Đặc điểm của rối loạn phổ tự kỷ

Một phần của tài liệu NHẬN THỨC CỦA GIÁO VIÊN MẦM NON VỀ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ CỦA TRẺ TẠI THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 35 - 37)

Trẻ tự kỷ chịu nhiều tác động từ các triệu chứng của rối loạn, cụ thể[48]: 1.3.4.1. Ngôn ngữ, giao tiếp

Trẻ tự kỷ thường có nhiều khó khăn trong việc tạo nên các câu có nghĩa mặc dù có thể có nhiều vốn từ. Đối với những trẻ có lời nói, những cuộc hội thoại của chúng cũng gặp khó khăn, có thể trẻ tự kỷ không quan tâm những gì mà người khác nghe. Trẻ còn hạn chế ở lãnh vực ngôn ngữ không lời, trẻ hiểu và diễn đạt ngôn ngữ bằng cử chỉ hạn chế.

Trẻ tự kỷ sơ sinh thường ít bập bẹ hoặc có ngôn ngữ khác thường. Một số trẻ phát ra những âm thanh không có ý nghĩa và mục đích. Đa số trẻ tự kỷ tồn tại chứng nhại lời (echolalia); trẻ sẽ nói lại những gì chúng vừa nghe được thay vì trả lời. Rất nhiều trẻ tự kỷ có chất giọng và âm điệu khác thường. Có khoảng 50% trẻ tự kỷ không phát triển được ngôn ngữ nói.

Trẻ RLPTK kém kỹ năng quan hệ xã hội. Là trẻ nhỏ thì ít khi cười hay chờ đợi khi được người lớn bế. Trẻ tự kỷ có thể dửng dưng và thờ ơ với những người thân như bố mẹ, anh chị em trong khi không có phản ứng gì với người lạ.

1.3.4.2. Nhận thức

Trẻ tự kỷ có thế mạnh về kỹ năng thị giác và không gian. Trẻ có RLPTK có thể rất quan tâm đến chữ số và chữ cái, ký tự và biểu tượng. Trẻ RLPTK không nhận thức được các trạng thái tình cảm của những người xung quanh. Trẻ tự kỷ không nhận ra được những động cơ, ý định, không phát triển được khả năng đồng cảm. Xuất phát từ sự thiếu hụt “thuyết tâm trí” (gọi là Theory of Mind - ToM), vì trẻ không có khả năng suy luận các hành vi có tính xã hội.

1.3.4.3. Trí tuệ

Có khoảng 70-75% trẻ RLPTK bị chậm phát triển tâm thần, trong đó có 30% ở mức nhẹ và vừa, khoảng 45% ở mức nặng. Nghiên cứu về dịch tễ và lâm sàng chỉ ra rằng nguy cơ tự kỷ càng cao khi chỉ số IQ càng thấp. Chỉ có 1/5 trẻ tự kỷ có trí thông minh ở mức bình thường. Phân tích chỉ số IQ của trẻ tự kỷ cho thấy trẻ tự kỷ gặp vấn đề nghiêm trọng trong kỹ năng lời nói nhưng có ưu thế ở vấn đề không gian hoặc trí nhớ làm việc.

1.3.4.4. Hành vi

Trẻ tự kỷ chơi đồ chơi và dùng đồ vật một cách máy móc và lặp đi lặp lại, rất ít và hiếm khi chơi biểu tượng hoặc giả vờ. Các hành động và trò chơi cứng nhắc, đơn điệu và lặp lại. Trẻ tự kỷ cứng nhắc và nghi thức trong nhiều hoạt động sinh hoạt. Trẻ có thể thích xoay, gõ và sắp xếp đồ vật thành hàng. Trẻ tự kỷ thường không thích sự thay đổi những đồ vật mà chúng đã quen thuộc. Ở nhiều trẻ tự kỷ, việc thay đổi thói quen, chỗ ở, món ăn,.. có thể làm trẻ sợ, bùng nổ.

1.3.4.5. Cơ thể

Trẻ tự kỷ cho thấy đáp ứng thái quá hoặc đáp ứng kém với một số kích thích cảm giác (ví dụ âm thanh, hoặc đụng chạm). Một số trẻ có ngưỡng đau hoặc xúc giác khác nhau. Một số trẻ tự kỷ thích âm thanh, một số khác thì thường xuyên tìm kiếm cảm giác tiền đình như xoay tròn, lung lay và di chuyển lên xuống.

Thường thấy trẻ tự kỷ kèm tăng động. Sự bùng nổ thường được quan sát thấy khi được kích thích bởi những sự thay đổi. Một số hành vi kém chú ý, khó tập trung, rối loạn giấc ngủ các vấn đề về ăn uống, đường tiêu hóa (ợ hơi, táo bón, co bóp ruột kém) và tiết niệu (đái dầm) cũng xuất hiện ở trẻ RLPTK.

Một phần của tài liệu NHẬN THỨC CỦA GIÁO VIÊN MẦM NON VỀ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ CỦA TRẺ TẠI THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)