6 Phương pháp nghiên cứu
3.2.3. Phong tục tập quán
Trên phương diện ảnh hưởng lên các phong tục tập quán bản xứ, điệu Silat Pulut là một truyền thống gắn liền với những buổi lễ thành hôn của người Mã Lai. Theo McQuaid (2012), Silat Pulut, bài đi quyền của Silat mà các Pesilat (võ sinh) phải thông thạo trong quá trình luyện tập bộ môn nghệ thuật này, được biểu diễn khi chú rể diện kiến gia đình của cô dâu trong ngày đám cưới hoặc khi cặp uyên ương cùng đến nhà trai. “Pulut” trong Silat Pulut có nghĩa là gạo nếp, đây cũng là lời giải cho chính cái tên của điệu múa truyền thống này. Đã từ rất lâu, các cặp trai gái sẽ được chúc phúc bởi những Pendekar (võ sư Silat) và từng Pesilat của họ vào ngày kết hôn của hai người. Đây cũng là minh chứng cho vị thế xã hội đáng kính trọng của người luyện tập bộ môn Silat lúc bấy giờ. Và sau mỗi lần biểu diễn, các Pendekar sẽ tặng những thúng gạo nếp như món quà tân hôn cho cô dâu chú rể cũng như là lời chúc gắn kết răng long đầu bạc.
Về lí thuyết, Silat Pulut có thể được phân tách ra bốn bộ di chuyển với từng ý nghĩa sâu sắc dành cho cặp đôi vừa cưới lẫn họ hàng đến chung vui:
• Salam Hormat – Sự tôn trọng
• Merestui Mempelai – Lời chúc phúc
• Perlindungan Mempelai – Vệ pháp (thần chú bảo vệ)
• Mencabar Sekeliling – Phô diễn kĩ thuật
Đường quyền của người biểu diễn tuyệt đối phải nhuần nhuyễn, uyển chuyển và không được phép mang theo bất kì năng lượng hung tợn nào trong lúc thi triển đường quyền. Silat Pulut đòi hỏi một sự tinh tế nhất định trong từng cử động cũng như sự tuân theo một số quy tắc bất di bất dịch – điều đã làm nên tính sắc sảo lẫn truyền thống của Silat Pulut. Ví dụ như việc khi biểu diễn, Pesilat không được quay lưng về phía cô dâu,chú rể hoặc không thể nhấc chân quá cao và nếu bộ pháp của người biểu diễn hướng về phía cặp đôi mới cưới bộc lộ ra sự hung hãn thì đấy bị xem là thiếu tôn trọng đối với không chỉ cô dâu chú rể mà còn là với truyền thống lâu đời này của Silat.