MỘT SỐ NÉT CƠ BẢN VỀ HỘ, NHÂN KHẨU, LAO ĐỘNG, ĐIỀU KIỆN SỐNG CỦA HỘ GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Một phần của tài liệu Bao cao TDT 2016 (Trang 30 - 32)

KIỆN SỐNG CỦA HỘ GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Số hộ, nhân khẩu thực tế thường trú

Tại thời điểm 01/7/2016, toàn tỉnh có 284.456 hộ gia đình, chia ra: Hộ Nông, lâm nghiệp và thủy sản 99.055 hộ chiếm 34,82%; hộ Công nghiệp xây dựng 83.840 hộ chiếm 29,47%; hộ Dịch vụ 76.719 hộ chiếm 26,97% và hộ khác 24.843 hộ chiếm 8,73%. Như vậy, cho thấy số hộ Nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, song đã có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Phân theo khu vực thì khu vực thành thị có 68.408 hộ chiếm 24,05%, khu vực nông thôn có 216.048 hộ chiếm 75,95%.

Số nhân khẩu thực tế của tỉnh có 1.039.368 người, trong đó ở khu vực thành thị có 231.488 người chiếm 22,27% và khu vực nông thôn 807.881 người chiếm 77,73%. Số nhân khẩu từ 15 tuổi trở lên có 762.133 người, trong đó khu vực thành thị có 171.474 người chiếm 22,5% và khu vực nông thôn có 590.660 người chiếm 77,5%. Số nhân khẩu từ 15 tuổi trở lên chiếm 73,33% dân số của tỉnh, đây là lực lượng lao động quan trọng của tỉnh.

2. Lao động

Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động của tỉnh có 546.353 người chiếm 52,57% số nhân khẩu thực tế thường trú của tỉnh, điều này cho thấy Vĩnh Phúc đang ở trong giai đoạn "dân số vàng" và lực lượng lao động của tỉnh đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Xét theo khu vực nông thôn, thành thị thì số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động được phân bố khá đồng đều giữa khu vực thành thị và nông thôn (thành thị chiếm 52,71%, nông thôn chiếm 52,50%). Điều này phản ánh mặc dù khu vực thành thị tập trung nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, sử dụng nhiều lao động nhưng lực lượng lao động làm việc ở thành thị lại sống và sinh hoạt ở nông thôn khá lớn. Đây là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao điều kiện sống ở nông thôn, cải thiện nguồn thu nhập lớn nhất của hộ gia đình và làm thay đổi cơ cấu loại hộ theo lao động chính.

Về trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất đạt được của số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động trên địa bàn tỉnh nhìn chung đã được cải thiện. Tuy vậy, tỷ lệ chưa qua đào tạo, đào tạo nhưng không có chứng chỉ vẫn còn chiếm một tỷ trọng cao, lần lượt là 56,28% và 18,08%. Số người đã qua đào tạo các bậc chuyên môn kỹ thuật được cấp chứng chỉ, bằng chiếm 25,64% tổng số tăng hơn những năm trước. Trong đó, số người được đào tạo từ bậc cao đẳng, đại học trở lên khá lớn, riêng đại học đã chiếm tới 6,63% tổng số (khu vực thành thị tỷ trọng này là 14,85%). Với tỷ trọng như vậy, bài toán đặt ra cho việc đào tạo nghề của tỉnh trong những năm tới là làm sao phải tăng số lao động được đào tạo đồng thời tập trung đào tạo những ngành nghề phù hợp tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Mặt khác, trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh cần cân đối giữa những ngành nghề sử dụng nhiều lao động với những ngành nghề sử dụng lao động có trình độ, tay nghề cao.

3. Nguồn thu lớn nhất của hộ gia đình

Tổng hợp kết quả điều tra cho thấy tại 01/7/2016 nguồn thu nhập lớn nhất của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có những sự thay đổi theo xu hướng phát triển của nền kinh tế. Nguồn thu lớn nhất của hộ từ các ngành nghề sản xuất kinh doanh phát triển như công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong khi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tuy sử dụng nhiều lao động song số hộ có nguồn thu lớn nhất từ lĩnh vực này lại có tỷ trọng thấp hơn các lĩnh vực khác.

Trong tổng số 284.456 hộ gia đình của tỉnh thì hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 33,72%; tuy vậy, tỷ trọng này ở khu vực nông thôn là 39,95% cao hơn ở khu vực thành thị. Điều này cho thấy số người lao động từ khu vực nông thôn tham gia vào lĩnh vực công nghiệp xây dựng có xu hướng tăng mặc dù hộ gia đình của họ vẫn sinh sống tại nông thôn. Ngược lại, tỷ trọng số hộ có nguồn thu lớn nhất từ thương nghiệp, vận tải, dịch vụ khác ở khu vực thành thị lại cao hơn khu vực nông thôn cho thấy các ngành dịch vụ tại thành thị phát triển mạnh hơn ở nông thôn, đây là kết quả của sự phát triển đô thị theo xu thế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, tại khu vực nông thôn, mặc dù số hộ gia đình có ngành nghề sản xuất chính là nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao (41,08%) song tỷ trọng nguồn thu cao nhất của số hộ này từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ là 32,94%. Điều này cho thấy không ít các hộ này có nguồn thu cao nhất từ các lĩnh vực khác, đây là kết quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở khu vực nông thôn, nông nghiệp.

Từ số liệu về nguồn thu lớn nhất của hộ gia đình trên địa bàn tỉnh cho thấy nền kinh tế của tỉnh đã phát triển theo đúng định hướng. Để nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, giảm sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị thì trong những năm tới cần tập trung phát triển sản xuất công nghiệp tại địa bàn nông thôn, trong đó chú trọng phát triển các ngành sản xuất kinh doanh thu hút nhiều lao động; Đồng thời phát triển các ngành dịch vụ, các khu du lịch sinh thái, làng nghề tại các địa bàn nông thôn có đủ điều kiện.

4. Đồ dùng lâu bền của hộ gia đình

Với sự phát triển của nền kinh tế xã hội của tỉnh đã đem lại thu nhập ngày càng tăng cho các hộ gia đình đã góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống của nhân dân. Từ đó nhu cầu về các tài sản, đồ dùng phục vụ cuộc sống của nhân dân, của các hộ gia đình ngày càng được nâng lên. Kết quả điều tra cho thấy tài sản, đồ dùng lâu bền của các hộ đang sử dụng tăng cao, nhất là các tài sản có giá trị lớn như ô tô, xe máy... Một số loại đồ dùng, phương tiện được các hộ sử dụng phổ biến cả đồng đều ở khu vực nông thôn, thành thị, mức độ bình quân đạt gần 1 tài sản/hộ như: xe máy, xe đạp điện, xe máy điện; ti vi; điện thoại di động; tủ lạnh, tủ đá... Một số loại tài sản khác được sử dụng tăng nhiều như ô tô 4,06% số hộ, điều hòa 25,22%, máy giặt 41,25%, bình nóng lạnh 49,86%. Đặc biệt, việc sử dụng mạng internet ngày càng được phổ biến, có tới 17,84% hộ gia đình sử dụng dịch vụ này. Từ các kết quả trên cho thấy đời sống của nhân dân, của các hộ gia đình đã được nâng cao cả về vật chất và tinh thần.

5. Thông tin về Đàn chó, mèo

Năm 2016, để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh; phục vụ công tác phòng dịch trong đàn gia súc, gia cầm của tỉnh; lần đầu tiên công tác điều tra thống kê về số lượng đàn chó, mèo được UBND tỉnh thực hiện. Việc tổ chức thực hiện được giao cho Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thông, nông nghiệp tỉnh thực hiện. Thực hiện nhiệm vụ này Ban chỉ đạo tỉnh đã tổ chức thu thập thêm chỉ tiêu chăn nuôi chó, mèo của toàn bộ hộ dân cư trên địa bàn. Kết quả tổng hợp cho thấy tại thời điểm 01/7/2016, toàn tỉnh có 261.281 con chó và 91.717 con mèo được các hộ gia đình nuôi. Đây là kết quả quan trọng để tỉnh làm căn cứ xây dựng kế hoạch tiêm phòng dại cho đàn chó mèo trên địa bàn. Tuy vậy, do số hộ nuôi chó mèo chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn nên công tác tiêm phòng còn gặp nhiều khó khăn. Để làm tốt công tác này, các cấp, các ngành chức năng cần tập trung làm tốt công công tác tuyên truyền, vận động người nuôi; trong đó chú trọng vào các địa phương có số hộ nuôi chó, mèo lớn.

Một phần của tài liệu Bao cao TDT 2016 (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(42 trang)