Kết cấu hạ tầng nông thôn

Một phần của tài liệu Bao cao TDT 2016 (Trang 32 - 34)

II. TÌNH HÌNH NÔNG THÔN, NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

1. Kết cấu hạ tầng nông thôn

Tại thời điểm 01/7/2016, toàn tỉnh có 137 xã, phường, thị trấn; trong đó có 112 xã với 1.090 thôn không có sự biến động so thời điểm 01/7/2011.

Mạng lưới điện đã được phủ rộng toàn bộ các khu vực trên địa bàn tỉnh

Điện khí hoá trên địa bàn tỉnh và khu vực nông thôn đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa vùng núi và đồng bằng. Trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu hết mạng lưới điện khu vực nông thôn đã được bàn giao cho ngành điện lực quản lý.

Hệ thống giao thông nông thôn có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng

Tính đến thời điểm 01/7/2016, 100% xã có đường ô tô từ trụ sở UBND huyện đến trụ sở UBND xã; giao thông nông thôn đảm bảo thường xuyên thông xuốt. Nhiều hệ thống đường được làm mới, nâng cấp đạt chuẩn cao.

Tiếp tục thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", hệ thống giao thông nông thôn đã được nâng cấp về chất lượng so với các năm trước. 100% đường giao thông từ trụ sở UBND huyện đến trụ sở UBND các xã được nhựa, bê tông hoá. 100% số thôn có đường ô tô đến trung tâm xã.

Hệ thống giao thông đến cấp thôn được chú trọng phát triển mạnh, đặc biệt trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường nông thôn, đường nội đồng nhiều xã đã được bê tông hóa. Sự phát triển của hệ thống giao thông nông thôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và đời sống của cư dân nông thôn.

Hệ thống trường học ở khu vực nông thôn được duy trì ổn định

Đến năm 2016, trên địa bàn tỉnh 100% số xã có trường tiểu học, trường Trung học cơ sở, tạo thuận lợi cho việc dạy và học của nhân dân các địa bàn nông thôn. Hệ thống trường Trung học phổ thông được xây dựng tại 100% huyện, thị, tuy nhiên số trường THPT chủ yếu đóng ở địa bàn thành thị; Hiện nay, toàn tỉnh có 14 xã có trường THPT đóng trên địa bàn tăng 1 xã so năm 2011. Việc các trường THPT đóng chủ yếu ở thành thị phần nào cũng ảnh hưởng tới việc đi học của học sinh tại các xã vùng núi, xã khó khăn tại nông thôn.

Cùng với sự phát triển của hệ thống trường học phổ thông tại cấp xã, các trường mẫu giáo, mầm non đã phát triển theo hướng gia tăng cả số trường công lập và dân lập, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 100% số xã có trường mẫu giáo, mầm non công lập.

Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa được tăng cường

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện. Kết quả đến nay toàn tỉnh có 95,54% số xã có nhà văn hóa xã tăng 35,72% so năm 2011; 95,69% số thôn có nhà văn hóa thôn; 83,93% xã có sân thể thao; 80,28% thôn có khu thể thao; 100% xã có hệ thống loa truyền thanh; 96,24% thôn có hệ thống loa truyền thanh. Các chỉ tiêu trên của tỉnh đều đạt cao hơn nhiều so cả nước và khu vực Đồng bằng Sông Hồng. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, phổ biến kiến thức qua sách báo được thực hiện khá tốt, toàn tỉnh 100% số xã có tủ sách pháp luật, 74,11% xã có thư viện (tăng 40,18% so năm 2011).

Hệ thống cơ sở y tế nông thôn tiếp tục được củng cố, phát triển

Đến năm 2016, toàn tỉnh có 112 xã có trạm y tế xã, đạt tỷ lệ 100% số xã; trong đó có 77 xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã theo tiêu chuẩn giai đoạn đến 2020. So với cả nước và khu vực Đồng bằng Sông Hồng tỷ lệ số xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã đều thấp hơn. Tỷ lệ thôn có cán bộ y tế thôn/cô đỡ thôn đạt 99,91% do thực hiện chính sách tăng cường cán bộ y tế/cô đỡ thôn nên tỷ lệ này tăng mạnh trong những năm gần đây.

Vệ sinh môi trường nông thôn đã từng bước được cải thiện

Tính đến thời điểm 01/7/2016 cả tỉnh có 81,25% số xã và 67,71% số thôn đã xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung, so với cả nước và khu vực Đồng bằng Sông Hồng các tỷ lệ này của tỉnh đều đat cao hơn. Những năm gần đây hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn đã được các địa phương quan tâm. Đến năm 2016, cả tỉnh có 96,43% số xã có tổ chức thu gom rác thải và 88,81% số thôn có tổ chức thu gom rác thải; điều này góp phần quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, cải thiện môi trường sống tại địa bàn nông thôn.

Hệ thống mạng lưới hỗ trợ sản xuất ở nông thôn được mở rộng

Đến năm 2016, cả tỉnh có 58,93% số xã có chợ (năm 2011 đạt 43,75%), so với cả nước và khu vực Đồng bằng Sông Hồng tỷ lệ xã có chợ của tỉnh thấp hơn do mật độ tập trung dân cư của tỉnh cao hơn, một số xã không có nhu cầu về chợ. Mạng lưới cửa hàng cung cấp giống, nguyên liệu, vật tư và thu mua sản phẩm NLTS cho người dân phát triển nhanh và tăng ở tất cả các huyện, thị, 100% số xã có cơ sở/cửa hàng. Điều này đã góp phần mở rộng giao thương, giúp bà con nông dân và người sản xuất tiêu thụ tốt sản phẩm làm ra. Cả tỉnh hiện có 12 xã có làng nghề chiếm 10,71% tổng số xã; một số làng nghề đi vào hoạt động có hiệu quả tốt song vẫn còn có làng nghề hoạt động hiệu quả chưa cao.

Một phần của tài liệu Bao cao TDT 2016 (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(42 trang)