Mặc dù nguồn điện phân tán đem lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện nhưng chúng cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định. Những ảnh hưởng này được phân tích trên hai mặt kinh tế và kĩ thuật
* Ảnh hưởng về kinh tế
Về kinh tế, một số nguồn phân tán có công suất phát biến thiên rất lớn trong ngày (thay đổi từ 0 đến Pmax), phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết, khí hậu như tua- bin gió, hệ thống PV, thủy điện nhỏ… Do đó, trong quy hoạch phát triển hệ thống điện vẫn phải tính toán phát triển dự phòng cả nguồn điện và lưới điện để đáp ứng được nhu cầu phụ tải ngay cả khi những nguồn phân tán không hoạt động. Như vậy, trong một số trường hợp ngành điện phải đầu tư khối lượng lớn hơn cho cả nguồn điện và lưới điện nhưng hiệu suất sử dụng lại không cao.
Đa số nguồn phân tán sử dụng công nghệ mới đều đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu cao hơn so với công nghệ truyền thống. Điện năng sản xuất của những loại nguồn điện này lại không lớn nên thời gian thu hồi vốn lâu. Giá thành điện sản xuất của nguồn điện phân tán sử dụng công nghệ mới chưa cạnh tranh được so với các nguồn
điện truyền thống khác. Chính phủ muốn phát triển những loại nguồn phân tán này phải có chính sách trợ giá, cũng như những chính sách ưu đãi đặc biệt khác. Những chính sách này có thể góp phần làm tăng gánh nặng tài chính và thâm hụt ngân sách quốc gia…
* Ảnh hưởng về kĩ thuật
Về kĩ thuật, nguồn phân tán cũng có ảnh hưởng tới cấu trúc lưới điện, ổn định điện áp, thay đổi dòng ngắn mạch và hệ thống bảo vệ rơle, máy biến áp vận hành với chế độ dòng công suất ngược so với thiết kế ban đầu, dao động điện áp trong các chế độ làm việc của nguồn điện, tác động đến một số chỉ tiêu của chất lượng điện năng đối với khách hàng dùng điện và các nhà cung cấp điện…