Thời gian qua, tình hình kinh tế có nhiều biến động đã ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động huy động vốn của Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh như: Chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền vào ngân hàng, trong khi đó giá bất động sản (đất đai) đang bị "đóng băng" cùng với việc triển khai chính sách đấu giá quyền sử dụng đất của tỉnh, ngoài ra một số đơn vị triển khai việc huy động vốn như: Kho bạc nhà nước, tiết kiệm bưu điện, các công ty bảo hiểm ...
Trên địa bàn tỉnh Hà Tây ngoài các chi nhánh: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng công thương, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, trong những năm gần đây có thêm 2 ngân hàng đi vào hoạt động là chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội và chi nhánh Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu long. Do đó sự cạnh tranh về huy động vốn rất quyết liệt, các Ngân hàng liên tục tăng lãi suất để tăng cường huy động vốn.
Nhận thức được tình hình trên, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã bám sát thị trường và kế hoạch của ngân hàng cấp trên để đưa ra các biện pháp huy động vốn như: Tiết kiệm bốc thăm trúng thưởng, quay số dự thưởng, áp dụng mức lãi suất thích hợp, mở rộng mạng lưới huy động vốn tăng cường quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp xúc và tìm kiếm khách hàng có tiềm năng gửi tiền lớn,...
Để có thể hiểu rõ hơn tình hình thực hiện của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hà Tây, chúng ta xem bảng sau:
Qua bảng số liệu trên cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tương đối cao. Tổng nguồn vốn huy động tăng 117%, tổng dư nợ cũng tăng 113,64% so với năm 2004. Việc tăng trưởng tín dụng góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, đổi mới trang thiết bị, mở rộng sản xuất nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Về thị phần tín dụng, trên địa bàn tập trung chủ yếu ở các NHTM quốc doanh lớn như Chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh Hà Tây, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tây, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Hà Tây.
Nhìn chung tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh là tương đối thấp. Tuy vậy các TCTD phải luôn quan tâm đến việc phòng ngừa rủi ro tín dụng, nâng cao chất lượng các khoản vay, hạn chế tối đa các khoản nợ xấu phát sinh và tích cực đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ đọng.