểu; quan hệ tiền lương giữa các khu vực; các chế độ phụ cấp tiền lương và cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập, trong đó xác định mức tiền công, tiền lương tối thiểu là căn cứ nền tảng để xác định giá cả sức lao động. Hình thành bốn hệ thống thang, bảng lương riêng cho 4 khu vực là:

- Tiền lương của khu vực sản xuất kinh doanh của Nhà nước căn cứ trên năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh để định ra mức tiền lương, tiền thưởng tương đối hợp lý, đồng thời cho phép các doanh nghiệp tuỳ theo kết quả sản xuất kinh doanh có thể giải quyết tiền lương tối thiểu gấp 1,5 lần mức quy định chung.

- Tiền lương của lực lượng vũ trang được tiền tệ hóa.

- Tiền lương của khu vực hành chính, sự nghiệp được thiết kế theo ngạch công chức phù hợp với chức danh và tiêu chuẩn chuyên môn, mỗi ngạch lại có nhiều bậc để khuyến khích công chức phấn đấu vươn lên.

- Tiền lương của khu vực dân cư và bầu cử đều thống nhất, mỗi chức vụ chỉ có một mức lương, nếu được tái cử thì có phụ cấp thâm niên tái cử.

Mức lương tối thiểu luôn được điều chỉnh theo sự biến động của giá trên thị trường, cụ thể: mức tiền lương tối thiểu áp dụng chung từ 01/01/1993 là 120.000 đồng/tháng/người; từ 01/07/1997 là 144.000 đồng/tháng; từ 01/01/2000 là 180.000 đồng/tháng; từ 01/01/2001 là 210.000 đồng/tháng; từ 01/01/2002 là 290.000 đồng/tháng. Theo Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15/09/2005 của Chính phủ là 350.000 đồng/tháng (từ ngày 01/10/2005) và từ 01/10/2006 theo Nghị định 94/2006/NĐ-CP là 450.000 đồng/tháng. Dự kiến giai đoạn 2008 – 2012 điều chỉnh từ 450.000 đồng lên 990.000 đồng/tháng (từ ngày 01/01/2008 đã điều chỉnh từ 450.000đồng lên 540.000 đồng/tháng theo Nghị định 166/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 quy định mức lương tối thiểu chung)

bb) Về tiền lương tối thiểu trong doanh nghiệp

Đối với các loại hình doanh nghiệp, tiền lương tối thiểu hiện nay được quy định là khác nhau. Chính sách tiền lương đối với các doanh nghiệp được quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật như: Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương; Nghị định số 205/2004/NĐ-CP, Nghị định số 206/2004/NĐ-CP, Nghị định số 207/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, Nghị định 94/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006, Nghị định 03/2006/NĐ-CP ngày 06/01/2006 của Chính phủ, Nghị định 167/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007, Nghị định 168/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã

hội… Cụ thể:

- Đối với doanh nghiệp nhà nước, áp dụng mức thấp nhất bằng tiền lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 3 lần mức lương tối thiểu chung, cụ thể là từ 450.000 đến 1.350.000 đồng/tháng theo Nghị định 94/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ. - Đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp hợp tác xã có thuê lao động, doanh nghiệp gia đình có thuê lao động là 450.000 đồng/tháng (từ ngày 01/10/2006).

- Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trả thấp hơn 710.000 đồng đến 870.000 đồng/tháng, tùy theo khu vực, lãnh thổ do Nhà nước quy định (Nghị định 03/2006/NĐ-CP ngày 06/01/2006 của Chính phủ)[6- tr4-5]. Như vậy, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì mức lương tối thiểu được quy định cao hơn. Và theo Nghị định 168/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007, quy định mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công đối với người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam (gọi chung là

doanh nghiệp) thực hiện từ ngày 01/01/2008 theo các vùng như sau: Mức 1.000.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Mức 900.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các quận thuộc thành phố Hải Phòng; thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Biên Hoà, thị xã Long Khánh, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu và Tràng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Thủ Dầu Một, các huyện: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương; thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Mức 800.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn còn lại.

Và theo Nghị định 167/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thể thuê mướn lao động. Với mức lương tối thiểu vùng để trả công đối với người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp quy định tại Điều 1 Nghị định được thực hiện từ ngày 01/01/2008 theo các vùng như sau: Mức 620.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Mức 580.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các quận thuộc thành phố Hải Phòng; thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Biên Hoà, thị xã Long Khánh, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu và Tràng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Thủ Dầu Một, các huyện: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương; thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Mức 540.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn còn lại.

Như vậy, chính sách tiền lương trong doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh để đáp ứng với những biến động trên thị trường, nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động dưới tác động của các yếu tố chỉ số giá sinh hoạt, điều kiện lao động…

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 28 - 31)