Chế độ ăn uống giúp cơ thể khỏe mạnh và hạn chế bệnh tật

Một phần của tài liệu Ebook Dinh dưỡng thực hành dự phòng một số bệnh không lây nhiễm: Phần 1 (Trang 29 - 31)

1. Dinh dưỡng và sức khỏe

1.4. Chế độ ăn uống giúp cơ thể khỏe mạnh và hạn chế bệnh tật

và hạn chế bệnh tật

Trước đây, chế độ ăn hợp lý chỉ yêu cầu là đủ (đủ năng lượng, đủ các chất dinh dưỡng). Với sự tiến bộ của xã hội, đời sống cao hơn thì nhu cầu con người đòi hỏi phải được ăn ngon, ăn sạch (bảo đảm vệ sinh). Ngày nay, với sự gia tăng của thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm cùng với sự thay đổi của hệ thống thực phẩm khiến con người chuyển từ chế độ ăn thực phẩm tự nhiên sang chế độ ăn công nghiệp, ăn thức ăn nhanh, dựa vào các thực phẩm chế biến sẵn, người ta đề cập đến chế độ ăn uống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe và phòng, chống bệnh tật. Chế độ ăn uống lành mạnh được khuyến nghị để mỗi người dân trở thành một người tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn thực phẩm và kết hợp để tạo ra cho bản thân mình một chế độ ăn phù hợp nhất theo khoa học. Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương thực Thế giới, chế độ ăn uống lành mạnh có những đặc điểm sau:

- Cần bắt đầu sớm trong cuộc đời của mỗi người với việc nuôi dưỡng tốt bào thai, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến hai

tuổi hoặc lâu hơn cùng với ăn bổ sung hợp lý. Chăm sóc dinh dưỡng toàn diện 1000 ngày đầu đời của trẻ.

- Dựa trên các thực phẩm tự nhiên đa dạng, cân đối các nhóm thực phẩm, hạn chế thực phẩm và nước uống chế biến sẵn.

- Tăng cường ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, các loại hạt và nhiều rau quả.

- Ăn có mức độ các thực phẩm như trứng, sữa, gia cầm, cá và lượng nhỏ thịt đỏ.

- Ăn đủ (không vượt quá) nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng để tăng trưởng và phát triển, đáp ứng nhu cầu cho một cuộc sống năng động và lành mạnh trong cả vòng đời.

- Tuân theo các hướng dẫn của WHO để giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến chế độ ăn:

+ Giữ tổng lượng chất béo dưới 30% tổng số năng lượng tiêu thụ, với sự thay đổi trong tiêu thụ chất béo chuyển từ chất béo bão hòa sang chất béo không bão hòa và hướng tới việc loại bỏ chất béo chuyển hóa công nghiệp. Chất béo không bão hòa có trong cá, quả bơ và các loại hạt (hạt hướng dương, đậu tương, oliu) thì tốt hơn chất béo bão hòa (trong thịt, bơ, dầu cọ, dầu dừa, kem tươi, phomat, mỡ động vật) và chất béo chuyển hóa các loại, bao gồm cả chất béo được tạo ra trong sản xuất công nghiệp (có trong các thực phẩm nướng, chiên rán, các loại

thực phẩm, đồ ăn vặt đóng gói sẵn như bim bim, bánh quy, bánh xốp,...) và chất béo từ thịt các động vật gia súc lớn, chất béo từ chế phẩm sữa bò, cừu.

+ Hạn chế lượng đường tự do dưới 10% (hoặc thậm chí dưới 5%) tổng năng lượng đầu vào. Cụ thể là dưới 50 g/ngày (tốt nhất là dưới 25 g/ngày). Đường tự do (gồm đường đôi như sucrose, maltose; đường đơn như glucose, fructose) là những loại đường được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống bởi nhà sản xuất, trong quá trình pha chế và chế biến đồ ăn/uống, cũng như là đường tự nhiên có trong mật ong, các loạt mật, siro, nước trái cây tươi và nước trái cây cô đặc.

+ Giữ lượng muối dưới 5 g/ngày. Nên sử dụng muối iot.

- Hạn chế đến mức thấp nhất có thể các tác nhân gây bệnh, độc tố hoặc các yếu tố khác có thể gây bệnh từ thực phẩm (như độc tố vi nấm aflatoxin - có trong lạc mốc, dư lượng kháng sinh - có trong rau, củ, quả hoặc các loại thịt gia súc, gia cầm, hải sản...).

Một phần của tài liệu Ebook Dinh dưỡng thực hành dự phòng một số bệnh không lây nhiễm: Phần 1 (Trang 29 - 31)