Trên cơ sở nghiên cứu tổng thể quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, có phân tích, so sánh, đối chiếu với pháp luật của các nước trên thế giới, đồng thời kết hợp với thực tiễn thực hiện các thủ tục hành chính, chúng tôi đưa ra các kiến nghị cụ thể như sau:
1. Bãi bỏ giấy phép khảo sát khoáng sản, tổ chức, cá nhân chỉ cần xin giấy phép thăm dò khoáng sản để tiến hành đồng thời hoạt động khảo sát và thăm dò khoáng sản.
2. Bỏ thủ tục phê duyệt trữ lượng khoáng sản, thay thế bằng biện pháp yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp tài liệu liên quan đến trữ lượng khoáng sản cùng với hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản để cơ quan cấp phép xem xét, thẩm tra hồ sơ và cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân
3. Thay thế thủ tục cấp Giấy phép chế biến khoáng sản hiện nay bằng thủ tục cấp phép theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư mà vẫn đảm bảo được các mục tiêu của Giấy phép chế biến khoáng sản.
Nếu các khuyến nghị nêu trên được chấp thuận, thì các thủ tục xin cấp phép trong hoạt động khoáng sản chỉ còn:
1. Thủ tục cấp phép thăm dò khoáng sản; 2. Thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản; 3. Thủ tục cấp phép khai thác tận thu.
Hình 5: Quy trình sửa đổi đối với xin phép của một doanh nghiệp chế biến khoáng sản từ hoạt động khai thác khoáng sản
Quy trình xin phép của một doanh nghiệp chế biến khoáng sản từ hoạt động khai thác khoáng sản tận thu sẽ chỉ còn một thủ tục duy nhất là “thủ tục xin khai thác tận thu”.
4. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản và giấy phép tận thu khoáng sản
4.1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp phép: Bộ Tài nguyên Môi trường và Uỷ ban Nhân dân hoặc Sở Tài nguyên-Môi trường các địa phương cần quy định cụ thể trong bộ tiêu chuẩn ISO về quy trình xử lý nghiệp vụ của cơ quan mình và công bố công khai tại trụ sở của các cơ quan liên quan, trên website hay tài liệu hướng dẫn thủ tục hành chính cho công dân. Và một trong những nội dung mà Bộ Tài nguyên Môi trường và các địa phương cần xây dựng là: thiết lập bộ phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục cho các tổ chức, cá nhân. Ngoài việc đến bộ phận một cửa, tổ chức, cá nhân không phải đến bất kì cơ quan nào khác để nộp hồ sơ và/hoặc giải quyết thủ tục.
4.2. Cơ quan thẩm định hồ sơ cấp phép liên quan: Nên quy định rõ “những cơ quan hữu quan” liên quan đến việc thẩm định hồ sơ cấp trong hoạt động khoáng sản. Theo ý kiến thu lượm được trong quá trình khảo sát, những cơ quan đó nên là:
o Bộ Tài nguyên Môi trường; o Bộ Kế hoạch và Đầu tư; o Bộ Tài chính;
o Bộ Công thương;
o Bộ Khoa học và Công nghệ; o Bộ Quốc phòng;
o UBND tỉnh địa phương nơi diễn ra hoạt động khoáng sản 4.2. Về trình tự, thủ tục cấp giấy phép:
a. Cần quy định cụ thể các trường hợp phức tạp cần xin ý kiến của các cơ quan hữu quan, cụ thể:
- Đối với giấy phép thăm dò khoáng sản, chỉ cần xin ý kiến ở các trường hợp sau: + Diện tích thăm dò dự kiến từ 100 km2 trở lên;
+ Hoạt động thăm dò ở khu vực gần với khu vực có các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình an ninh quốc phòng;
+ Hoạt động thăm dò diễn ra tại khu vực đông dân cư sinh sống và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
- Đối với Giấy phép khai thác khoáng sản: Cần xây dựng trường hợp phức tạp như căn cứ vào trữ lượng khoáng sản, loại khoáng sản, phương thức khai thác.
- Đối với giấy phép khai thác tận thu khoáng sản: Xác định trường hợp phức tạp căn cứ vào trữ lượng khoáng sản, loại khoáng sản hoặc trong đề án đóng cửa mỏ có đề xuất việc tiếp tục khai thác bình thường không phải là khai thác tận thu.
b. Quy trình và thủ tục xử lý đơn xin cấp phép cần được công khai và minh bạch để các nhà đầu tư nắm được tình hình xử lý hồ sơ của các cơ quan nhà nước có liên quan; đồng thời, cộng đồng dân cư tại khu vực dự định thăm dò và các nhóm xã hội dân sự có liên quan có thể có những ý kiến phản biện đối với đơn xin cấp giấy phép thăm dò để hoạt động thăm dò khoáng sản đạt được mục tiêu đã đề ra và hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân;
d. Xây dựng cơ chế một cửa liên thông giữa cơ quan tiếp nhận hồ sơ và cơ quan cấp phép.
e. Thực hiện cơ chế liên thông trong quy trình cấp phép, bao gồm: liên thông giữa thủ tục phê duyệt trữ lượng khoáng sản và thủ tục phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác khoáng sản với thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Theo đó cơ quan cấp Giấy phép sẽ đồng thời là cơ quan phê duyệt trữ lượng và
phê duyệt báo cáo; thời gian cấp Giấy phép sẽ bao gồm cả thời gian phê duyệt trữ lượng và phê duyệt báo cáo.
4.3. Hồ sơ cấp phép:
a. Quy định về thành phần hồ sơ cần phải cụ thể, ví dụ như: - Số lượng hồ sơ: 03 bộ hồ sơ, 01 bộ gốc và 02 bộ sao;
- Văn bản xác nhận tư cách pháp nhân (Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh hoặc Quyết định thành lập);
- Tài liệu chứng minh tư cách pháp lí của cá nhân (bản sao chứng thực Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực).
Những giấy tờ khác mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhà đầu tư phải cung cấp thì cần phải được quy định rõ.
Nên nghiêm cấm các hành vi yêu cầu nhà đầu tư phải bổ sung thêm các loại giấy tờ không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
b. Nên hướng dẫn hoặc quy định rõ về yêu cầu đối với nội dung bắt buộc phải có trong báo cáo nghiên cứu khả thi khai thác khoáng sản, khai thác tận thu khoáng sản.
c. Nên xây dựng mẫu đơn xin cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, mẫu các loại hồ sơ khác.
d. Chỉ yêu cầu tổ chức, cá nhân có bản cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác tận thu.
e. Chỉ yêu cầu tổ chức, cá nhân có phương án tổ chức khai thác tận thu và không cần thiết yêu cầu tổ chức, cá nhân theo mẫu được quy định.
f. Xây dựng cẩm nang rà soát nhanh những vấn đề cần phải xem xét trong hoạt động khai thác tận thu để giúp cho các cán bộ, công chức có thể đánh giá hồ sơ nhanh chóng.
4.4. Thời hạn giải quyết thủ tục hành chính:
Thời hạn cần phải được quy định rõ ràng cụ thể. Nghiêm cấm việc quy định thời hạn theo hướng “mở” để có thể kéo dài thời gian cấp phép.
Điều chỉnh lại thời hạn giải quyết thủ tục theo hướng: Giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trong quy định của pháp luật xuống, cụ thể đối với giấy phép thăm dò khoáng sản và khai thác khoáng sản thời hạn giải quyết thủ tục không quá 20 ngày làm việc, trường hợp phải xin ý kiến của các cơ quan hữu quan: không quá 30 ngày làm việc. Trong khoảng thời hạn này cơ quan cấp phép có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ, xin ý kiến của cơ quan hữu quan và cấp phép cho các tổ chức, cá nhân. Các cơ quan hữu quan có trách nhiệm trả
lời cơ quan cấp phép trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến. Nếu quá thời gian này mà các cơ quan hữu quan không có ý kiến trả lời thì xem như chấp thuận việc cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân xin cấp phép.
Đối với giấy phép khai thác tận thu khoáng sản thời hạn giải quyết thủ tục hành chính tối đa là 20 ngày làm việc (bao gồm cả thời hạn lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan). Các cơ quan hữu quan có trách nhiệm trả lời cơ quan cấp phép trong thời hạn 7 ngày làm việc.
4.5. Hiệu lực của giấy phép thăm dò khoáng sản:
a. Quyết định thời hạn có hiệu lực của giấy phép dựa trên yêu cầu của tổ chức, cá nhân xin cấp phép nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thăm dò khoáng sản;
b. Tăng thời hạn tối đa của giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp lần đầu lên mức không quá 3 năm và có thể được gia hạn một lần với mức thời gian không quá 3 năm.
4.6. Các vấn đề khác
a. Đối với giấy phép thăm dò khoáng sản:
- Tiền đặt cọc thăm dò khoáng sản: Bỏ quy định yêu cầu tổ chức cá nhân nộp tiền đặt cọc thăm dò khoáng sản hoặc ký quỹ tiền đặt cọc thăm dò khoáng sản.
- Diện tích thăm dò khoáng sản: Quy định diện tích thăm dò chung đối với tất cả giấy phép theo hướng quy định thời hạn tối thiểu và thời hạn tối đa, cụ thể: diện tích thăm dò không nhỏ hơn 1 km2 nhưng không vượt quá 200 km2.
b. Đối với Giấy phép khai thác khoáng sản:
- Sửa mẫu số 19 trong Thông tư số 01/2006/TT-BTNMT phần tên mỏ, trách nhiệm của tổ chức cá nhân theo hướng bổ sung quy định “nếu khai thác khoáng sản tại mỏ”;
- Nghiên cứu mở rộng thời gian “tiền khai thác” từ 6 tháng như hiện nay lên đến khoảng thời gian 2-4 năm.