Trong những ngày đầu mới tái lập, Đảng bộ và nhân dân Đông Giang phải đối mặt với bộn bề khó khăn, xuất phát từ một huyện thuần nông, nông nghiệp chiếm chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của huyện; đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Qua gần 20 năm xây dựng và trưởng thành, Đông Giang đã có những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, hạ tầng kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân, bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi. Ngay sau tái lập huyện, được sự quan tâm của các cấp chính quyền với sự đầu tư của các dự án như: Đường Zà hung- ARooi; đường Zà Hung-Jơ Ngây; đường An Điềm-Kà Dăng-A Xờ; Đường xã Ba-xã Tư, hệ thống hạ tầng khu Trung tâm huyện được quy hoạch chỉnh trang một cách bài bản, đầu tư các tuyến đường nội thị, xây dựng tuyến trục cảnh quan, cầu A Vương 3 ... qua đó góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng-kinh tế xã hội trên địa bàn, tạo động lực tốt cho kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển.
Các cấp chính quyền địa phương xây dựng cơ chế, chính sách kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào địa bàn, phát triển du lịch sinh thái – văn hoá; lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao, sản xuất nông nghiệp hàng hoá được chú trọng, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường; tổng đàn gia súc 23.024 con, tổng đàn gia cầm đạt 45.870 con, từng bước nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương trên địa bàn huyện.
Sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-dịch vụ được tập trung phát triển, thu hút được các dự án đầu tư vào địa bàn triển khai thực hiện như: Xây dựng nhà máy gỗ keo xã Ba, dự án gạch Tuynel thôn Dốc Kiền xã Ba, nhà máy
gạch Tuynell-ALV chủ yếu sử dụng đất đồi và phế phẩm công nghiệp; dự án điểm du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Păng xã Sông Kôn; dự án du lịch Dốc Gợp- lòng hồ A Vương; dự án trồng rừng gỗ lớn và chế biến ván gỗ xuất khẩu…. Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ, phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, năng động, tăng cả về số lượng, chất lượng; thị trường được mở rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của huyện.
Kết quả 10 năm triển khai phát triển kinh tế xã hội với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân đã đột phá xây dựng hạ tầng nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân đạt 26,7 triệu đồng/người/năm, tăng 1,31 triệu đồng so với chỉ tiêu đề ra. Qua đó thể hiện quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, thử thách của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Nêu cao truyền thống văn hoá, cách mạng của quê hương, tăng cường đoàn kết, phát triển kinh tế, an sinh xã hội bền vững, xây dựng thành công nông thôn mới, đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. [68, tr.3, 4, 5]
Điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh tế, xã hội phát triển đã tạo nhiều điều kiện để cho các cấp chính quyền triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng trên địa bàn huyện đạt hiệu quả. Tuy nhiên điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đã tác động lớn đến quá trình triển khai thực hiện tại địa phương.