Xác lập ranh giới của ba loại tin

Một phần của tài liệu (Trang 104)

7. Dự kiến đóng góp của đề tài

3.5. Xác lập ranh giới của ba loại tin

3.5.1. Tin vắn

Tin vắn có dung lượng ít nhất trong các tiểu loại tin, thường dao động trong khoảng 20-100 chữ. Tin vắn trên các báo Thanh niên, Tuổi trẻ và Đà Nẵng rất dễ nhận diện vì nằm ngay trong mục “Tin vắn” hoặc trong những mục mang bóng dáng của tin vắn như “Sống trẻ”, “An ninh trật tự”, “Thế giới trẻ”, “Ai? Ở đâu?”, “Tin thể thao”…

Mặt khác, tin vắn chỉ chứa tối đa hai cấu trúc thông tin. Một thông tin bao giờ cũng bao gồm một lõi sự tình (dictum), kèm theo nó là một thông tin tình thái (modal). Về mặt logic, một sự tình như vậy phải được diễn đạt bằng một chủ từ và một

vị từ. Chính vì cách viết như vậy nên không phải lúc nào một tin vắn cũng có đủ cấu trúc 5W +1H. Những yếu tố như “why, how” thường bị lược bỏ trong tin vắn.

Nhiệm vụ của tin vắn là đưa tin, là sao chụp, là phản ánh các sự kiện, lấy thông tin sự kiện thời sự làm mục đích tối thượng. Thông tin trong tin vắn được viết ở dạng câu đơn và là một phán đoán đơn. Tin vắn có thể có tít hoặc không có tít, hoàn toàn không có sapo, phần đầu của tin vắn thường được tô đậm. Tin vắn thường nằm trong phi lê mảnh và có kiểu chữ khác biệt so với các tin bài khác.

3.5.2. Tin ngắn

Tin ngắn có dung lượng dài hơn tin vắn, thường dao động trong khoảng 100- 400 chữ. Tin ngắn có mặt ở tất cả trang báo và chiếm số lượng nhiều nhất trong các tiểu loại tin.

Nhiệm vụ của tin ngắn bên cạnh đưa tin còn phải tái hiện, thông tin tương đối chi tiết về nội dung sự kiện. Trong tin ngắn, câu đơn được ưu tiên sử dụng. Có thể có bình luận nhưng chỉ ở mức độ rất nhẹ. Trong mô hình 5W +1H thì thường tin ngắn có đầy đủ.

Cấu trúc thông tin của tin ngắn co giãn tùy theo cách thông tin của nhà báo. Nhưng tựu chung lại chỉ nằm trong vòng từ 3 đến 5 cấu trúc thông tin. Tin ngắn luôn có tít đi kèm, không có box và có kiểu chữ tương tự như các tin bài khác trong một tờ báo.

3.5.3. Tin tổng hợp

Tin tổng hợp có dụng lượng lớn nhất trong các tiểu loại tin, thường dao động trong khoảng 400 – 700 chữ. Tin tổng hợp thường có mặt ở trang cuối cùng của các báo, chủ yếu là ở mục “Thời sự quốc tế”.

Cấu trúc thông tin của tin tổng hợp thường dao động từ 4 đến 7. Bao gồm những những chuỗi sự kiện nằm gần nhau, có tính khái quát cao và được bình luận dưới góc nhìn của tác giả. Đó là lý do giải thích tại sao trong một bản tin tổng hợp thường có rất nhiều hãng tin cùng đưa tin.

Cũng vì sự có mặt của yếu tố bình luận nên tít và nội dung của bản tin tổng hợp khá sinh động. Tít thường được viết theo cấu trúc đảo chủ vị hoặc có sử dụng

biện pháp tu từ để nhấn mạnh. Bản thân trong mẫu tin có rất nhiều hàm ý, người đọc phải tùy vào hoàn cảnh mà hiểu cho đúng nghĩa.

Nhiệm vụ của tin tổng hợp là qua hàng loạt sự kiện được sâu chuỗi phải đưa ra được đánh giá của nhà báo, đồng thời phải định hướng được dư luận. Tin tổng hợp có kiểu chữ giống các tin bài khác trong các báo. Song, đôi lúc tin tổng hợp còn chứa box ghi một vài thông tin bên lề sự kiện. Bản thân các thông tin bên lề ấy, nếu tách riêng ra có thể xem đó là một tin ngắn.

Cuối cùng, tin tổng hợp không có tít phụ, chỉ có tít chính.

Chúng tôi có thể tóm gọn viêc phân chia ranh giới của các tiểu loại tin bằng bảng sau đây:

Bảng 3.1

Tin vắn Tin ngắn Tin tổng hợp

Dung lượng 20-100 100-400 400-700

Cấu trúc thông tin 1-2 3-5 4-7

Đặc trưng thông tin Đưa tin

Tái hiện, thông tin tương đối đầy đủ về nội dung sự kiện

Tái hiện, thông tin tương đối chi tiết về nội dung sự kiện

Yếu tố bình bàn Không có Hiếm khi Tương đối

Sử dụng biện pháp tu từ, lối nói hàm ý

KẾT LUẬN

Như vậy, qua việc khảo sát các bản tin vắn, tin ngắn, tin tổng hợp trên các nhật báo Thanh niên, Tuổi trẻ và Đà Nẵng trong vòng ba tháng (từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2014), chúng tôi đã thống kê được số lượng, dung lượng, cấu trúc thông tin và các đặc trưng thông tin của các bản tin thời sự.

Theo đó, trong ba tờ báo mà chúng tôi tiến hành khảo sát, Thanh niên là tờ có số lượng tin nhiều nhất. Tuổi trẻ lại tờ báo đưa nhiều tin vắn và những tin gần với tin vắn nhất. Trong khi đó, báo Đà Nẵng lại có số lượng tin hạn chế, chưa chạm đến được tính cấp thời của tin tức.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy, về việc nhận diện đặc điểm của ba loại tin, rất nhiều công trình đã lấy tiêu chí dung lượng (số lượng chữ) để làm ranh giới như “Các thể loại báo chí thông tấn” (Đinh Văn Hường) hay “Những gì chưa dạy ở trường báo chí” (Trần Công Khanh). Tuy nhiên, theo chúng tôi, lý thuyết ấy vẫn còn nhiều điểm chưa thỏa đáng. Bởi, có những tin chúng tôi khảo sát nằm trong khoảng 100 chữ nhưng có ba đến đến bốn cấu trúc thông tin. Trong khi, đã là tin nằm trong mục “tin vắn” thì chỉ có tối đa hai cấu trúc thông tin. Như vậy, chúng tôi quan niệm rằng việc phân chia ranh giới giữa ba tiểu loại là tổng hòa của rất nhiều yếu tố nhưng chung quy lại cấu trúc thông tin của một bản tin mới là tiêu chí quan trọng nhất để phân biệt.

Mặt khác, tin ngắn và tin tổng hợp đang có xu hướng nới rộng về nội dung thông tin. Các nhà báo không bình luận nhiều (tin ngắn) mà thể hiện sự sáng tạo thông qua việc chọn lọc thông tin các chi tiết để mô tả. Các thông tin cung cấp cho độc giả ngày càng đa chiều (tin tổng hợp), ngày càng chạm đến tính tức thời.

Cuối cùng, hi vọng rằng, qua việc nghiên cứu và khảo sát, chúng tôi sẽ góp thêm một phần nhỏ nhoi về mặt lý luận cho việc phân chia ranh giới giữa các loại tin vắn, tin ngắn và tin tổng hợp.

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Đức Dân, (2007), Ngôn ngữ báo chí những vấn đề cơ bản, Nxb Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh

[2]. Nguyễn Hòa, (2008), Phân tích diễn ngôn một số vấn đề lí luận và phương pháp, Nxb ĐHQG, Hà Nội

[3]. Đinh Văn Hường, (2011), Các thể loại báo chí thông tấn, Nxb Giáo dục VIệt Nam

[4]. Trần Công Khanh, (2014), Những gì chưa dạy ở trường báo chí, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh

[5]. Trần Quang, (2006), Kỹ thuật viết tin, Nxb ĐHQG Hà Nội

[6]. Dương Xuân Sơn, (2014), Các thể loại báo chí truyền thông, Nxb Thông tin và truyền thông

[7]. Nguyễn Uyển, (2004), Báo chí mấy thể loại thông dụng, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội

[8]. A.A. Chertưchơnưi, (2004), Các thể loại báo chí, Nxb Thông tấn, Hà Nội

[9]. Micheal Schudson, (2003), Sức mạnh của tin tức truyền thông, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

[10]. The Missouri Group (2007), Nhà báo hiện đại, (Trần Đức Tài, Lê Thanh Nhàn dịch), Nxb Trẻ

Một phần của tài liệu (Trang 104)