Tình hình nghiên cứu trên thế giới

Một phần của tài liệu NĂNG SUẤT SINH SẢN CỦA LỢN NÁI CÓ 1/4 GIỐNG VCN-MS15 VÀ SỨC SẢN XUẤT THỊT CỦA MỘT SỐ TỔ HỢP LỢN LAI CÓ 1/8 GIỐNG VCN-MS15. LUẬN ÁN TIẾN SĨ (Trang 32 - 38)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN

1.4.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới

1.4.1.1. Tình hình nghiên cứu và ứng dụng lai giống để nâng cao năng suất sinh sản của lợn nái

Sinh sản lợn nái là một trong những chỉ tiêu quan trọng đem lại lợi nhuận cho các trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm. Để giảm chi phí sản xuất, phát triển bền vững là thông qua việc tăng khả năng sinh sản của lợn nái. Các giống lợn nái là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản, ngoài các yếu tố ngoại cảnh như điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, thời tiết khí hậu (Knecht và cs., 2015) [128].

Để cải thiện di truyền về đặc điểm số lượng sinh sản của lợn nái có thể đạt được bằng cách chọn giống thuần chủng hoặc lai tạo. Tuy nhiên, hầu hết các tính trạng sinh sản của lợn đều có hệ số di truyền thấp nên hiệu quả chọn lọc khó đạt kết quả cao. Do đó, lai tạo là cách nhanh nhất để tăng số lợn con mỗi lứa. Đây là phương pháp được sử dụng để kết hợp các đặc điểm mong muốn của hai hoặc nhiều giống hoặc dòng lợn để tận dụng các ưu thế lai. Lai tạo các giống khác nhau ở lợn được áp dụng nhằm tăng cường khả năng sinh sản để làm thay đổi cấu trúc gen của quần thể để khai thác ưu thế lai.

Ở các nước có nền chăn nuôi phát triển, tùy theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ mà quyết định hệ thống sản xuất con giống khác nhau. Như ở Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha,… thị trường tiêu thụ thịt lợn chủ yếu dành cho thị trường thế giới, việc sản xuất

lợn thương phẩm dựa trên lai ba giống trên nền nái Landrace và Yorkshire. Trong khi đó ba quốc gia Bắc Âu (Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển) hai giống lợn Yorkshire và Landrace được sử dụng chủ yếu sản xuất nái lai (Hansson, 2003) [107]. Ở Trung Quốc, là quốc gia chăn nuôi lợn lớn nhất thế giới, lợn nái lai F1(Landrace × Yorkshire) là khá phổ biến (Xue và cs., 2018) [200].

Thiengpimol và cs (2017) [175], nghiên cứu hồ sơ sinh sản của 2.016 con lợn nái Landrace, 1.572 con lợn nái Yorkshire, 2.146 con lợn nái F1(Yorkshire × Landrace) và 1.581 con lợn nái F1(Landrace × Yorkshire) nuôi tại Thái Lan. Kết quả cho biết số lợn con sơ sinh, số con sơ sinh sống và khối lượng sơ sinh của lợn nái Landrace tương ứng là 11,66 con; 10,14 con và 1,55 kg và lợn nái Yorkshire tương ứng là 11,58 con; 10,03 con và 1,53 kg thấp hơn so với lợn nái F1(Yorkshire × Landrace) là 12,03 con; 10,56 con và 1,62 kg và lợn nái F1(Landrace × Yorkshire) là 12,17 con; 10,62 con và 1,61 kg. Nhóm tác giả cho rằng, sử dụng lợn nái Landrace làm nền nái lai có xu hướng tốt hơn vì có số lợn con sinh ra mỗi lứa và khối lượng cai sữa cao hơn so với Yorkshire. Tương tự, Vidović và cs (2010) [183] cho biết, khả năng sinh sản của lợn nái lai F1(Landrace × Yorkshire) và F1(Yorkshire × Landrace) có số con sơ sinh, số con còn sống sau 5 ngày tuổi và số lợn con còn sống sau cai sữa cao hơn so với lợn Landrace và Yorkshire. Lukač (2013) [138] kết luận rằng, lai hai và ba giống đều có tác dụng nâng cao các chỉ tiêu sinh sản như: số lợn con sinh ra mỗi lứa cao hơn so với giống thuần.

1.4.1.2. Tình hình nghiên cứu và ứng dụng lai giống nâng cao năng suất, chất lượng thịt

Những thay đổi trong ngành công nghiệp thịt lợn đang diễn ra trên toàn thế giới. Hệ thống sản xuất chuyên sâu và tăng năng suất, tỷ lệ nạc đã làm giảm chất lượng thịt cảm quan. Nghiên cứu được thực hiện trong những năm gần đây đã chứng minh rằng chất lượng thịt cảm quan có liên quan đến tỷ lệ mỡ giắt trong cơ thăn và các đặc điểm khác như khả năng giữ nước và pH thịt (Przybylski và cs., 2010) [150]. Tuy nhiên, sự gia tăng tỷ lệ mỡ giắt trong cơ thăn ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để ngành công nghiệp thịt lợn thành công, có nghĩa là thỏa mãn kỳ vọng của người tiêu dùng. Các nghiên cứu gần đây đã tiến hành không những trên các chỉ tiêu năng suất mà còn các chỉ tiêu về chất lượng thịt.

Khả năng sinh trưởng của lợn lai

Lai giữa 3 và 4 giống là hệ thống chủ yếu để sản xuất lợn thịt thương phẩm khá phổ biến ở một số nước có nền chăn nuôi phát triển (Choi và cs., 2014 [88]; Kusec và cs., 2005 [129]; Xue và cs., 2018 [200]). Põldvere và cs (2015) [149] cho biết, lợn lai 3 giống Duroc × (Yorkshire × Landrace) đạt khối lượng 112,49 kg ở 173,10 ngày tuổi và lợn lai (Duroc × Yorkshire) × (Yorkshire × Landrace) đạt khối lượng 114,32 kg ở 175,80 ngày tuổi; khả năng tăng khối lượng tương ứng là 651,33 g/ngày và 652,24 g/ngày. Kết quả nghiên cứu Lei và cs (2015) [132] cũng cho biết, lợn lai Duroc × (Landrace × Yorkshire) đạt khối lượng 105 kg ở 169 ngày tuổi, tăng khối lượng trong thời gian nuôi đạt 621,00 g/ngày.

Peinado và cs (2011) [147], khi nghiên cứu trên lợn lai (Pietrain × Yorkshire) × (Yorkshire × Landrace) khi giết thịt ở khối lượng 106 kg và 122 kg cho biết, ở hai mức khối lượng giết thịt thì khả năng tăng khối lượng lần lượt là 860,00 g/ngày và 841,00 g/ngày, hệ số chuyển hóa thức ăn tương ứng là 2,22 và 2,58.

Kết quả nghiên cứu của Kusec và cs (2005) [129], trên lợn lai 4 giống (Pietrain × Hampshire) × (Landrace × Yorkshire) đạt khối lượng 127,50 kg ở 179 ngày tuổi, tăng khối lượng trong thời gian nuôi đạt 879,00 g/ngày, hệ số chuyển hóa thức ăn đạt 2,50.

Năng suất và chất lượng thịt của lợn lai nuôi thịt

Giống Duroc được đánh giá là tăng trưởng nhanh và có tỷ lệ mỡ giắt trong cơ thăn cao nhất, đồng thời độ mềm của thịt và tính ngon miệng cao hơn các giống khác. Do đó, tổ hợp lai 3 giống với đực Duroc để sản xuất lợn thương phẩm là khá phổ biến hiện nay nhờ khả năng sinh trưởng cao và chất lượng thịt tốt (Jin và cs., 2005) [119]. Zhang và cs (2018) [204] cho biết, lợn lai Duroc × (Landrace × Yorkshire) có tỷ lệ mỡ giắt cao hơn và pH45 thấp hơn so với lợn lai F1(Landrace × Yorkshire) và lợn Landrace, Yorkshire. Van Laack và cs (2001) [182], đã dùng đực 3 giống khác nhau là Duroc, Berkshire và Hampshire lai với nái lai F1(Landrace × Yorkshire) cho biết, tổ hợp lai thương phẩm từ đực Duroc sở hữu phẩm chất thịt tốt nhất là giải pháp nhanh nhất cải thiện được độ mềm và tính thơm ngon của thịt nhờ tăng cao tỷ lệ mỡ giắt. Choi và cs (2016) [89], khi so sánh thành phần axít béo trong cơ thăn của giống lợn lai Landrace × (Yorkshire × Duroc) và các giống lợn thuần Landrace, Yorkshire, Duroc. Kết quả, hàm lượng axít palmitic (C16:0) ở lợn Duroc cao hơn đáng kể so với các giống thuần và lợn lai. Ngược lại, hàm lượng axít eicosenoic (C20:1) ở lợn lai cao hơn.

Tổng số SFA của lợn Duroc cao hơn so với các lợn lai và tỷ lệ USFA/SFA của lợn lai Landrace × (Yorkshire × Duroc) cao hơn so với lợn Duroc.

Giống lợn Pietrain được biết đến là giống có tỷ lệ nạc cao, là dòng đực cuối cùng khá phổ biến để sản xuất lợn thịt thương phẩm ở một số nước trên thế giới (Kušec và cs., 2004) [130]. Kaić và cs (2009) [121] công bố, tổ hợp lai 3 giống Pietrain × (Landrace × Yorkshire) có tỷ lệ thịt móc hàm đạt 77,84%, tỷ lệ nạc đạt 54,17%, dày mỡ lưng đạt 15,83 mm, diện tích cơ thăn đạt 45,26 cm2 và pH45, pH24 lầnlượt là 5,93; 5,46. Rybarczyk và cs (2011) [157], so sánh năng suất và chất lượng thịt của lợn lai thương phẩm trên nền nái F1(Yorkshire × Landrace) ở Cộng hòa Séc. Kết quả, cho thấy tỷ lệ nạc cao nhất (55,2%) và diện tích cơ thăn lớn nhất (49,83 cm2) ở nhóm sử dụng đực Pietrain so với nhóm dụng đực F1(Duroc × Pietrain) (52,7%; 44,86 cm2) và F1(Pietrain × Duroc) (52,8%; 43,90 cm2). Tuy nhiên, tỷ lệ mỡ giắt và dày mỡ lưng ở nhóm sử dụng đực F1(Duroc × Pietrain) (2,66%; 24,70 mm) và F1(Pietrain × Duroc) (2,74%; 23,80 mm) có xu hướng cao hơn nhóm sử dụng đực Pietrain (2,43%; 22,90 mm).

Lợn PIC của Anh được lai với năm dòng lợn tổng hợp, là một trong những giống lợn tốt nhất trên thế giới vì tăng khối lượng nhanh, tỷ lệ thịt nạc cao, vân mỡ trong cơ phân bố đều và năng suất sinh sản cao. Kết quả nghiên cứu của Lei và cs (2015) [132] cho thấy, lợn PIC ở thời điểm giết thịt 160 ngày tuổi có khối lượng đạt 108 kg, tỷ lệ thịt móc hàm đạt 74,60%, tỷ lệ nạc đạt 64,80%, diện tích cơ thăn đạt 42,32 cm2 và dày mỡ lưng trung bình đạt 22,40 mm. Lợn TOPIGS, được công ty chăn nuôi lợn lớn thứ hai thế giới (Holland International Company) của Hà Lan nuôi đầu tiên vào những năm 1960, có tăng khối lượng nhanh, tỷ lệ thịt nạc cao. Xue và cs (2018) [200] cho biết, không có sự khác biệt giữa thành phần hóa học, các giá trị cảm quan và thành phần axít béo của lợn lai PIC399 × (Landrace × Yorkshire) so với lợn lai Duroc × (Landrace × Yorkshire) và Duroc × (TOPIGS A × TOPIGS N).

Giống lợn Pakchong 5 của Thái Lan là một dòng lợn tổng hợp có 62,5% giống Duroc và 37,5% giống Pietrain có mức tăng khối lượng cao (850,00 g/ngày), hệ số chuyển hóa thức ăn thấp đạt 2,50 kg, dày mỡ lưng thấp đạt 10 mm và có diện tích mắt thịt đạt 37,00 cm2. Lertpatarakomol và cs (2019) [133] cho biết, tổ hợp lai Pakchong 5 × (Yorkshire × Landrace) có dày mỡ lưng đạt 22,27 mm và diện tích mắt thịt đạt 53,62 cm2 cao hơn so với tổ hợp lai Duroc × (Yorkshire × Landrace) có giá trị tương ứng 18,84 mm và 47,21 cm2. Các chỉ tiêu chất lượng thịt như giá trị pH45, pH24, màu sắc, tỷ lệ mất nước và thành phần hóa học của hai tổ hợp lai tương đương nhau.

Bên cạnh giống lợn hiện đại phổ biến hiện nay (Duroc, Pietrain, Yorkshire và Landrace) và các giống lai từ các giống này điều có mức sinh trưởng và tỷ lệ thịt nạc cao hơn so với các giống lợn bản địa. Tuy nhiên, các giống lợn bản địa có hàm lượng mỡ giắt cao hơn (Szulc và cs., 2012) [172]. Lợn bản địa có sự khác biệt nhất định về chất lượng thịt khi so sánh với lợn lai, đặc biệt ngọt hơn và săn hơn (Matoušek và cs., 2016) [141]. Giá trị pH cao hơn, tỷ lệ mất nước thấp hơn so với các giống lợn hiện đại (Kasprzyk và cs., 2015) [122]. Chính vì vậy, một số quốc gia trên thế giới hiện nay đã nghiên cứu và lai tạo các giống bản địa với các giống lợn hiện đại nhằm cải thiện các đặc điểm không mong muốn về chất lượng thịt. Kết quả nghiên cứu của Debrecéni và cs (2018) [92] cho biết, giống lợn bản địa Zlotnicka spotted của Ba Lan có giá trị pH45 cao hơn và tỷ lệ mất nước thấp hơn so với giống lợn Mangalitsa và F1(Mangalitsa × Duroc). Ở Thái Lan, lợn bản địa Thai Native được lai tạo với các giống lợn hiện đại để cải thiện các tính trạng năng suất thịt và chất lượng thịt. Glinoubol và cs (2015) [103] cho biết, năng suất của lợn lai F1(Pietrain × Thai Native) của Thái Lan thấp hơn so với lợn lai F1(Pietrain × Duroc). Tuy nhiên có giá trị pH45, pH24 và L* cao hơn so với lợn F1(Pietrain × Duroc). Tương tự, giống lợn Woori bản địa của Hàn Quốc cũng được lai tạo với các giống lợn hiện đại để cải thiện các tính trạng năng suất và chất lượng thịt. Kết quả nghiên cứu của Kim và cs (2018) [127] cho biết, tổ hợp lai Landrace × (Yorkshire × Woori) có tỷ lệ mỡ giắt, mất nước chế biến, giá trị a* và b* cao hơn so với tổ hợp lai Landrace × (Yorkshire × Duroc). Giống lợn bản địa Agu của Nhật Bản có ngoại hình tương tự như giống lợn bản địa của Trung Quốc, có dày mỡ lưng, tỷ lệ mỡ giắt và hàm lượng MUFA cao hơn, nhưng khả năng giữ nước, mất nước chế biến và hàm lượng PUFA thấp hơn so với tổ hợp lai Duroc × (Landrace × Yorkshire) (Touma và cs., 2017) [178].

Như vậy, trên thế giới không ngừng nghiên cứu lai tạo, tạo ra các giống, dòng theo các hướng sản xuất khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng tăng.

1.4.1.3. Tình hình nghiên cứu sử dụng giống lợn Meishan

Một trong những giống lợn Trung Quốc cũng đã được quan tâm nhất trong nhiều năm qua là giống lợn Meishan. Lợn Meishan đã được cho lai với lợn hiện đại sau đó tiến hành chọn lọc các dòng tổng hợp qua nhiều thế hệ dựa trên các giá trị kiểu hình trên các tính trạng về khả năng sinh sản, sinh trưởng và chất lượng thịt đã được nghiên cứu trong nhiều năm qua. Những năm gần đây, các chương trình lai giống có tỷ lệ

giống Meishan khác nhau vẫn đang được tiến hành nghiên cứu dựa trên quá trình chọn lọc kiểu hình kết hợp với chọn lọc dựa trên chỉ thị phân tử. Chương trình lai giống đã chỉ ra rằng ưu thế lai cao nhất ở thế hệ F1 khi sử dụng giống lợn Meishan cho lai với lợn hiện đại nhằm khai thác ưu thế lai về các tính trạng sinh sản, các tính trạng về khả năng sinh sản như số con sơ sinh còn sống/ổ không có sự sai khác so với giống lợn Meishan thuần hoặc thậm chí cao hơn. Như ở Pháp người ta đã dùng tỷ lệ 1/2 giống lợn Meishan trong công thức lai F1(Yorkshire × Meishan) có thể làm tăng 3,70 lợn con sơ sinh/ổ, tăng 3,50 lợn con cai sữa/ổ, giảm giá thành của lợn con cai sữa từ 25 - 30% so với nuôi lợn thuần bản địa Châu Âu (Hill và Web, 2002) [109].

Ở Trung Quốc, lợn Meishan được sử dụng khá phổ biến làm nái nền hoặc tạo nái lai để lai với các giống lợn ngoại như Landrace hoặc Duroc tạo ra lợn lai thương phẩm 2, 3 giống có năng suất thân thịt được cải thiện và chất lượng thịt tốt (Jiang và cs., 2012) [118]. Giống lợn Meishan cũng được dùng làm nguyên liệu để lai tạo giống mới. Giống lợn Sutai là sản phẩm của lai tạo giữa đực Duroc và nái Meishan, nó được dùng để lai với đực giống Landrace hoặc Yorkshire tạo lợn thương phẩm cho năng suất và chất lượng thịt cạnh tranh so với tổ hợp lợn lai 3 giống ngoại Duroc × (Landrace × Yorkshire) (Li, 2006) [134]. Wolter và cs (2000) [193] cho biết, nái lai có 1/4 giống Meishan có số con sơ sinh, số con còn sống, số con cai sữa cao hơn so với tổ hợp lai Landrace × (Duroc × Yorkshire). Young (1995) [201] đã nghiên cứu, đánh giá khả năng sản xuất của lợn nái lai có 1/2 giống Duroc, 1/2 giống Meishan, 1/2 giống Fengjing và 1/2 giống Minzhu. Kết quả cho biết, đối với lợn lai Trung Quốc có số con sơ sinh (11 - 12 con), số con sinh ra còn sống (10,70 - 11,30 con), số con cai sữa (9,70 - 10,40 con) so với lợn nái lai Duroc tương ứng (9,40; 8,60 và 7,90 con). Young (1998) [202] cho biết, lợn nái lai có 1/4 giống Meishan, 1/4 giống Fengjing và 1/4 Minzhu có tuổi thuần thục về tính sớm hơn, số con sơ sinh lớn hơn và cân nặng thấp hơn so với nái lai có 1/4 giống Duroc. Glinoubol và cs (2015) [104] cho rằng, lợn lai F1(Duroc × Meishan) có thể thay thế giống lợn lai F1(Pietrain × Thai Native) trong hệ thống sản xuất lợn thương phẩm ở Thái Lan.

Một phần của tài liệu NĂNG SUẤT SINH SẢN CỦA LỢN NÁI CÓ 1/4 GIỐNG VCN-MS15 VÀ SỨC SẢN XUẤT THỊT CỦA MỘT SỐ TỔ HỢP LỢN LAI CÓ 1/8 GIỐNG VCN-MS15. LUẬN ÁN TIẾN SĨ (Trang 32 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)