Bạn bè hàng xóm hỏi thăm thiếu phụ: “Nầy chị sao mùa màng của những người khác đều bị hư hoại, mùa màng của chị gặp năm dư nước, thiếu nước chị cũng không bị hư hại như của người khác, hình như là từ khi đầu mùa chị đã tiên đoán biết trước năm nào mưa dầm, năm nào nắng hạn vậy phải không? Hay là chị làm cách nào?”.
Thiếu phụ tỏ thật rằng:
- Tôi có cô bạn nữ Dạ Xoa, cô ta tiên đoán biết trước thời tiết mỗi năm mưa nhiều hay nắng nhiều, đều có nói cho chúng tôi hay, chúng tôi theo lời cô ta chỉ dẫn mà làm mùa, nhờ vậy năm nào chúng tôi cũng trúng. Vậy chứ bà con không thấy ngày ngày chúng tôi đem cơm cháo, bánh trái đi ra hay sao? Đó là những vật thực chúng tôi đem đến cung cấp cho cô ta vậy. Bà con muốn cậy cô ta chỉ biếu giùm cho, thì cứ đem vật thực ngon lành đến biếu cô ta là được chớ gì.
Khi ấy, cư dân trong thành tranh nhau mang lễ vật đến.
Từ đó về sau, nữ Dạ Xoa làm bà thầy hướng dẫn nông nghiệp cho mọi người, được cúng dường lợi lộc dồi dào và quy tụ rất đông tín đồ đệ tử.
Sau đó, bà ta có lập ra tám thứ thực phẩm do người bắt thăm dâng cúng (Salākabhattāni) và cái lệ này vẫn còn gìn giữ cho đến ngày nay.
Dịch Giả Cẩn Đề
Tranh chấp tranh quyền nghịch lẫn nhau, Giết con tình địch họa càng sâu.
Gà beo, lộn kiếp hai đời khổ,
Chằng, thú, bàng sanh mấy đọa sầu. Có oán nào từng vui đến trước, Thâm thù chỉ để hận về sau. Vâng lời Phật dạy: Từ, bi, xả, Cùng sống nương theo lý đạo mầu.
DỨT TÍCH NGƯỜI SANH LÀM NỮ DẠ XOA CHÚ GIẢI: CHÚ GIẢI:
I- Ngài Buddhaghosa, tác giả bộ Chú Giải Pháp Cú Kinh, là một Tỳ khưu ở xứ
Thaton, dòng dõi Bà la môn xuất gia theo Phật giáo vào thế kỷ thứ V, Ngài rất thông suốt Tam Tạng và được Phật giáo Nam Tông xem là một vị Thánh Tăng, đã có công chấn chỉnh Phật giáo suy đồi ở Tích Lan, hủy bỏ những kinh điển mà Ngài cho là không đúng đường lối của Đức Phật và có viết lại bằng Pāli những Bộ Chú Giải, nhất là bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) mà chư Tăng ngày nay lấy làm kinh chánh để tu học về GIỚI – ĐỊNH – TUỆ.
Tuy nhiên, gần đây có một số chư Tăng ở Thái Lan bắt đầu ngờ vực những công trình của Ngài. Vì lẽ, dòng dõi Bà la môn của Ngài bao giờ cũng có chủ tâm dẹp bỏ Phật giáo, hay ít nhất cũng hạ bệ Phật và sắp Ngài vào hàng dưới Phạm Thiên của họ,
Chú giải KINH PHÁP CÚ – Quyển 1 Trang 53
biết đâu chừng những kinh chính thống Phật giáo đã bị thiêu đốt và thay thế bằng những giáo lý lai Bà la môn?
(Lúc Đức Phật còn tại thế, Ngài không cho ghi chép kinh vì sợ tam sao thất bổn. Mấy tổ về sau giỏi chữ nghĩa văn chương nhất là các vị Bà la môn sẽ có thể thêm bớt làm sai lệch nguyên bổn, Ngài chỉ thuyết bằng tiếng Pāli, tiếng bình dân xứ Magadha, không có chữ Nam Phạn, chữ Bắc Phạn (Sanskrit) là của đạo Bà la môn, tuy hơi giống như tiếng Pāli, nhưng không phải là một thứ tiếng như tiếng Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc của xứ ta).
Trong quyển Legénde de Gautama, trang 372, có đoạn nói về Ngài, xin trích dịch ra dưới đây:
Người đầu tiên có công sưu tập một bản sao của Tam Tạng là Ngài Buddhaghosa, tu sĩ xứ Thaton, dòng Bà la môn, người này xuống thuyền ở Thaton, lúc bấy giờ ở ven biển gần đó, địa phương nầy nằm ở trong xứ Ramagnia và dân bổn xứ gọi là người Moun. Ngài đã đáp thuyền buồm đi Tích Lan trong năm 1.043 – 400 năm sau Dương Lịch. Dưới triều đại của vua Mahānāma. Ngài ở lại đảo ba năm viết (chép) Tam Tạng bằng chữ Miến Điện trên lá bối (lá buôn) theo các bản viết chữ Tích Lan. Ở một bản kinh khác, chúng tôi đọc thấy Ngài viết ra tiếng Pāli những bản kinh bằng tiếng Tích Lan. Ngài Buddhaghosa lưu lại xứ Tích Lan ba năm để hoàn thành công trình đã dự định. Trong thời gian Ngài ở đảo nầy, dân chúng rất hâm mộ kính mến Ngài, nên khi Ngài từ giã, họ dâng cúng Ngài rất nhiều vật dụng quý giá, Ngài mang về xứ Suvaṇṇabhūmi (Kim Thành), ở xứ Ramagnia nguyên bộ Tam Tạng.
II- Những phước báu dành cho tín đồ sau khi qua đời, đúng theo tỉ lệ của các
việc làm phước thiện của họ lúc còn sống. Các cõi trời tiếp theo cõi người, nhưng ở dưới mười sáu cõi dành cho các Phạm Thiên Hữu sắc, được mở ra tiếp đón các thiền tín tu, các dục lạc ở cõi chư thiên hoàn toàn thuộc loại cảm quan. Tất cả những gì con người có thể tưởng ra để làm thỏa mãn ngũ quan, được dồn trên các nhàn cảnh ấy và chư thiên ở cõi đó tha hồ mà hưởng thụ một cách tự do, rộng rãi. Thú vui bằng Ngũ trần thì không thể nào tả hết cho được, ta chỉ cần biết là: Ở cõi trời Dục giới phái tính vẫn còn. Trong hai cõi thấp nhất là Tứ Đại Thiên và Đao Lợi, sự hành dâm vẫn có giữa hai phái tính nhưng không có sự chửa đẻ, trong cõi Dạ Ma chư thiên nam và nữ chỉ ôm nhau hôn hít là đủ thỏa mãn tình dục, trong cõi Đâu suất hai bên chỉ nắm tay nhau, trong cõi Hóa Lạc vợ chồng chỉ nhìn mặt nhau. Và trong cõi Tha Hóa Tự Tại, hai người chỉ cần gặp nhau ở một nơi nào đó. Về phái tính trong Dục giới thiên, chúng ta có thể nhận thấy hai điểm:
A- Là dục lạc càng mất vẻ thô tục và càng trở nên thanh bai, tế nhị khi càng lên
cõi cao hơn. Hễ lúc còn sống, thiện tín làm phước càng thanh cao to lớn, thì sau đó sẽ được sanh lên cõi càng thanh cao và hưởng thụ được những cảnh vui tế nhị. Do đó, Đức Phật Gotama của chúng ta, trong tiền kiếp đã tạo nhiều giới đức tối cao nên được sanh lên cõi trời Đâu Suất (Tusita) là cõi trời dục thứ tư.
B- Thời gian thụ hưởng dục lạc cứ tăng gấp đôi từ cõi dưới thấp lên cõi trên kế
tiếp. Nghĩa là những thú vui ở cõi Đao Lợi được xem như thọ hưởng lâu hơn gấp đôi cõi Tứ Đại Thiên, cõi Dạ Ma thì gấp đôi cõi Đao Lợi, cứ như thế tăng dần cho đến cõi trời thứ sáu.
Chú giải KINH PHÁP CÚ – Quyển 1 Trang 54
Trong các bài pháp mà chư Tỳ khưu thuyết cho quần chúng nghe để khuyến khích họ tinh tấn, nhất là về hạnh bố thí, các Sư hết sức rộng rãi trong các lời hứa hẹn về phước báu ở trên nhàn cảnh, lấy đó làm một phương tiện mạnh mẽ để duy trì sự tinh tấn bố thí cúng dường của chư thiện tín, chư Tăng đã thành công rực rỡ trong các chương trình đã dự định. Đối với đại đa số thính giả, người ta không thể phủ nhận rằng: “Những Phật giáo đồ là những nạn nhân của sự gạt gẫm nầy”, đã trọn tin những lời thuyết của Pháp sư. Về vấn đề cõi trời Dục giới đó là đức tin chung trong đại chúng Phật giáo đồ, thỉnh thoảng người ta có thể gặp một số ít người phủ nhận các truyện ngụ ngôn ấy. Nhưng số ít nầy không được quan tâm lưu ý vì phần chính thống của Giáo hội xem họ như những người tự do tư tưởng, thuần lí luận (Vie de gandama trang 281).
Trường hợp cậu Maṭṭhakuṇḍali được vãng sanh lên cung trời Đao Lợi, không phải do làm phước hay giữ giới, mà chỉ giữ tâm trong sạch hướng đến Đức Phật là được như vậy.
Điều nầy mới nghe qua, như phản lại lời các Pháp sư thường ca tụng về pháp Bố thí và Trì giới, nhưng chính Đức Phật đã xác nhận và vị chư thiên Maṭṭhakuṇḍali là một bằng chứng: Chỉ bằng tâm trong sạch, dầu nói hoặc làm, hoặc nghĩ cũng được phước cả. Nguyên nhân tạo nghiệp là ý (mano). Ở nơi khác, Đức Phật còn dạy rằng tâm (tác ý) tức là nghiệp. Như cố Đại đức Hộ Tông đã từng giải bày thứ quả của tài thí đều do tâm cả, xin nhắc lại là:
1- Bố thí với sự mong mỏi phước báu thì sẽ được sinh lên cõi trời thấp nhất ( Tứ Đại Thiên).
2- Bố thí và nghĩ đến việc làm thiện thì sanh lên cõi trồ thứ hai (Đao Lợi). 3- Bố thí vì phong tục tập quán sẽ sanh lên cõi trời thứ ba là Dạ Ma. 4- Bố thí theo Phật giáo thì sẽ được sanh lên cõi trời thứ tư là Đâu Suất. 5- Bố thí bằng tâm vui thích thì sẽ sanh lên cõi trời thứ năm là Hóa Lạc.
6- Bố thí bằng tâm giúp cho người được an vui đầy đủ thì được sanh lên cõi trời thứ sáu là Tha Hóa Tự Tại.
7- Bố thí không cầu mong hưởng quả, chỉ để xả ly tham, sân, si, nhất là lòng bỏn xẻn thì được sanh lên cõi Phạm Thien (vì đã hết dục vọng).
Phần nhiều thiện tín không thích quả phước vô lậu của cách bố thí với tâm xả ly để sớm đạt được đạo quả Niết Bàn, mà chỉ bố thí để hồi hướng cho người đã quá vãng và để dành cho mình kiếp sau được hưởng quả. Ít người hiểu biết rành vì không được chư Tăng giải rành mạch, tận tường, là mình đã bố thí hết cả phần phước của mình trong khi đọc bài Phước căn… không chừa lại chút gì cả, mà còn đọc tiếp lời nguyện xả ly những phiền não tức là những dục vọng ham muốn, hưởng dục lạc ngũ trần trong ngày vị lai. Một lẽ nữa, là chư thiện tín hiểu lầm Niết Bàn là cõi tịch diệt, không không rỗng tuếch, đoạn diệt tất cả nên ngán sợ Niết Bàn.
Trong số chư Tăng có vị chưa nhận thức rằng, một Thánh nhân bậc thấp nhất, tuy nghèo xơ xác về mặt vật chất cũng không phải là người vô sản cùng đinh. Do lẽ đó, Đức Phật đã từng khuyên các hành giả: “Vị Tỳ khưu nên ở chỗ nào pháp dễ phát
Chú giải KINH PHÁP CÚ – Quyển 1 Trang 55
sanh mặc dù thiếu thốn vật thực” và Ngài cũng nhắc nhở các đệ tử: “Hãy là người thừa tự pháp, chớ đừng làm người thừa tự vật thực của Như Lai”.
Nhiều vị cư sĩ muốn xuất gia mà ngại thiếu thốn vật thực vật chất, không thể tu được nên ráng làm phước để dành làm hậu bị thực. Các vị quá sợ khổ như vậy, không thể nào dám Minh sát Khổ và nếu ráng học nhiều pháp thì chỉ biết cái khổ bằng lí thuyết suông. Vả lại đem hết tài sản bố thí cúng dường lớn lao trọng đại như ông Anāthapiṇḍika hay bà Visākhā, phước báu chẳng hơn gì người thợ hàng hoa Sumana được Phật thọ ký là Phật Độc Giác sau nầy.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật có giải về phước hữu lậu của Ngài đã làm trong kiếp còn là Bồ Tát Velāma nhiều vô số kể, nhưng so ra chẳng bằng một phần mười sáu của hành giả thấy Pháp Sanh Diệt, tức là Minh sát Khổ cho tới khi hết khổ, không còn tái sanh cái khổ, tức là chứng được pháp Vô Sanh (của cái khổ).
Sự tích cậu Maṭṭhakuṇḍali về lý thì giống như pháp niệm Phật A Di Đà của phái Tịnh Độ, nghĩa là nhờ tha lực bằng đức tin mãnh liệt nơi Đức Phật vào lúc lâm chung mà được siêu sanh, tuy nhiên chẳng phải dễ gì niệm tưởng Đức Phật trong khi từ giã cõi đời được, nếu không có sự trợ duyên.
Trong sách Quần Nghi Luận có kể mười trường hợp lâm chung không thể niệm Phật, xin chép ra đây:
1- Không gặp người trí thức nên không đi khuyên niệm Phật. 2- Nghiệp khổ buộc trong thân, không rảnh trí mà niệm Phật. 3- Trúng gió tắt tiếng, không xưng niệm hiệu Phật được. 4- Cuồng tâm loạn trí không thể niệm Phật được.
5- Chết chìm, chết thiêu không thể niệm Phật được.
6- Gặp nạn hùm, gấu mà không có ai nhắc niệm Phật được.
7- Gặp bạn ác khuyên điều tà, không tin Phật nên chẳng niệm được. 8- Ăn no quá độ rồi bị hôn mê mà chết nên không thể niệm Phật được. 9- Chết trong trận giặc không thể niệm Phật được.
10- Té xuống từ núi cao mà chết, không niệm Phật được.
Hành giả Minh sát Khổ thường xuyên giác ngộ lý Tứ Đế không sợ mê muội vào lúc lâm chung, dù không niệm Phật nhưng vẫn chánh niệm, giác tỉnh thì không bao giờ sa đọa xuống khổ cảnh. Nhưng hành giả không nên giải đãi dể duôi, mà phải bắt đầu cho sớm thành thói quen, đừng đợi tuổi già mới Minh sát Khổ.
Mạc đại lão lai phương quán khổ Cô phần đa thị thiếu niên nhân.