Bản tính tự nhiên và giáo dục

Một phần của tài liệu Phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài pptx (Trang 65 - 67)

- Bài Luận văn thứ hai (1754)

3.Bản tính tự nhiên và giáo dục

Tác phẩm Emile hay là về giáo dục (công bố cùng năm với quyển Khế ước xã hội, 1762) bắt đầu như một luận văn về giáo dục, nhưng các ví dụ minh họa đều tập trung vào cậu bé Emile khiến nó trở thành một tiểu thuyết-sư phạm. Ngay câu đầu tiên đã nói lên lập trường tiêu biểu của Rousseau: “Mọi thứ từ bàn tay tạo hóa mà ra đều tốt; mọi thứ đều suy đồi biến chất trong bàn tay con người”. Ông viết tiếp: “Con người bắt ép một chất đất phải nuôi các sản phẩm của chất đất khác, một cái cây phải mang quả của cây khác; con người hòa trộn và lẫn lộn các khí hậu, các yếu tố, các mùa; con người cắt xẻo các bộ phận trong thân thể con chó của mình, con ngựa của mình, nô lệ của mình; họ đảo lộn mọi thứ, họ làm biến đổi xấu xí mọi thứ, họ ưa sự dị dạng, các quái vật; họ không muốn cái gì y nguyên như tự nhiên đã tạo ra, ngay cả con người cũng thế; họ phải rèn tập con người cho họ, như một con ngựa để kéo cỗ máy; họ phải uốn vặn con người theo kiểu cách của họ, như một cái cây trong vườn nhà họ”.

Như thế, con người không chỉ là tự do, mà còn tốt ngay từ khi sinh ra đời. Cái xấu, cái ác là không phải bẩm sinh mà do ảnh hưởng của xã hội và của nền giáo dục tương ứng với xã hội ấy. (Khẳng định này – nhất là chủ trương “tôn giáo tự nhiên” ở cuối sách, chứ không phải các ý tưởng mới mẻ về nền giáo dục lấy người học làm trung tâm – là một sự khiêu khích chống lại quan niệm thống trị đương thời, ở đây là quan niệm về “tội tổ tông”, khiến cuốn sách bị Tổng giám mục Paris lên án, ra lệnh tịch thu và thiêu hủy công khai. Tác giả của nó phải sống lưu vong suốt đời!).

Do đó, nếu bản thân con người chỉ có thể tự giải phóng khỏi những gì do chính mình gây ra, thì cũng chỉ bản thân con người mới có thể bảo tồn được cái “thiên chân” của mình. Chính ở đây, Rousseau đụng chạm đến vấn đề hết sức cơ bản: sứ mạng hay cương lĩnh giáo dục. Trái với quan niệm thông thường từ xưa đến nay xem sứ mạng của giáo dục đối với xã hội quyết định sứ mạng của giáo dục đối với người học, có nghĩa là giáo dục phải chuẩn bị cho người học gia nhập vào một xã hội nhất định nào đó để phục vụ, duy trì và phát triển xã hội ấy, Rousseau chủ trương sứ mạng của giáo dục không phải là đào tạo con người cho xã hội, mà là làm cho cái “thiên chân” trong con người có thể được phát huy tối đa.

Rousseau không chỉ chống lại một nền giáo dục phục vụ cho xã hội hiện có mà còn chống lại bất

kỳ nền giáo dục nào tuân phục xã hội và đào tạo con người theo những lợi ích của một xã hội nhất

định. Vì lẽ bao lâu người thanh thiếu niên chỉ quan tâm đến những gì xã hội hay người khác chờ đợi nơi chính mình để lấy đó làm định hướng thì bắt đầu có sự xuyên tạc và trá ngụy. Thay vì tìm cách thích ứng với xã hội, họ cần có điều kiện để trở nên trung thực với chính mình, nghĩa là, sống theo bản tính tự nhiên và tiến trình phát triển nội tại của nó. Theo cách nói ngày nay, chỉ có như thế họ mới trưởng thành và trở nên những nhân cách mạnh mẽ để về sau có thể tự khẳng định mình trước những thách thức và đòi hỏi của xã hội cũng như hành xử với xã hội dựa theo sự xác tín của một lý tính đã được phát triển. Quan niệm triệt để này về sứ mạng giáo dục sẽ dẫn đến phương pháp và mục tiêu mới về chất của giáo dục: đào tạo CON NGƯỜI với tư cách là tác nhân cải tạo xã hội chứ không chỉ là nhân tố tái tạo xã hội, như ta sẽ gặp lại ở mục 4.

Một nền giáo dục định hướng theo bản tính tự nhiên của con người như thế tuyệt nhiên không

được hiểu như là một tiến trình tự nhiên đơn thuần, như thể chỉ cần phó mặc thanh thiếu niên cho tiến trình trưởng thành tự nhiên của họ. Làm cho con người có thể tự phát triển phù hợp với bản tính tự nhiên là một trách vụ cực kỳ quan trọng và khó khăn, đòi hỏi một sự hiểu biết rất chính xác về bản tính tự nhiên của con người từ phía nhà giáo dục. Vậy, giáo dục được quan niệm như là

yếu tố thứ ba giữa tự nhiên và xã hội; một miếng đất trung gian được cách ly với những ảnh hưởng của xã hội nhằm phát triển bản tính tự nhiên. Và bản tính tự nhiên này, đến lượt nó, cũng chỉ có thể tự phát triển khi được tách khỏi tiến trình tự nhiên đơn thuần.

Theo Rousseau, tiến trình phát triển ấy đòi hỏi ta phải lưu ý đến nguyên lý nền tảng sau đây: đó là

sự tương ứng giữa một bên là các nhu cầu với bên kia là các sức mạnh và năng lực của bản thân đứa trẻ. Sự tương ứng này không hình thành một cách tự nhiên, hoang dã nơi đứa trẻ còn cần sự

nuôi dưỡng và chăm sóc của người lớn. Nhưng, vấn đề quan trọng hàng đầu là: để đứa trẻ có thể phát triển mọi năng lực của nó, việc chăm sóc, giúp đỡ của người lớn chỉ nên dừng lại ở mức thật cần thiết và cần chú ý đừng quá nuông chiều để làm “hư” chúng: “khi Hobbes gọi kẻ tai ác là một đứa trẻ cường tráng, thì ông đã nói một điều mâu thuẫn tuyệt đối. Bất kỳ sự tai ác nào cũng từ sự yếu đuối mà ra; đứa trẻ chỉ tai ác vì nó yếu đuối; hãy làm cho nó mạnh, nó sẽ tốt; người nào có thể thực hiện mọi điều sẽ không bao giờ làm điều ác”. Có sự cân bằng giữa nhu cầu và năng lực thì đứa trẻ là một đứa trẻ cân bằng, và, vì thế, là một đứa trẻ hạnh phúc.

Một phần của tài liệu Phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài pptx (Trang 65 - 67)