129 dịch vụ, hoặc buộc các doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên

Một phần của tài liệu Giáo trình - Luật cạnh tranh- chương 3 pot (Trang 27 - 30)

dịch vụ, hoặc buộc các doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng

a. Hành vi áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ

Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định “Áp đặt cho các doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ là việc áp đặt những điều kiện tiên quyết mà khách hàng phải chấp nhận trước khi ký kết hợp đồng, bao gồm:

- Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa khác; hạn chế mua, cung ứng dịch vụ khác không liên quan trực tiếp đến cam kết của bên nhận đại lý theo quy định của pháp luật về đại lý;

- Hạn chế về địa điểm, bán lại hàng hoá trừ những hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật; - Hạn chế về khách hàng mua lại hàng hoá trừ những hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật; - Hạn chế về hình thức, số lượng hàng hoá được cung cấp”.

Quy định trên cho thấy cấu thành pháp lý của hành vi này bao gồm các yếu tố sau đây:

Thứ nhất, doanh nghiệp đã buộc khách hàng khi mua, bán hàng hóa, dịch vụ phải chấp nhận các điều kiện có nội dung hạn chế cạnh tranh. Như vậy, ngoài nghĩa vụ của bên mua hoặc bên bán hàng hóa dịch vụ, khách hàng phải chấp nhận thêm các điều kiện ký kết hợp đồng do doanh nghiệp đặt ra. Những điều kiện này có thể là một nghĩa vụ nằm trong một vài điều khoản của hợp đồng hoặc chỉ là một yêu cầu độc lập được doanh nghiệp đưa ra khi đàm phán ký kết hợp đồng. Khi xác định yếu tố này, có một số vấn đề cần lưu ý:

- Khách hàng trong các giao dịch bị áp đặt điều kiện ký kết hợp đồng phải là các doanh nghiệp khác. Thông thường, khách hàng trong trường hợp này là các nhà phân phối, các đại lý hoặc của hàng bán lẻ của doanh nghiệp thực hiện hành vi hoặc các doanh nghiệp mua bán hàng hóa, dịch vụ làm nguyên liệu sản xuất. Khoản 5 Điều 13 Luật Cạnh tranh không áp dụng đối với các hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ giữa doanh nghiệp với khách hàng là người tiêu dùng hoặc các tổ chức, cá nhân không kinh doanh.

- Các điều kiện được doanh nghiệp đưa ra có nội dung phản cạnh tranh. Điều này cho thấy pháp luật không cấm các doanh nghiệp đặt ra điều kiện ký kết hợp đồng mà chỉ cấm đối với trường hợp doanh nghiệp đặt ra điều kiện mua bán nhằm mục đích hạn chế cạnh tranh. Trong thực tế, với mục đích bảo vệ uy tín của doanh nghiệp, nâng cao danh tiếng của thương hiệu, các doanh nghiệp có quyền đưa ra các tiêu chuẩn để lựa chọn đối tác có khả năng sử dụng tối ưu hiệu quả của đối tượng hợp đồng hoặc đưa ra các nghĩa vụ mà đối tác phải chấp nhận nhằm bảo đảm cho sản phẩm có khả năng được sử dụng một cách tốt nhất. Với cách tiếp cận này, quyền lựa chọn đối tác và quyền đưa ra các nghĩa vụ trong hợp đồng là bình thường trong kinh doanh và được

pháp luật thừa nhận. Có thể tìm thấy những tiêu chuẩn chọn lựa đối tác trong tổ chức đấu thầu, đấu giá hoặc các điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật mà đối tác phải đáp ứng khi giao dịch với doanh nghiệp....

Các điều kiện hạn chế cạnh tranh bị cấm bao gồm 4 loại điều kiện: buộc khách hàng phải hạn chế sản xuất, phân phối hàng hoá khác; hạn chế mua, cung ứng dịch vụ khác không liên quan trực tiếp đến cam kết của bên nhận đại lý theo quy định của pháp luật về đại lý; hoặc hạn chế về địa điểm, bán lại hàng hoá trừ những hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật; hoặc hạn chế về khách hàng mua lại hàng hoá trừ những hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật; hoặc hạn chế về hình thức, số lượng hàng hoá được cung cấp. Nội dung của các điều kiện này một mặt không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng có nghĩa là những nội dung đó không phục vụ cho việc thực hiện hợp đồng, mặt khác còn có thể gây ra hậu quả hạn chế cạnh tranh. Lý thuyết cạnh tranh đều cho rằng các điều khoản trên được các doanh nghiệp đưa ra nhằm thực hiện chiến lược độc quyền hoặc chiến lược bóc lột thông qua việc thực hiện hành vi sau đây:

- Với chiến lược độc quyền, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền dùng khả năng thị trường của mình tạo sức ép cho khách hàng nhằm buộc họ phải thực hiện những yêu cầu nhất định nhằm tạo ra những rào cản cho đối thủ cạnh tranh tiềm năng hoặc gây khó khăn cho đối thủ hiện có, từ đó củng cố, duy trì vị trí của doanh nghiệp trên thị trường liên quan. Chiến lược này thường gắn liền với các điều kiện giới hạn thị trường, giới hạn nguồn sản phẩm sản xuất hoặc cung ứng, buộc khách hàng phải chấp nhận những nhà cung cấp được doanh nghiệp chỉ định….

- Chiến lược bóc lột thường được các doanh nghiệp sử dụng làm công cụ để tối đa hoá lợi ích không phải từ hiệu quả kinh doanh mà từ sự tận dụng lợi thế của vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền. Chiến lược này không trực tiếp tác động đến giá cả của hàng hoá hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhưng lại có ảnh hưởng đến nguồn cung hoặc cầu hàng hoá, dịch vụ để đem đến lợi ích cho doanh nghiệp ở mức cao nhất. Thông thường chiến lược bóc lột thường gắn liền với các yêu cầu về việc hạn chế khách hàng mua lại, hạn chế thị trường, hạn chế số lượng hàng hoá được cung cấp…. Với những chiến lược kinh doanh nói trên, nhìn ở góc độ hẹp trong quan hệ hợp đồng, khách hàng của doanh nghiệp đã bị giới hạn khả năng ứng xử trong kinh doanh theo chiến lược mà doanh nghiệp vạch sẵn, các đối thủ của doanh nghiệp có thể phải gánh chịu những sự suy giảm sản lượng hoặc phải tăng chi phí cho việc xây dựng mạng lưới phân phối mới, từ đó rơi vào tình trạng bất lợi trong kinh doanh. Dưới góc độ rộng của thị trường, các chiến lược kinh doanh có thể làm thay đổi diện mạo của quan hệ cung cầu trên thị trường, làm giảm khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường một cách giả tạo để thu lợi ích cho doanh nghiệp. Như vậy, bản chất hạn chế cạnh tranh và sự phi lý của hành vi vi phạm không chỉ thể hiện ở chỗ các nguyên lý của thị trường bị xâm hại mà còn thể hiện ở chỗ những lợi ích không chính đáng mà doanh nghiệp được hưởng bằng cách xâm hại lợi ích của khách hàng và của cả cộng đồng103.

131

Thứ hai, các điều kiện được đưa ra phải là điều kiện tiên quyết cho việc ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ. Cho đến nay, pháp luật cạnh tranh chưa giải nghĩa cụm từ điều kiện tiên quyết cho việc ký kết hợp đồng. Các từ điển Luật học chính thống của Việt Nam cũng chưa đưa ra định nghĩa về khái niệm này và khái niệm điều kiện ký kết hợp đồng. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa điều kiện là điều nêu ra như một đòi hỏi trước khi thực hiện một việc nào đó; tiên quyết là cần phải có trước, được giải quyết trước thì mới có thể làm được việc khác104. Do đó, điều kiện tiên quyết cho việc ký kết hợp đồng có thể được hiểu là những yêu cầu được đưa ra mà khách hàng phải chấp nhận thì mới tiến hành ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ. Nếu khách hàng không chấp nhận điều kiện đưa ra, doanh nghiệp sẽ không tiến hành đàm phán hoặc ký kết hợp đồng. Dấu hiệu này đã loại bỏ những trường hợp doanh nghiệp áp dụng các chế độ ưu đãi với các đại lý, nhà phân phối... nếu khách hàng chấp nhận các điều kiện hạn chế cạnh tranh ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Khoản 5 Điều 13 Luật Cạnh tranh. Ví dụ, các doanh nghiệp sản xuất dành chế độ chiết khấu, dành các khoản đầu tư cơ sở vật chất cho đại lý nếu họ chấp nhận chỉ phân phối sản phẩm của doanh nghiệp.

b. Buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng

Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định “buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng là hành vi gắn việc mua bán hàng hoá, dịch vụ là đối tượng của hợp đồng với việc phải mua hàng hoá, dịch vụ khác từ nhà cung cấp hoặc người được chỉ định trước hoặc thực hiện thêm một hoặc một số nghĩa vụ nằm ngoài phạm vi cần thiết thực hiện hợp đồng”. Tương tự như hành vi áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ là việc đặt điều kiện tiên quyết sau đây trước khi ký kết hợp đồng, khi thực hiện hành vi này, doanh nghiệp cũng đặt ra điều kiện đối với khách hàng (doanh nghiệp khác) để ký kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán, hàng hóa, dịch vụ. Sự khác nhau giữa hai hành vi là những yêu cầu được doanh nghiệp đưa ra. Với hành vi buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng, doanh nghiệp đã bắt khách hàng phải mua thêm hàng hóa, dịch vụ khác từ nhà cung cấp hoặc từ người thứ ba được chỉ định hoặc phải thực hiệm thêm những nghĩa vụ nằm ngoại phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng. Như vậy, có hai vấn đề được đặt ra khi nghiên cứu và xác định hành vi này:

Một là, hành vi này đã hình thành nên các hợp đồng mua bán kèm. Hợp đồng mua bán kèm là loại hợp đồng mà ngoài đối tượng chính của việc mua bán, khách hàng phải chấp nhận mua thêm hàng hóa, dịch vụ khác hoặc thực hiện thêm những nghĩa vụ khác (đối tượng phụ). Đối tượng phụ của hợp đồng mua bán không phải là những nghĩa vụ đương nhiên phát sinh từ hợp đồng mua bán đối tượng chính. Cần phân biệt hợp đồng mua bán kèm với các trường hợp khuyến mại tặng kèm hàng hóa, dịch vụ. Trong hoạt động xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức tặng kèm hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng mua, bán hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp

(104)Viện Ngôn ngữ học, sđd, tr 311; 949.

đang kinh doanh. Trong trường hợp này, khách hàng không phải trả tiền hoặc trả ít hơn đối với những sản phẩm được dùng để khuyến mại. Mặt khác, khách hàng có thể nhận (không nhận) sản phẩm được dùng để khuyến mại mà vẫn mua, bán được hàng hóa, dịch vụ với doanh nghiệp tổ chức khuyến mại. Ngược lại, trong các hợp đồng bán kèm, khách hàng bị buộc phải mua thêm sản phẩm phụ hoặc phải thực hiện thêm những nghĩa vụ phụ nếu muốn mua bán hàng hóa, dịch vụ với doanh nghiệp thực hiện hành vi.

Hai là, đối tượng chính và đối tượng phụ trong hợp đồng mua bán kèm không liên quan trực tiếp với nhau. Nghị định số 116/2005/NĐ-CP giải nghĩa không liên quan trực tiếp là việc mua thêm hàng hóa, dịch vụ hoặc thực hiện thêm những nghĩa vụ nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng. Do đó, có những trường hợp doanh nghiệp buộc khách hàng mua thêm hàng hóa, dịch vụ hoặc thực hiện thêm những nghĩa vụ nhưng không là buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng nếu các đối tượng phụ là những hàng hóa, dịch vụ hoặc những nghĩa vụ đặc dụng để đối tượng chính của hợp đồng có thể phát huy tác dụng một cách tối ưu hoặc để cho việc sử dụng đối tượng chính được an toàn cho người dử dụng và cho xã hội. Nói cách khác, nếu không có đối tượng phụ thì đối tượng chính của hợp đồng mua bán không thể sử dụng, không thể phát huy tác dụng một cách tốt nhất. Như vậy, tùy từng vụ việc cụ thể, các bên liên quan và cơ quan có thẩm quyền cần chứng minh sự liên quan giữa đối tượng chính và đối tượng phụ của hợp đồng mua, bán kèm. Nếu chứng minh được rằng không có đối tượng phụ, hàng hóa, dịch vụ là đối tượng chính vẫn có thể sử dụng theo đúng chức năng thì kết luận giữa chúng không có liên quan trực tiếp với nhau.

2

Một phần của tài liệu Giáo trình - Luật cạnh tranh- chương 3 pot (Trang 27 - 30)