Tân Cương là vùng sản xuất bông lớn của thế giới, cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt may của nhiều nước. Tân Cương từ lâu đã là một vấn đề chính trị nhạy cảm trong quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây. Mỹ và các nước châu Âu cáo buộc Bắc Kinh thực hiện "tội ác diệt chủng" ở Tân Cương và ép người Duy Ngô Nhĩ "lao động cưỡng bức" trong các trại tập trung, cáo buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bóc lột sức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ và cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tân Cương, dẫn đến áp đặt lệnh trừng phạt. Đã có những cáo buộc xoay quanh việc hơn nửa triệu người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng ép lao động tại những nông trại trồng bông cách xa hàng trăm km theo mô hình ba bậc: công ty trồng bông nộp cho chính quyền nhu cầu nhân công và trình độ tay nghề. Trải qua quy trình đào tạo hợp quy định, nhân công được giao từng lô cho chủ đồn điền và trong suốt thời gian thu hoạch hay vận chuyển, những người
này luôn bị kiểm soát theo những gì đã đề ra trước đó. Từng có các tài liệu ghi rằng mức lương của người lao động tại đây có thể lên đến 5000NDT một tháng (tương đương $746), nhưng đã có những minh chứng chỉ ra rằng tính trung bình tiền lương tháng của một nhóm gồm 132 người là 1670NDT, tức $255/người. Và tất nhiên, theo những công ước quốc tế liên quan, ngay cả khi họ được trả những mức lương tử tế thì nếu không phải là công việc mà họ có quyền được tự do lựa chọn, đó vẫn là một hành vi cưỡng bức lao động. Vài thập kỷ gần đây, các nước phương Tây đã dần chuyển dây chuyền sản xuất quần áo sang khu vực nam bán cầu, đặc biệt tại những nước châu Á và khu vực Trung Đông như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Uzbekistan, Việt Nam, v.v. Với trình độ tay nghề tương đối cao cùng giá nhân công thấp hơn so với nhân công tại các nước châu Âu. Rõ ràng việc các thương hiệu thời trang lớn thông qua những công ty môi giới để tìm kiếm nguồn nhân công giá rẻ tay nghề cao đã giúp họ tiết kiệm được một khoản lương cơ bản và những phúc lợi việc làm khác. Tất nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp này cùng với nhu cầu mua sắm của khách hàng luôn thay đổi theo xu hướng đặt các thương hiệu bước vào những cuộc đua khốc liệt hơn trong việc đẩy mạnh sản xuất nhằm tăng doanh thu và có mức tăng trưởng lý tưởng. Điều này khiến nhiều người đặt ra những nghi ngại liên quan đến vấn nạn bóc lột lao động trong ngành này, khi mọi thứ vốn không được công khai minh bạch.
Trong khi đó, Trung Quốc gọi đây là những lời dối trá nhằm bôi nhọ và phá hoại an ninh nước này. Trung Quốc khẳng định rằng không có bất kỳ sự bóc lột cưỡng bức ở đây, người dân đều được lao động tự nguyện và trả lương đầy đủ. Người dân Trung Quốc cũng cho rằng việc tuyên bố từ H&M ngầm khẳng định việc bóc lột người lao động Duy Ngô Nhĩ là không đúng sự thật, do đó, dẫn đến làn sóng tẩy chay vô cùng mạnh mẽ.