Tiên Sa
Du khách săn ảnh “lệ đá”.
Nhờ vẻ đẹp độc đáo của bãi rêu Nam Ô thu hút nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh vào mùa rêu xanh.
Nhiều người từng đặt câu hỏi: Áo dài Việt Nam có từ bao giờ? Cũng có rất nhiều câu trả lời, nhưng dường như đến nay vẫn chưa có câu trả lời nào thực sự thỏa đáng. Nhưng theo sử sách ghi lại, áo dài Việt Nam có nguồn gốc từ hàng trăm năm trước. Ngay từ thời Hậu Lê, đã có kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam là áo trực lĩnh (cổ áo thẳng) và áo giao lĩnh (hay còn gọi là đối lĩnh, là một dạng khác của áo trực lĩnh). Áo giao lĩnh được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót, thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân.
Đến thời vua Gia Long (1802 – 1819), chiếc áo dài tứ thân được nâng cấp thành áo ngũ thân. Gọi là “ngũ thân” vì loại áo này được ghép bởi 5 vạt (5 thân) gồm 2 thân trước, 2 thân sau đối nhau ở trước ngực và sau lưng, thân thứ 5 ở phía trước nằm bên phải, trong thân thứ nhất. Ngũ thân là tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: Bốn thân áo vạt trước và vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con. Áo cũng có 5 nút, tượng trưng cho ngũ thường (nhân – nghĩa – lễ - trí – tín), ngũ luân (quân thần: vua – tôi; phụ tử: cha – con; phu phụ: chồng – vợ; huynh đệ: anh – em; bằng hữu: bạn bè). Mặc chiếc áo ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý.
Khi văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam, áo dài Việt Nam được cải biến nhiều lần. Năm 1939, họa sĩ Cát Tường cải biến từ ngũ thân vẽ ra kiểu áo dài Lemur (tên tiếng Pháp của họa sĩ). Áo được may ôm sát cơ thể, chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất, tay thẳng và có viền nhỏ, khuy áo được mở sang bên sườn nhằm nhấn thêm vẻ nữ
tính. Kiểu áo này thịnh hành đến năm 1943. Từ kiểu áo dài Lemur, họa sĩ Lê Phổ thu gọn kích thước để áo ôm khít thân hình người phụ nữ, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất, làm tăng thêm vẻ thu hút, gợi cảm và tinh tế. Sau đó họa sĩ bỏ hết những chi tiết ảnh hưởng phương Tây trên áo và thay thế bằng những chi tiết từ áo tứ thân. Đến những năm 1950, phong cách áo dài Việt Nam đã trở nên vô cùng nổi tiếng.
Năm 1960, nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo ra kiểu áo dài Raglan (còn gọi là áo giắc – lăng). Áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay áo từ cổ xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái hơn. Hai tà cũng được khép nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Kiểu áo dài này góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này.
Để bắt nhịp với thay đổi của đời sống xã hội hiện nay, các nhà thiết kế vẫn không ngừng sáng tạo ra những mẫu áo dài cách điệu để phù hợp hơn. Mặc dù không ngừng biến đổi từ kiểu dáng, màu sắc đến chất liệu … nhưng chiếc áo dài vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam, tôn vinh nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt. Trong từ điển tiếng Anh, áo dài Việt Nam vẫn được giữ nguyên là “Aodai”, chứng tỏ tính biểu trưng mạnh mẽ của loại trang phục truyền thống này. Tà áo dài với vẻ đẹp thanh khiết, dịu dàng, vừa kín đáo vừa quyến rũ, đã đi vào thơ ca, nhạc họa và là niềm cảm hứng vô tận của nghệ thuật. Trong tà áo dài truyền thống, người phụ nữ trở nên duyên dáng hơn, thanh lịch hơn, cuốn hút hơn. Gắn với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, áo dài là sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, tinh hoa văn hóa Việt, xứng đáng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Từ hàng trăm năm nay, chiếc áo dài truyền thống đã được coi như một trong những biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài không chỉ là một trang phục, mà còn lưu giữ nét đẹp của người phụ nữ Việt. Đó không chỉ là vẻ đẹp hình thức đầy nữ tính, mà còn thể hiện sự thiện lương, thanh thoát tự sâu trong tâm hồn.
Thu Hương