Theo thông tin từ Sở Công Thương Thanh Hóa, năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu (XK) của tỉnh vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Hàng hóa XK không chỉ tăng về lượng, mà cơ cấu thị trường, mặt hàng XK cũng đa dạng hơn. Trong số hơn 50 mặt hàng, nhóm mặt hàng XK đi 47 nước, vùng lãnh thổ có một số mặt hàng đạt giá trị lớn, như: dệt may đạt 1,585 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng giá trị kim ngạch XK; giày dép đạt 1,464 tỷ USD, chiếm 26,6% tổng giá trị kim ngạch XK; sản phẩm sau lọc hóa dầu (dầu nhiên liệu - oil, lưu huỳnh dạng hạt, Benzen, P-xylen, xăng máy bay) đạt 1 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng giá trị kim ngạch XK toàn tỉnh...
Đại diện Sở Công Thương cho biết: Các DN trong tỉnh đã tận dụng tốt cơ hội từ các FTA mang lại, nhất là các hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA. Để thúc đẩy hoạt động XK sang các thị trường này, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có nhiều giải pháp về tuyên truyền, phổ biến thông tin các hiệp định. Sở Công Thương cũng tổ chức các hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia nhằm trang bị cho doanh nghiệp những kiến thức liên quan đến các thị trường XK, biện pháp phòng vệ thương mại, tập huấn triển khai quy tắc xuất xứ theo hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kỹ năng đàm phán...
Số lượng doanh nghiệp XK sang các nước Việt Nam có ký FTA có những bước tăng trưởng mạnh, nhất là các nước thành viên CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Hiện nay, toàn tỉnh có 61 doanh nghiệp XK sang thị trường CPTPP, 52 doanh nghiệp XK sang thị trường EVFTA, 5 doanh nghiệp XK sang các nước thành viên UKVFTA. Kim ngạch XK hàng hóa sang thị trường thành viên CPTPP là 1,91 tỷ USD, kim ngạch XK hàng hóa sang thị trường thành viên EVFTA là 1,64 tỷ USD, kim ngạch XK hàng hóa sang thị trường thành viên UKVFTA là 0,33 tỷ USD.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Sở Công Thương, Việt Nam thực hiện các FTA
trong vị thế là thành viên có trình độ phát triển thấp hơn so với đa số các nước thành viên khác, vì vậy, các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng chịu sức ép mở cửa thị trường trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Bên cạnh đó, doanh nghiệp XK gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về các hàng rào kỹ thuật thương mại, như: quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn; yêu cầu về an toàn, chất lượng; yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu; các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn... nhất là đối với lĩnh vực dệt may và nông sản, thủy sản.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khá lớn, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; Tính chủ động của các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế
quốc tế chưa cao; chất lượng nông sản, thủy sản chưa bảo đảm nên năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế thấp; công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp chưa được triển khai trên diện rộng.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2022, cơ hội XK sẽ tốt hơn khi sau 2 năm đối mặt với những khó khăn của dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã có những thích ứng, thay đổi linh hoạt và đưa ra những sản phẩm chế biến phù hợp với nhu cầu thị trường. Từ ngày 1-1-2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng chính thức có hiệu lực, mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng mở rộng thị trường, đẩy mạnh XK, phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam đã và đang thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các khu vực, đối tác trên thế giới. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp Thanh Hóa nói riêng mở rộng thị trường, khai thác các ưu đãi, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Minh Hằng Khai thác hiệu quả các FTA