Một số đề xuất cụ thể khi Việt Nam tham gia vào việc giải quyết tranh chấp tạ

Một phần của tài liệu Đề tài: Phân tích vụ kiện chống bán phá giá đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polymer từ propylen có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Vương quốc Thái Lan và Malaixia (Trang 29 - 33)

WTO về chống bán phá giá với tư cách là nguyên đơn, bị đơn và bên thứ ba.

Đối với việc giải quyết các tranh chấp tại WTO về chống BPG trong từng trường hợp Việt Nam tham gia với tư cách nguyên đơn, bị đơn hay bên thứ ba, theo tác giả, ngoài các biện pháp chung nói trên, Việt Nam cần tiến hành đồng bộ với các giải pháp sau đây để có được sự chủ động và tích cực trong việc giải quyết tranh chấp, cụ thể:

3.3.2.1. Trường hợp Việt Nam là nguyên đơn trong các vụ tranh chấp tại WTO về chống bán phá giá

Khi chủ động khởi kiện với tư cách là nguyên đơn, Việt Nam cần:

- Một là, xác định đúng phạm vi và thời điểm khởi kiện, lựa chọn đúng và trúng vấn đề. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các tranh chấp về chống BPG khi các qui định của WTO đã giới hạn phạm vi các tranh chấp có thể được giải quyết tại DSB. Trong đơn yêu cầu thành lập Ban hội thẩm, phía Việt Nam cần xác định rõ vấn đề khởi kiện chỉ được liên quan tới một trong bốn trong vấn đề sau: (i) thuế chống BPG chính thức; (ii) sự chấp thuận một biện pháp cam kết giá; (iii) biện pháp tạm thời; (iv) sự không phù hợp trong các quy định pháp luật của một thành viên với nội dung của ADA.

- Hai là, chú trọng và sử dụng việc tham vấn một cách có hiệu quả hơn. Khi Việt Nam muốn tiến hành tham vấn thì phải gửi yêu cầu tham vấn bằng văn bản tới thành viên được yêu cầu, đồng thời phải gửi một bản sao tới DSB và tới các Hội đồng và Ủy ban liên quan của WTO.

- Ba là, chuẩn bị tích cực và trọng tâm cho việc giải quyết tranh chấp tại giai đoạn hội thẩm, trước hết là ở bước chuẩn bị đơn yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Yêu cầu thành lập Ban hội thẩm phải được lập thành văn bản, trong đó, ngoài nội dung trình bày về việc đã tiến hành tham vấn, thì đơn yêu cầu còn phải nêu rõ các biện pháp cụ thể đang được bàn cãi và đưa ra một sự tóm tắt ngắn gọn về các căn cứ pháp lý, chính là các điều khoản tham chiếu, của đơn kiện đủ để trình bày các vấn đề một cách rõ ràng.

- Bốn là, chuẩn bị từ trước và tính tới khả năng chủ động kháng cáo, khi cần, và khả năng báo cáo của Ban hội thẩm bị kháng cáo để có thể theo đuổi vụ kiện cho tới khi giành được chiến thắng cuối cùng. Việt Nam cần có một chiến lược cụ thể đối với vụ kiện và khả năng điều chỉnh cả những khía cạnh pháp lý và phi pháp lý trong tiến trình giải quyết tranh chấp tại WTO.

- Năm là, chủ động xây dựng phương án kiểm soát việc thực thi quyết định của DSB đối với bên thua kiện, trong trường hợp Việt Nam giành được chiến thắng. Bên cạnh

đó, Việt Nam cũng phải tính tới cả phương án đề xuất và sẵn sàng sử dụng các biện pháp trả đũa, khi cần, trong trường hợp bên thua kiện không thực thi quyết định của DSB theo đúng qui định.

- Sáu là, tích cực chuẩn bị cả về tài chính, nhân lực cho một chặng đường dài theo đuổi vụ kiện, chủ động trong các phần trình bày và tranh luận tại các cuộc họp của Ban hội thẩm, phân tích, nhận định được các tình huống và dự đoán được các yêu cầu, đề xuất của bị đơn để có thể đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp, nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho Việt Nam. Bởi lẽ, trong các vụ tranh chấp về chống BPG tại WTO, bị đơn dường như muốn kéo dài vụ kiện pháp lý với nguyên đơn là thành viên đang phát triển để khiến cho đối thủ phải tốn nhiều chi phí hơn nếu muốn giành được lợi thế trong cuộc chiến pháp lý này.

3.3.2.2. Trường hợp Việt Nam là bị đơn trong các vụ tranh chấp về chống bán phá giá

Việt Nam có thể rút ra bài học từ những vụ chống bán phá giá đó là nên tự bảo vệ mình bằng những lý lẽ chứng minh đầy thuyết phục ngay từ đầu, hơn là trông chờ vào các luật sư với những lập luận thông minh sau khi đã có khiếu kiện. Ngăn chặn một khiếu kiện sẽ tốt hơn nhiều so với việc chống lại nó.

**Thứ nhất là, để phòng tránh việc có thể bị kiện trong những vụ tranh chấp về chống BPG tại WTO, phía Việt Nam cũng cần tiến hành một số giải pháp cụ thể sau đây:

Một là, thường xuyên rà soát quá trình thực thi ADA và pháp luật về chống BPG hàng nhập khẩu của Việt Nam theo định kỳ hoặc đột xuất để đảm bảo sự phù hợp của pháp luật Việt Nam với các quy định của ADA, tránh các trường hợp bị kiện về sự không phù hợp của pháp luật Việt Nam với ADA, đồng thời đánh giá rủi ro trong trường hợp bị kiện về sự không phù hợp này.

Hai là, tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện pháp luật và DSM của WTO, bao gồm cả những vấn đề liên quan tới việc giải quyết tranh chấp về chống BPG. Việt Nam cần thể hiện quan điểm, chủ động xây dựng và đệ trình các đề xuất lên WTO cũng như cần tích cực tham gia vào các vòng đàm phán trong tương lai và ủng hộ những cải tiến hợp lý. Ví dụ như, Trung Quốc, thường xuyên đưa ra các đề xuất về sửa đổi ADA trong các vòng đàm phán gần đây. Các đề xuất của Trung Quốc, dù đại diện nhiều cho lợi ích quốc gia, nhưng nhìn chung cũng đã phản ánh được quyền lợi của thành viên đang phát triển khác, nên nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng thời, từ đó, cũng đã tạo được sức ép nhất định tới một số thành viên phát triển trong WTO, trong đó có Hoa Kỳ.

Ba là, mạnh dạn sử dụng trên thực tế công cụ chống BPG đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài một cách chủ động, một mặt vừa chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời, thể hiện lập trường, quan điểm và thái độ của Việt Nam đối với vấn đề chống BPG.

**Thứ hai là, trong trường hợp Việt Nam bị kiện ra WTO liên quan tới một vụ tranh chấp về chống BPG thì Việt Nam cần:

Một là, sẵn sàng tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp trong trường hợp bị kiện. Việt Nam cần có sự chuẩn bị chu đáo cả về tài chính, nhân lực, tâm lý, tài liệu, tình

huống giả định và phương án đối phó, cũng như sử dụng hiệu quả các phương thức hỗ trợ khác bao gồm cả vận động hành lang nếu bị kiện.

Hai là, tận dụng tất cả các quyền mà bị đơn được tiến hành trong trình tự giải quyết tranh chấp tại WTO; kéo dài tối đa thời hạn giải quyết tranh chấp, nếu cần, ví dụ như, kéo dài quá trình lựa chọn thành phần Ban hội thẩm hoặc đưa ra yêu cầu về thành phần Ban hội thẩm trong các vụ tranh chấp giữa một bên là thành viên phát triển và một bên là thành viên đang phát triển theo Điều 8.10 của ADA; đồng thời, tranh thủ thời gian để thương lượng, nếu không được thì gây sức ép hoặc nhanh chóng hoàn thành vụ điều tra chống BPG đang được tiến hành trong nước.

Ba là, chuẩn bị phương án thực thi quyết định của DSB một cách hợp lý nhất trong trường hợp Việt Nam thua kiện. Thông thường, nếu biện pháp mà Việt Nam đã áp dụng được yêu cầu là phải được điều chỉnh để phù hợp với quy định của WTO, thì cách đơn giản nhất là bãi bỏ biện pháp đang áp dụng đó. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi quyết định của DSB trong những tranh chấp về chống BPG tại WTO đã cho thấy, các bên thua kiện thường không hủy mà họ lại sử dụng một cách thức khác, phổ biến hơn, đó là, họ sẽ tiến hành việc xác định lại nhằm đảm bảo biện pháp sau khi được điều chỉnh này sẽ phù hợp với các khuyến nghị của DSB.

3.3.2.3. Trường hợp Việt Nam tham gia với tư cách là bên thứ ba trong các vụ tranh chấp về chống bán phá giá

Đối với Việt Nam và các thành viên đang phát triển khác, việc tham gia với tư cách là bên thứ ba sẽ mang lại rất nhiều lợi ích và bài học kinh nghiệm cho việc giải quyết tranh chấp tại WTO. Để thực sự tận dụng được cơ hội tham gia với tư cách là bên thứ ba, phía Việt Nam cần:

Một là, tham gia với một thái độ nghiêm túc, tích cực, coi đó là một trải nghiệm thực sự như các bên tranh chấp, chứ không phải chỉ là những “cuộc dạo chơi” mà không có bất kỳ sự ràng buộc nào. So với các bên tranh chấp, phạm vi tham gia của một bên thứ ba và nguồn lực mà bên thứ ba cần bỏ ra (bao gồm cả nguồn lực tài chính và nhân lực) ở một mức độ vừa phải, phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của các thành viên đang phát triển và Việt Nam;

Hai là, thành lập các nhóm chuyên gia và/ hoặc luật sư, kể cả các luật sư của các hãng luật tư trong nước, đại diện cho Việt Nam trong các vụ tranh chấp mà Việt Nam tham gia với tư cách là bên thứ ba và cần có một chiến lược tham gia hiệu quả. Đây chính là “cơ hội tập dượt” rất tốt cho đội ngũ chuyên gia và luật sư trong nước.

Ba là, thực hiện tốt công tác báo cáo, cập nhật thông tin về các đối tác và rút ra những bài học và kinh nghiệm cho Việt Nam qua từng vụ tranh chấp về chống BPG mà Việt Nam tham gia với tư cách bên thứ ba.

KẾT LUẬN

Như vậy ta có thể thấy càng hội nhập kinh tế thì càng có những vấn đề đi kèm theo nó.Và cụ thể là vấn đề chống bán phá giá.Qua vụ kiện trên,ta có thể thấy được Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong quá trình chống bán phá giá.

Vấn đề chống bán phá giá hàng nhập khẩu hiện nay vẫn còn tương đối mới mẻ với các doanh nghiệp, ngành sản xuất và cơ quan quản lý Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam lại là một thị trường lớn, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, năng lực sản xuất và công nghệ còn hạn chế, vấn đề bán phá giá do đó sẽ trở lên phổ biến hơn. Việc sử dụng chiến lược bán phá giá của nước ngoài sẽ đe dọa và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của ngành sản xuất trong nước, cũng như việc làm của người lao động và lâu dài là quyền lợi của người tiêu dùng nội địa. Do đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp, tổ chức, các nhà sản xuất trong nước cần sớm nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chống bán phá giá hàng nhập khẩu, để đưa ra những giải pháp và biện pháp đối phó, chủ động với mọi tình huống có thể sẽ xảy ra. Cơ quan quản lý nhà nước nói chung và Cục Quản lý cạnh tranh nói riêng cần tích cực hoàn thiện hệ thống luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau và giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước nhằm kịp thời phát hiện, kiểm soát và xử lý đối với hàng hóa nhập khẩu bán phá giá trên thị trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Cục Phòng vệ thương mại 2.Quyết định 880/QĐ – BCT 3.Quyết định 1900/QĐ – BCT

Một phần của tài liệu Đề tài: Phân tích vụ kiện chống bán phá giá đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polymer từ propylen có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Vương quốc Thái Lan và Malaixia (Trang 29 - 33)