Những mặt hạn chế

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố huế, tỉnh thừa thiên huế (Trang 76 - 78)

7. Kết cấu của luận văn

2.4.2.Những mặt hạn chế

Thứ nhất, về các chế độ BHXH tự nguyện

Các chế độ mà BHXH tự nguyện được hưởng còn ít so với chế độ BHXH bắt buộc, người tham gia không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động; BHXH tự nguyện chưa đáp ứng được nhu cầu mà người lao động mong muốn; thời gian để hưởng chế độ còn dài vì vậy chưa tạo được sự hấp dẫn cho người lao động.

Thứ hai, về mức đóng BHXH tự nguyện

Người lao động khu vực phi chính thức thường làm việc tự do, thu nhập thấp và không ổn định nên mức đóng hiện nay là khá cao so với khả năng tài chính của họ. Việc có thể trích ra một khoản tiền để tham gia BHXH tự nguyện là điều vô cùng khó khăn. Mặc khác, người dân luôn có tâm lý chung là muốn đóng ít lại được hưởng nhiều, chính vì những lý do đó mà phần lớn ý kiến của người dân cho là mức đóng BHXH tự nguyện hiện tại là cao và mức hưởng lại thấp. Điều này ảnh hưởng tới tâm lý của người tham gia, bởi lẽ với mức đóng cao và mức hưởng thấp sẽ không tạo động lực để người tham gia mặn mà với BHXH tự nguyện khi mà họ cảm thấy không có nhiều lợi ích, do đó cũng không quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện.

Thứ ba, về công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện còn ít, không thường xuyên; nội dung tuyên truyền còn mang tính chất đại trà, chưa hướng tới các nhóm đối tượng có đặc điểm giống nhau về thu nhập, công việc, trình độ nên chưa tạo sự hứng thú và phát triển được nhiều đối tượng tham gia.

Công tác thông tin tuyên truyền và phổ biến chế độ chính sách BHXH chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu thông qua hình thức in và phát hành các văn bản pháp quy nên người lao động khó hiểu và ít quan tâm đến hình thức tham gia BHXH tự nguyện này.

Thứ tư, về năng lực của đội ngũ công chức, viên chức

Nhìn tổng thể, đội ngũ công chức, viên chức trong ngành BHXH đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu xảy ra ở nhiều nơi; nhiều công chức, viên chức thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thêm nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương mình công tác.

Đội ngũ công chức, viên chức thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc còn nhiều hạn chế. Chất lượng thực thi công việc của công chức chưa cao, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu, còn có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu.

Thứ năm, về sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các cấp, các ngành

Trên thực tế hiện nay, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện, nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát mà xem đây như là nhiệm vụ của ngành BHXH. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và có trách nhiệm giữa cơ quan BHXH với chính quyền địa phương và các phòng, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, thì việc triển khai chính sách BHXH tự nguyện sẽ có hiệu quả hơn.

Đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện với chính quyền xã, phường và các hội, đoàn thể (như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội chữ thập đỏ) trong công tác vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện thì sẽ thu hút được nhiều người lao động tham gia.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố huế, tỉnh thừa thiên huế (Trang 76 - 78)