2.1.1. Yếu tố tự nhiên:
Huyện Krông Pắc nằm ở phía đông tỉnh Đắk Lắk, dọc hai bên Quốc lộ 26, từ km 12 đến km 50, trung tâm huyện cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 30 km, có diện tích tự nhiên là 62.581 ha.
Huyện Krông Pắc được nối liền với trung tâm các huyện trong tỉnh bởi hệ thống Quốc lộ và Tỉnh lộ, rất thuận lợi trong giao lưu kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch... Nằm trên trục Quốc lộ 26, cách thành phố Nha Trang - tỉnh Khánh Hoà khoảng 160 km, cách sân bay Buôn Ma Thuột khoảng 30 km, đây chính là điều kiện khá thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của huyện; có điều kiện tăng cường các quan hệ hợp tác đầu tư phát triển.
Thị trấn Phước An là trung tâm Văn hóa, chính trị, kinh tế của huyện. Trung tâm thị trấn Phước An có điểm giao cắt giữa Quốc lộ 26 với Tỉnh lộ 9 nối Krông Pắc với huyện Krông Bông.
Với địa hình tương đối bằng phẳng, thời tiết thuận hòa, tài nguyên phong phú đã giúp cho việc triển khai chính sách xây dựng NTM gặp được nhiều thuận lợi.
2.1.2. Đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội
Giai đoạn 2015 – 2020, kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá với tốc độ bình quân 9,78%/năm; trong đó, nông - lâm nghiệp tăng 5,73%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng 16,72%; thương mại - dịch vụ tăng 15,48%. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành kinh tế (theo giá hiện hành) đến năm 2020 ước đạt 13.335 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 618,702 tỷ đồng (bình quân mỗi năm thu được 123,74 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người đạt 45,48 triệu đồng/năm, tăng 17,48 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ.
Toàn huyện có 1.217 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu phát triển các ngành có lợi thế về nguồn nguyên liệu như: chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí...
Trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện cũng đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, ngân sách huyện và khai thác các nguồn lực trong xã hội để lồng ghép đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng... Đến năm 2020, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường huyện đạt 92%; tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường xã, liên xã ước đạt 67%. Giai đoạn này, nguồn vốn huy động toàn xã hội của toàn huyện đạt 4.621 tỷ đồng, so với nghị quyết đạt 100,17%. Trong đó, ngân sách Trung ương và của tỉnh là 777 tỷ đồng; ngân sách huyện 847 tỷ đồng; ngân sách xã 23 tỷ đồng; các nguồn người dân đóng góp và huy động khác là 2.974 tỷ đồng. Huyện có 10/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 8 xã so với đầu nhiệm kỳ, đạt 100% nghị quyết đề ra. Trong đó có 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã nông thôn mới nâng cao; số xã còn lại đạt ít nhất 10 tiêu chí/xã.
Đi đôi với phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, Đảng bộ huyện Krông Pắc cũng luôn chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, y tế. Cơ sở vật chất giáo dục tiếp tục được quan tâm, đầu tư. Toàn huyện đã có 59/102 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 57,8% (tăng 27,61% so với năm 2015). Chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phục vụ người bệnh ngay tại tuyến xã với 16/16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách an sinh xã hội, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 5,54% (giảm 11,96%), đạt 100,06% so với nghị quyết, hộ cận nghèo còn 3,82%.
Đảng bộ huyện Krông Pắc có 48 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, trong đó có 23 đảng bộ (với 504 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở) và 25 chi bộ cơ sở. Toàn Đảng bộ có 7.116 đảng viên, trong đó 2.793 đảng viên nữ; 1.228 đảng viên dân tộc thiểu số; 71 đảng viên là người có đạo.
quán triệt, học tập và triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng nhằm nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy các cấp đối với việc tổ chức quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Trong quán triệt, học tập nghị quyết, Huyện ủy cũng đã chỉ đạo đổi mới hình thức, hạn chế phương pháp “đọc - nghe” một cách thụ động như trước đây, mà báo cáo viên phải chú trọng phân tích những điểm mới, điểm cốt lõi của nghị quyết, gắn với liên hệ tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị.
2.1.3. Tình hình phát triển kinh tế trước khi thực hiện chính sách nông thôn mới tại Krông Pắc
Trước năm 2010 khi chưa có Chủ trương về xây dựng NTM, tình hình kinh tế - văn hóa xã hội và quốc phòng an ninh tại huyện Krông Pắc còn nhiều bất cập, đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện có 15 xã và 1 thị trấn với khoảng 199.000 người.
Về kinh tế: nguồn thu nhập chủ yếu từ ngành nông nghiệp chiếm 80% tỷ trọng của huyện. Thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp chưa được phát triển sản xuất còn lạc hậu. Các Nông - Lâm trường sản xuất nông nghiệp trồng cà phê và trồng rừng sản xuất kinh doanh chủ yếu là độc canh. Nông nghiệp trong nhân dân sản xuất nhỏ lẻ, chưa đầu tư khoa học kỹ thuật nên năng suất rất thấp.
Về thương mại dịch vụ tiểu thủ công nghiệp: tuy là huyện nằm ở ven Quốc lộ 26 nhưng thương mại chưa được phát triển, ngành công nghiệp chưa được đầu tư, dịch vụ tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún.
Từ những đặc điểm sơ bộ nêu nên đời sống kinh tế của nhân dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người 11 triệu đồng/người/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%, cá biệt có xã tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%. Thu ngân sách trên địa bàn huyện chỉ đạt 55 đến 57 tỉ đồng/ năm do vậy không đảm bảo cho nguồn chi mà chủ yếu là dựa vào ngân sách cấp trên cấp.
Về văn hóa - xã hội chưa được phát triển đồng bộ trên các mặt, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội có nơi có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu.
Về Quốc phòng - an ninh: là huyện chậm phát triển nên kéo theo các hệ lụy về an ninh - trật tự, đời sống khó khăn dẫn đến nhiều vụ việc trộm cắp cướp giật gây bất ổn trong nhân dân. Bên cạnh đó có những địa bàn xã do đặc thù của chế độ cũ trước năm 1975 để lại nên Quốc phòng -an ninh của huyện được xếp vào diện đáng chú ý trên địa bàn tỉnh Đắk Lăk.