Những hiểu biết về đặc điểm của lợn con giai đoạn theo mẹ

Một phần của tài liệu Thực Hiện Quy Trình Nuôi Dưỡng, Chăm Sóc Và Phòng Trị Bệnh Cho Lợn Nái Sinh Sản Và Lợn Con Theo Mẹ Tại Trại Lợn Ngô Thị Hồng Gấm Huyện Hiệp Hòa Tỉnh Bắc Giang (Trang 34 - 39)

2.2.2.1. Đặc điểm sinh trưởng của lợn con

Sau khi sinh lợn con có tốc độ sinh trưởng rất nhanh được thể hiện thông qua sự tăng về khối lượng cơ thể. Thông thường khối lượng lợn con lúc 7 - 10 ngày tuổi tăng gấp 2 lần so với lúc sơ sinh, 21 ngày tuổi tăng gấp 4 lần.

Theo Vũ Đình Tôn và Trần Thị Thuận (2006) [22], khối lượng lợn con đạt được ở các thời điểm như: sơ sinh, cai sữa, xuất chuồng có mối tương quan thuận khá chặt chẽ, nghĩa là khối lượng lúc sơ sinh càng cao thì có khả năng khối lượng lúc cai sữa cao.

2.2.2.2. Đặc điểm tiêu hóa của lợn con

Đặc điểm nổi bật của cơ quan tiêu hóa của lợn con đó chính là sự phát triển rất nhanh song chưa hoàn thiện. Sự phát triển nhanh thể hiện ở sự tăng về dung tích và khối lượng của bộ máy tiêu hóa. Dạ dày lợn con khi mới sinh chỉ có dung tích 2,5 ml đã tăng lên 1815 ml vào lúc 70 ngày tuổi.

Tiêu hóa thức ăn của lợn diễn ra ở 3 giai đoạn: * Tiêu hóa ở miệng

Tiêu hóa ở miệng gồm 3 giai đoạn là lấy thức ăn, nước uống, nhai, tẩm thức ăn với nước bọt và nuốt. Tiêu hóa diễn ra với 2 quá trình: tiêu hóa cơ học do nhai và tiêu hóa hóa học do các enzyme trong nước bọt.

Amylase có trong nước bọt có hoạt tính cao trong những ngày lợn con mới sinh và từ 2 - 21 ngày tuổi. Tùy theo lượng thức ăn và lượng tiết sữa khác

nhau, thức ăn có phản ứng axit yếu và khô thì nước bọt chủ yếu để thấm ướt và làm mềm thức ăn.

* Tiêu hóa ở dạ dày

Theo Võ Trọng Hốt và Nguyễn Thiện (2007) [10], lợn con mới sinh ra sống nhờ sữa mẹ. Sau khi cai sữa lợn con sống tự lập nên phải trải qua một quá trình thay đổi không ngừng về hình thái cấu tạo và hoạt động sinh lý của ống tiêu hóa để thích ứng với điều kiện mới. Dung tích dạ dày của lợn con lúc 10 ngày tuổi gấp 3 lần lúc sơ sinh, 20 ngày gấp 8 lần và 60 ngày tuổi gấp 60 lần trong khi dung tích dạ dày lúc sơ sinh khoảng 0,03 lít và sau đó tăng chậm đến tuổi trưởng thành đạt 3,5 - 4 lít.

Cơ quan tiêu hóa của lợn con chưa được hoàn thiện do một số enzyme tiêu hóa thức ăn chưa có hoạt tính mạnh, đặc biệt là ở 3 tuần đầu. Khoảng 25 ngày đầu sau khi đẻ, pepsin trong dạ dày lợn con chưa có khả năng tiêu hóa protein của thức ăn. Sau 25 ngày tuổi trong dịch vị lợn con chỉ có HCl ở dạng tự do và pepsinogen không hoạt động mới được HCl hoạt hóa thành pepsin hoạt động và mới có khả năng tiêu hóa. Do thiếu HCl ở dạng tự do nên lợn con dưới 25 ngày tuổi rất dễ bị vi khuẩn có hại xâm nhập vào đường tiêu hoá. Chúng ta có thể kích thích tế bào vách dạ dày lợn con tiết ra HCl ở dạng tự do sớm hơn bằng cách bổ sung thức ăn sớm cho lợn con. Nếu tập cho lợn con ăn sớm từ 7 - 10 ngày tuổi thì HCl ở dạng tự do có thể được tiết ra từ 14 ngày tuổi.

* Tiêu hóa ở ruột

Theo Trần Thị Dân (2006) [3], lợn con sơ sinh dung tích ruột non 100 ml, 20 ngày tuổi tăng 7 lần, tháng thứ 3 đạt 6 lít, và 12 tháng đạt 20 lít. Ruột già, lợn con sơ sinh có dung tích 40 - 50 ml, 20 ngày 100 ml, tháng thứ 3 đạt 2,1 lít, tháng thứ 4 là 7 lít và tháng thứ 7 từ 11 - 12 lít. Hoạt tính của các enzyme thay đổi từ sơ sinh đến trưởng thành.

+ Amylase và maltase: Hai enzyme này có trong dịch tụy từ khi lợn con mới đẻ ra nhưng dưới 3 tuần hoạt tính còn thấp nên khả năng tiêu hoá tinh bột

còn kém. Sau 3 tuần tuổi amylase và maltase mới có hoạt tính mạnh nên khả năng tiêu hoá tinh bột của lợn con tốt hơn.

Lợn con dưới 3 tuần tuổi chỉ có một số enzyme tiêu hóa có hoạt tính mạnh như: trypsin, cathepsin, lactase, lipase và chymotrypsin.

+ Trypsin: Là enzyme tiêu hóa protein của thức ăn. Ở thai lợn 2 tháng tuổi trong chất chiết đã có trypsin, thai càng lớn hoạt tính của trypsin càng cao. Khi lợn con mới đẻ ra hoạt tính của trypsin dịch tụy rất cao để bù đắp lại khả năng tiêu hoá kém của pepsin dạ dày.

+ Cathepsin: Là enzyme tiêu hoá protein trong sữa. Đối với lợn con ở 3 tuần tuổi đầu, cathepsin có hoạt tính mạnh sau đó giảm dần.

+ Lactase: Có tác dụng tiêu hoá đường lactose trong sữa. Enzyme này có hoạt tính mạnh ngay từ khi lợn con mới đẻ ra và tăng cao nhất ở tuần tuổi thứ 2, sau đó hoạt tính của enzyme giảm dần.

Như vậy, lợn con mới sinh có khả năng tiêu hóa kém do các enzym có hoạt lực tiêu hóa yếu. Hoạt động của các enzym chỉ thích hợp với việc tiếp nhận và tiêu hóa sữa. Nhưng nếu có chế độ chăm sóc thích hợp khẩu phần ăn hợp lý có thức ăn tập ăn sớm được chế biến hợp lý với thành phần dinh dưỡng đầy đủ và cho lợn con tập ăn sớm sẽ cải thiện được hạn chế này.

2.2.2.3. Đặc điểm về khả năng điều tiết thân nhiệt

Theo Đoàn Minh Ngọc (2010) [31], lợn con dưới 3 tuần tuổi cơ năng điều tiết thân nhiệt chưa ổn định do:

- Lớp mỡ dưới da mỏng, lượng mỡ và glycogen dự trữ thấp nên không có khả năng chống rét;

- Hệ thần kinh điều tiết chưa hoàn chỉnh do não chưa phát triển;

- Diện tích bề mặt cơ thể chênh lệch cao so với khối lượng nên lợn con dễ bị mất nhiệt.

Khả năng điều tiết thân nhiệt của lợn con phụ thuộc vào môi trường. Nếu nhiệt độ môi trường thấp thì thân nhiệt hạ nhanh, tuổi lợn con càng ít, tốc

độ hạ thân nhiệt càng nhiều (khối lượng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng điều tiết thân nhiệt).

Sau 3 tuần tuổi cơ năng điều tiết thân nhiệt lợn con tương đối hoàn chỉnh. Tốc độ sinh trưởng của gia súc non rất cao, nếu sữa mẹ không đảm bảo chất lượng, khẩu phần thức ăn thiếu đạm sẽ làm cho sự sinh trưởng chậm lại và tăng trọng theo tuổi giảm xuống, làm cho khả năng chống đỡ bệnh tật của lợn con kém.

Trong giai đoạn này việc duy trì thân nhiệt của lợn con phụ thuộc vào sự hoạt động rất mạnh của hệ tuần hoàn cũng như sự thay đổi tư thế của lợn.

Nhịp tim của lợn con tăng hơn so với lợn trưởng thành rất lớn. Bình thường đối với lợn trưởng thành nhịp tim là 75 lần/phút, song ở giai đoạn đầu sau khi mới đẻ nhịp tim tăng lên tới 200 lần/phút. Lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể cũng rất lớn đạt 150 ml/kg khối lượng trong 1 phút, trong khi đó ở lợn trưởng thành chỉ đạt 30 - 40 ml/kg khối lượng trong 1 phút. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

2.2.2.4. Đặc điểm về khả năng miễn dịch

Lợn con khác với người và các loài động vật khác là chúng không nhận được kháng thể từ mẹ trong thời kì thai nhi. Nhưng thay vào đó, trong sữa đầu của lợn mẹ có hàm lượng rất lớn các kháng thể. Hệ tiêu hóa của lợn con trong vòng 12 - 24 tiếng kể từ khi sinh có khả năng hấp thụ các loại kháng thể này. Chính vì vậy, nếu trong vòng 12 tiếng đầu sau khi sinh, lợn con được bú đầy đủ sữa đầu thì khả năng miễn dịch của chúng sẽ tương tự như của lợn mẹ.

Các kháng thể nhận được từ lợn mẹ rất quan trọng cho đến khi hệ miễn dịch của lợn con được phát triển đầy đủ. Chính vì vậy, những lợn con không được bú sữa đầu đầy đủ phải được ghép bầy sang những lợn nái đang cho sữa đầu.

Các kháng thể chống lại các bệnh ở hệ tiêu hóa được gọi là IgA. IgA có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợn con thời kì theo mẹ chống lại các bệnh ở hệ tiêu hóa. Khi cai sữa thì nguồn cung cấp IgA từ sữa mẹ bị cắt đứt,

cộng với stress khi cai sữa sẽ khiến các bệnh về đường tiêu hóa thường phát sinh ở giai đoạn này (Marphavet, 2017) [30].

Trong sữa đầu lợn mẹ có tỷ lệ protein rất cao, những giờ đầu sau khi đẻ trong sữa có tới 18 - 19% protein, trong đó γ - globulin chiếm tỷ lệ rất cao (34 - 45%) và có vai trò miễn dịch. Trong sữa đầu có một số loại kháng thể chủ yếu như sau:

IgA là loại kháng thể đặc hiệu cho hệ thống hô hấp, hệ tiêu hóa và sinh dục. Loại kháng thể này từ sữa mẹ và được hấp thu qua thành ruột vào trong cơ thể lợn con. IgA có vai trò miễn dịch trực tiếp với bệnh do E. coli và một số bệnh khác.

IgG là kháng thể đặc hiệu đối với các vi khuẩn do lợn mẹ tiếp xúc ở trong chuồng đẻ như E. coli và các kháng thể bệnh dịch tả khi lợn mẹ được tiêm phòng. Lợn con có loại kháng thể này từ sữa mẹ truyền sang và đây là loại kháng thể tồn tại rất lâu trong máu, cho nên giúp cho lợn con có khả năng kháng lại những loại vi khuẩn gây hại điển hình như E. coli.

IgM là kháng thể kháng các bệnh do virus cũng như một số bệnh khác trong máu. Đây là loại kháng thể đầu tiên vào cơ thể để chống lại những bệnh lạ đầu tiên xâm nhập vào cơ thể.

Như vậy, trong sữa đầu không chỉ có hàm lượng kháng thể lớn mà còn có các loại kháng thể khác nhau để giúp cho lợn con có khả năng chống chịu được với bệnh tật xâm nhập từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, khả năng hấp thu kháng thể của lợn con thay đổi rất lớn theo thời gian.

Như vậy, quá trình hấp thu nguyên vẹn phân tử γ - globulin bị giảm rất nhanh theo thời gian. Sở dĩ lợn con có khả năng hấp thu được nguyên vẹn phân tử globulin là vì trong sữa đầu có kháng trypsin (antitrypsin), nó làm mất hoạt lực của trypsin tuyến tụy. Đồng thời khoảng cách giữa các tế bào vách ruột lợn con mới sinh rất lớn nên phân tử globulin có thể được chuyển qua bằng con đường ẩm bào (kiểu hấp thu này giảm mạnh theo thời gian). Vì vậy,

sau 24 giờ hàm lượng globulin trong máu lợn con đã đạt tới 20,3 mg%. Tại thời điểm này các tiểu phần protein sữa tuần hoàn trong máu không nguy hiểm đối với lợn con vì thời gian này lợn chưa hình thành kháng thể bản thân và protein đối với chúng không phải là kháng nguyên.

Bên cạnh sự hấp thu kháng thể từ sữa mẹ thì bản thân lợn con trong thời kỳ này cũng có quá trình tổng hợp kháng thể. Trước đây người ta cho rằng tới 2 tuần tuổi hoặc muộn hơn mới có quá trình tổng hợp kháng thể ở lợn con. Nghiên cứu tại Bruno (Cộng hòa Séc) gần đây cho thấy chỉ ngay sau ngày đẻ thứ hai một số cơ quan trong cơ thể lợn con đã bắt đầu sản sinh kháng thể. Tuy nhiên, khả năng này của lợn con còn rất hạn chế và nó chỉ được hoàn chỉnh khi lợn con được một tháng tuổi (Vũ Đình Tôn và Trần Thị Thuận, 2006) [22].

Một phần của tài liệu Thực Hiện Quy Trình Nuôi Dưỡng, Chăm Sóc Và Phòng Trị Bệnh Cho Lợn Nái Sinh Sản Và Lợn Con Theo Mẹ Tại Trại Lợn Ngô Thị Hồng Gấm Huyện Hiệp Hòa Tỉnh Bắc Giang (Trang 34 - 39)