Đặc điểm dân cư và kinh tế-xã hội

Một phần của tài liệu Hoạt động du lịch tại Thiên đường hoa Quảng La, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Trang 45 - 49)

6. Bố cục của đề tài

2.1.2. Đặc điểm dân cư và kinh tế-xã hội

2.1.2.1. Dân cư

Theo số liệu thống kê năm 2019, sau khi sáp nhập sáp nhập thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ đã nhập toàn bộ 843,54 km2 diện tích tự nhiên và dân số 51.003 người của huyện Hoành Bồ với toàn bộ 275,58 km2 diện tích tự nhiên và dân số 249.264 người của thành phố Hạ Long. Tổng diện tích mới của thành phố Hạ Long với diện tích 1.119,36 km2, quy mô dân số 300.267 người, mật độ dân số là 268 người/km2.[32]

Thành phố Hạ Long có 16 dân tộc đang sinh sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, ngoài ra còn có 15 dân tộc khác sinh sống gồm: Tày, Hoa, Cao Lan, Dao, Sán Dìu, Mường, Thái, Nùng, Hán, Thổ, PaKo, Sán Chỉ, Thanh Y, Thái Thổ, H’Mông tập trung chủ yếu tại các phường Hà Phong, Đại Yên, Việt Hưng, Hà Khánh, Hoành Bồ. [8]

2.1.2.2. Hành chính

Đầu năm 2020, thành phố Hạ Long chính thức sáp nhập với Huyện Hoành Bồ, thành lập phường Hoành Bồ trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số thị trấn Trới. Nâng tổng số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc lên 33 bao gồm 21 phường và 12 xã.

2.1.1.3. Kinh tế

Cơ cấu kinh tế của thành phố được xác định là: Công nghiệp - du lịch, Dịch vụ, Thương mại, Nông - lâm nghiệp và hải sản. Năm 2019, GDP của thành phố đạt 22000 tỷ đồng chiếm 41% toàn tỉnh (trong đó Công nghiệp & xây dựng chiếm 31%, Dịch vụ & du lịch chiếm 53%), tổng thu ngân sách chiếm 69,3% toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 12%/năm.

Theo quy hoạch, thành phố Hạ Long hình thành 5 vùng kinh tế:

- Vùng 1: Thương mại, dịch vụ gồm các phường Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo, Hồng Gai, Bạch Đằng, Hồng Hải, Hồng Hà, Cao Xanh, Cao Thắng

- Vùng 2: Công nghiệp, lâm nghiệp gồm các phường Hà Trung, Hà Tu, Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Phong

- Vùng 3: Khu công nghiệp, cảng biển gồm phường Bãi Cháy, Việt Hưng, Hà Khẩu, Giếng Đáy

- Vùng 4: Du lịch, thương mại gồm phường Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu

- Vùng 5: Nông, lâm, ngư nghiệp gồm phường Đại Yên và Việt Hưng Thành phố có 1470 cơ sở sản xuất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp bao gồm các ngành khai thác chế biến than, vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến gỗ, lương thực thực phẩm, may mặc. Có 3 khu công nghiệp tập trung là Cái Lân, Việt Hưng và Hà Khánh cảng lớn là Cửa Dứa, Cái Lân, Hồng Gai, B12 cảng nhỏ.

Khai thác than được xem một thế mạnh của thành phố với nhiều mỏ lớn như Hà Tu, Hà Lầm, Tân Lập, Núi Béo, lượng than khai thác mỗi năm ước đạt trên 10 triệu tấn. Gắn liền với các mỏ là các nhà máy sàng tuyển, cơ khí

các xí nghiệp vận tải và bến cảng. Hạ Long phát triển mạnh công nghiệp đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm hải sản.

Nhà máy đóng tàu Hạ Long có thiết kế đóng tàu dưới 53.000 tấn, nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh có tổng công suất 1.200 MW. Hạ Long còn có nhiều mỏ đất sét rất tốt, với khoảng 6 nhà máy sản xuất gạch ngói chất lượng cao, cung cấp cho trong và ngoài tỉnh, có một phần xuất khẩu. Cảng quốc gia Cái Lân là cảng nước sâu của thành phố. Nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước như: Viglacera Hạ Long, Công ty Dầu thực vật Cái Lân (Neptune, Cái Lân), Bột mì VIMA FLOUR (Hoa Ngọc Lan), Bia Hạ Long, Hải sản Hạ Long.

Ngư nghiệp là một thế mạnh với nhiều chủng loại hải sản, và yêu cầu tiêu thụ lớn, nhất là phục vụ cho khách du lịch và cho xuất khẩu. Thành phố đã và đang đóng mới nhiều tàu thuyền lớn để chuyển ra đánh bắt tuyến ngoài khơi. Hàng xuất khẩu chủ yếu là than và hải sản, hàng nhập khẩu là xăng dầu, máy mỏ thép, phương tiện vận tải. Tổng kim ngạch xuất năm 2019 đạt 260 triệu USD.

Phần lớn nguồn thu ngân sách của thành phố Hạ Long là từ xuất và nhập khẩu. Trong năm 2019, hơn 70% thu ngân sách từ thuế nhập và xuất khẩu.

Do kinh tế tăng trưởng nhanh, bình quân từ 13 đến 15%/năm nên "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" xác định thu nhập bình quân đầu người ở thành phố Hạ Long (theo giá hiện hành) năm 2020 ước đạt 12.000 - 13.000 USD/năm. [33]

2.1.1.4. Xã hội

Giáo dục và đào tạo

Việc sắp xếp lại bộ máy ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hạ Long sau sáp nhập với huyện Hoành Bồ được thực hiện từ đầu học kỳ 2 năm học 2019-2020. Từ khi sáp nhập đến nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố

Hạ Long đã tham mưu tích cực và có hiệu quả cho thành phố trong quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá, trang sắm thiết bị thông minh, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, xây dựng trường học thông minh. Từ đó, góp phần tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chuyển mạnh từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học.

Quy mô, mạng lưới trường lớp của thành phố phát triển ngày càng đa dạng; tạo điều kiện để tăng tỷ lệ huy động người học đến trường, đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho con em thành phố. Năm học 2020-2021, toàn thành phố có 120 trường công lập và ngoài công lập từ mầm non đến trung học phổ thông, 1 Trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên tỉnh, 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên thành phố, 158 cơ sở mầm non tư thục độc lập với tổng số 2.882 lớp, 90.461 trẻ, học sinh.

Năm 2020, thành phố đã thực hiện đầu tư xây dựng 23 công trình trường học để đảm bảo công tác dạy và học trong năm học 2020-2021. Tính đến nay, toàn thành phố có 2.228 phòng học. Trong đó có: 2.171 phòng học kiên cố, 57 phòng học bán kiên cố, đảm bảo cho công tác dạy và học năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo. Riêng năm học 2019-2020, ngành giáo dục thành phố tiếp nhận và đưa vào sử dụng trang thiết bị cho 22 trường học thuộc dự án xây dựng trường học thông minh trên địa bàn thành phố với 555 phòng học thông minh. Nhờ đó, đưa tổng số trường tiểu học, Trung học và trung học cơ sở, Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng trường học thông minh là 38 trường với 833 phòng học thông minh.

Không chỉ chú trọng cơ sở vật chất, ngành giáo dục thành phố còn chủ động củng cố đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ bản đảm bảo tiêu chí đủ về số lượng, chất lượng được nâng lên đáng kể. Tính đến tháng 8/2020, các trường học công lập do thành phố quản lý có 3.335 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Hiện toàn ngành có 100% cán bộ, giáo viên đều đạt chuẩn các bậc

học, tỷ lệ trên chuẩn đạt 89%.[33]

Xây dựng thành phố Hạ Long thành thành phố du lịch biển văn minh

Để bảo tồn, phát huy giá trị của vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xác định phải có một tầm nhìn mới, có một không gian phát triển rộng hơn, có tính chiến lược lâu dài. Do vậy, việc mở rộng địa giới hành chính không gian phát triển cho thành phố Hạ Long bằng sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long là quyết định có tính lịch sử và đột phá. Việc mở rộng địa giới TP Hạ Long, chính là tỉnh Quảng Ninh đã tìm thấy chìa khóa cho phương pháp quản lý có tính tổng thể nhằm tăng cường khả năng liên kết vùng, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ được môi trường và các giá trị ngoại hạng của vịnh Hạ Long một cách bài bản, tổng thể. Việc bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long sẽ được tính toán hiệu quả hơn khi đặt trong sự phát triển với các ngành, lĩnh vực liên quan.

Với thành phố Hạ Long, sự sáp nhập và mở rộng này sẽ đáp ứng mọi yêu cầu phát triển mới về đất đai, dân số và cơ sở hạ tầng. Xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển, du lịch sinh thái rừng với không gian cảnh quan tự nhiên thân thiện; có dịch vụ du lịch với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Thành phố Hạ Long sẽ được định hướng và xây dựng thành thành phố phát triển kinh tế đa ngành, phù hợp với định hướng phát triển đô thị, góp phần quan trọng trong lộ trình nhiệm vụ nhằm xây dựng Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Một phần của tài liệu Hoạt động du lịch tại Thiên đường hoa Quảng La, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (Trang 45 - 49)