Mối nguy hại cho cơ thể nếu có một chế độ ăn thiếu khoa học

Một phần của tài liệu Ebook Dinh dưỡng thực hành dự phòng một số bệnh không lây nhiễm: Phần 1 (Trang 26 - 29)

1. Dinh dưỡng và sức khỏe

1.3.Mối nguy hại cho cơ thể nếu có một chế độ ăn thiếu khoa học

chế độ ăn thiếu khoa học

Ngày nay, trên thế giới mỗi đêm có 820 triệu người đi ngủ với cái bụng đói do thiếu ăn. Năm 2018, có 1,3 tỷ người gặp vấn đề về an ninh thực phẩm ở mức độ vừa, tức là họ không thường xuyên được ăn đủ và ăn thực phẩm dinh dưỡng. Thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến ăn uống là nguyên nhân của khoảng 4 triệu ca tử vong trên toàn cầu hằng năm. Hiện tại có 2 tỷ người lớn và 40 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân; 670 triệu người lớn và 120 triệu trẻ em 5 - 19 tuổi bị béo phì. Suy dinh dưỡng ở tất cả các thể (thừa hay thiếu) mang gánh nặng về sức khỏe và kinh tế cho mỗi cá thể, mỗi gia đình và cả xã hội.

Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng có thể xảy ra cấp tính (chủ yếu do thiên tai hoặc bệnh dịch) hoặc mạn tính (kéo dài do thiếu ăn hoặc bệnh tật mà nguyên nhân gián tiếp là do thiếu an ninh thực phẩm tại hộ gia đình, thiếu kiến thức, thiếu chăm sóc, thiếu dịch vụ y tế và vệ sinh môi trường). Thiếu dinh dưỡng cấp tính ảnh hưởng đến các chức năng sống của cơ thể, đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh, bệnh thường ở mức độ nặng hơn, lâu hồi phục hơn và có khả năng tử vong cao hơn. Trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính có nguy cơ tử vong cao hơn từ 9 đến 20 lần so với trẻ có tình trạng dinh dưỡng tốt. Một số vi chất dinh dưỡng nếu thiếu cấp tính có thể dẫn đến các bệnh cảnh đặc thù như Scorbut (do thiếu vitamin C), Beriberi (do thiếu vitamin B1), quáng gà/tổn thương giác mạc (do thiếu vitamin A), hay bướu cổ (do thiếu iot). Thiếu dinh dưỡng mạn tính, đặc biệt là trong giai đoạn 1000 ngày đầu đời (từ khi người mẹ mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi) sẽ dẫn đến ảnh hưởng phát triển thể chất (chiều cao khi trưởng thành) và trí tuệ (sự hoàn thiện của não bộ) mà không thể bù đắp lại được. Khi trẻ được 2 tuổi, chiều cao của trẻ bằng 50% chiều cao khi trưởng thành và não phát triển đến 80% về trọng lượng và cấu trúc. Thiếu dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời, nhất là trong thời kỳ bào thai có thể

dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành.

Thừa dinh dưỡng hay nói đúng hơn là dinh dưỡng không cân đối và hợp lý là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không lây. Thừa dinh dưỡng thường xảy ra đối với việc ăn quá nhiều chất sinh năng lượng, bao gồm glucid hay chất bột đường, lipid hay chất béo và protein hay chất đạm. Khi cơ thể tiêu thụ các chất sinh năng lượng vượt quá so với nhu cầu khuyến nghị hoặc sự mất cân đối quá mức giữa các chất sinh năng lượng này sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa hấp thu, tăng khả năng tích lũy mỡ, tăng tình trạng thừa cân, béo phì, kháng insulin và hậu quả là dễ bị mắc các bệnh mạn tính không lây như đái tháo đường, tim mạch, ung thư,...

Thừa và thiếu dinh dưỡng có thể cùng tồn tại ở trong cùng một cộng đồng, thậm chí trong cùng một gia đình và ở cùng một cá thể (một đứa trẻ có thể vừa thấp còi vừa béo phì). Thiếu dinh dưỡng vẫn là những vấn đề sức khỏe cộng đồng ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và tồn tại cả những thể nặng. Trong khi đó ở các nước thu nhập cao và trung bình thì đang quan ngại về các bệnh mạn tính không lây và nghiễm nhiên coi vấn đề thừa ăn là chính và

quên đi rằng thiếu ăn vẫn diễn ra ở những nhóm cư dân yếu thế, có thu nhập thấp trong xã hội do phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ hơn.

Một phần của tài liệu Ebook Dinh dưỡng thực hành dự phòng một số bệnh không lây nhiễm: Phần 1 (Trang 26 - 29)