Nhóm yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN QUẾ SƠN, TỈNH QUẢNG NAM (Trang 34 - 37)

Thứ nhất, tính chất của các vấn đề chính sách CCTTHC:

Sự phát sinh vấn đề chính sách CCTTHC bắt nguồn từ thực tiễn xã hội.

Tính rõ ràng, cụ thể của vấn đề chính sách CCTTHC (mức độ cụ thể, rõ ràng về mục tiêu, phương án, biện pháp chính sách...) trước yêu cầu thực tiễn là yếu tố then chốt để thực hiện chính sách này có hiệu quả. Chúng chẳng những là căn cứ cho các hoạt động của chủ thể thực hiện chính sách, mà là cơ sở để giám sát và đánh giá quá trình thực hiện chính sách CCTTHC. Nếu có sự thiếu rõ ràng, cụ thể của chính sách CCTTHC sẽ làm cho quá trình thực hiện sẽ gặp khó, dẫn đến ảnh hưởng không tốt đến chất lương, hiệu quả thực hiện chính sách này.

Tính phức tạp, đơn giản của vấn đề chính sách CCTTHC thường là yếu tố gắn liền với chính sách cụ thể, nó có tác động trực tiếp đến hoạch định và thực hiện chính sách CCTTHC. Các vấn đề đặt ra liên quan về thể chế và TTHC hiện hành; về hiện trạng cơ chế hoạt động của hệ thống tổ chức bộ máy HCNN và quy mô, cơ cấu, chất lượng nhân sự biên chế; về tính đa dạng và số lượng về hành vi của đối

tượng chính sách, quy mô của các nhóm đối tượng chính sách; về đáp ứng yêu cầu mở cửa - hội nhập… thường đó là các vấn đề phức tạp, vấn đề lớn tác động ảnh hưởng đến hiệu quả quá trình thực hiện chính sách CCTTHC. Hơn nữa, một số vấn đề chính sách CCTTHC phức tạp hoặc phát sinh mới thì thông thường việc thực thi chính sách này không dừng lại ở một quyết định đơn lẻ để thực hiện là đủ, mà nó đặt ra yêu cầu một loạt các quyết định về cách thức thực thi chính sách này.

Theo đó, vấn đề chính sách CCTTHC càng phức tạp, thì mức độ thách thức trong thực hiện chính sách này càng lớn. Chẳng hạn: Nếu vấn đề đặt ra về mức độ lớn đối với việc thay đổi hành vi và thói quen của cả chủ thể và đối tượng của chính sách CCTTHC; về mức độ thống nhất, đồng thuận về mặt nhu cầu và quan điểm giữa chủ thể thực thi chính sách và đối tượng chính sách... thì hiệu quả thực hiện chính sách này sẽ gặp thách thức không dễ dàng. Như vậy, tính chất của vấn đề thuộc nhóm yếu tố khách quan có tác động ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách CCTTHC thuận lợi, khó khăn hay nhanh, chậm.

Thứ hai, lợi ích và động cơ của các đối tác xã hội, các đối tượng thụ hưởng chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện chính sách CCTTHC.

Trong một xã hội dân chủ thì tiếng nói, hành vi của các đối tượng thụ hưởng chính sách, các đối tác xã hội, người dân cần được coi trọng, nhất là các vấn đề đụng chạm đến lợi ích của họ. Yếu tố lợi ích và động cơ của các đối tượng thụ hưởng chính sách, các đối tác xã hội được biểu hiện ra ở thái độ hài lòng, đồng thuận hoặc phản ứng không hài lòng đối với chính sách CCTTHC. Mức độ hài lòng hưởng ứng và tiếp nhận chính sách CCTTHC của đối tượng chính sách vừa liên quan tới sự tính toán chi phí – lợi ích của đối tượng chính sách, vừa liên quan đến mức độ điều chỉnh của chính sách đối với hành vi của đối tượng chính sách. Nếu các đối tượng chính sách, đối tác XH tiếp nhận và đồng thuận ủng hộ chính sách CCTTHC thì quá trình thực hiện chính sách này sẽ thuận lợi. Hơn nữa, tiềm năng và điều kiện của đối tượng thụ hưởng và các bên đối tác quyết định mức độ tham gia của họ vào quá trình thực thi chính sách CCTTHC. Trong trường hợp, các đối tác xã hội phàn nàn, không nhiệt tình tham gia vào quá trình chính sách CCTTHC thì chính sách này khó đạt được các mục tiêu đúng hạn cũng như chi phí thực hiện chính sách tăng lên; hoặc thậm chí vì lý do nào đó mà đối tượng thụ hưởng không

thể tiếp cận được chính sách CCTTHC (cũng có thể là đối tác xã hội, người dân chưa được biết rõ về chính sách này do không chú trọng hoạt động phổ biến chính sách trước đó về việc đem lại lợi ích gì cho họ); hay tiếng nói của đối tác XH và người dân chưa được các cơ quan HCNN coi trọng thì nguy cơ chính sách đó dễ mang tính chủ quan duy ý chí và thất bại trong thực hiện. Đúng vậy, dù trong trường hợp nào thì việc nhận được đồng thuận ủng hộ, hài lòng của người dân đối với một chính sách là nhân tố rất quan trọng quyết định đến sự thành công của việc thực hiện chính sách đó.

Do đó, các cơ quan HCNN có thẩm quyền thực hiện chính sách CCTTHC cần tranh thủ được sự đồng thuận, hoặc thương lượng làm rõ lợi ích mang lại cho các đối tác xã hội, đối tượng thụ hưởng chính sách (việc thương lượng chính sách bao hàm cả việc điều chỉnh chính sách hợp lý đối với hành vi của đối tượng chính sách), nhằm thúc đẩy họ tham gia tích cực vào quá trình này.

Thứ ba, môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong nước và hội nhập quốc tế là yếu tố khách quan ảnh hưởng quá trình thực hiện chính sách CCTTHC.

Với yếu tố môi trường và điều kiện khách quan cho thấy, nếu trình độ kinh tế phát triển thì cơ quan thực hiện chính sách CCTTHC càng có nhiều điều kiện và cơ hội xã hội hóa để thu hút các nguồn lực (nhân lực chuyên gia hỗ trợ, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thông tin...) đảm bảo cho quá trình thực thi chính sách; nếu trình độ hiểu biết và văn hóa của người dân được nâng lên thì sẽ là thuận lợi cho việc giám sát quá trình thực thi chính sách này và ngược lại. Ngoài ra, cần chú ý hạch toán lồng ghép hiệu quả các yếu tố trong môi trường vận động thường sinh ra các vấn đề chính sách, như: tính tự chủ và sự phát triển của các tổ chức xã hội, dư luận XH cùng với sự phát triển truyền thông đa phương tiện, mạng internet... cũng ảnh hưởng đáng kể đến thực hiện chính sách CCTTHC.

Do vậy, để tạo dựng được môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phù hợp với điều kiện, đặc điểm hoàn cảnh thực tại của quốc gia và thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế bằng sự tái thiết linh hoạt, năng động về cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của hệ thống các cơ quan nhà nước, đổi mới phương thức thực hiện chính sách CCTTHC cùng kiện toàn đội ngũ nhân sự công chức. Đây sẽ là yếu tố rất quan trọng để cải thiện môi trường theo chiều thuận để đảm bảo tính ổn định,

thuận lợi, nhất quán, đồng bộ cho toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện mục tiêu chính sách CCTTHC được hiện thực hóa trong thực tiễn cuộc sống.

Một phần của tài liệu THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN QUẾ SƠN, TỈNH QUẢNG NAM (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)