Các giả thuyết dựa trên các nghiên cứu trước đây

Một phần của tài liệu Đồng Khánh Phương-1906030259-CHTCNH26A-đã chuyển đổi (Trang 29 - 31)

Từ các công trình nghiên cứu đi trước về tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô, tác giả đưa ra một số giả thuyết cho bài luận.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng giá cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố vĩ mô quan trọng như mức độ tăng trưởng GDP, CPI, và lãi suất. Nói về các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường, bài nghiên cứu của các tác giả Kiều và Nhiên (2020) đã đo lường mức độ tác động của nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô

và vi mô lên giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết, từ đó chỉ ra các nhân tố có mức độ ảnh hưởng lớn là tác động bởi các yếu tố thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS), tỷ số P/E, tỷ số B/M, tốc độ tăng trưởng GDP, lãi suất và quy mô của ngân hàng (Kiều và Nhiên 2020).

Dựa trên kết quả nghiên cứu của các công trình đi trước, tác giả đề xuất các giả thuyết cho bài luận như dưới đây.

2.4.1.1. Giả thuyết về mức tăng trưởng GDP

Đầu tiên, tăng trưởng GDP được nhiều nghiên cứu cho là có tác động cùng chiều mạnh mẽ đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (AL-Shubiri 2010; Nisa và Nishat 2011; Kiều và Nhiên 2020).

Với việc tăng trưởng GDP không ổn định, có lúc sụt giảm trong thời gian vừa qua do những tác động tiêu cực của đại dịch, tác giả đặt ra vấn đề liệu nhân tố này còn đóng vai trò ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu trên thị trường, cụ thể là cổ phiếu ngành ngân hàng hay không. Đồng thời, tác giả dự đoán rằng mức độ tăng trưởng GDP, là một chỉ số phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, sẽ có ảnh hưởng đến mức độ biến động giá cổ phiếu trong mỗi kỳ. Từ đó tác giả đặt ra các giả thuyết sau:

H1a: Tăng trưởng GDP có tác động cùng chiều với sự biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết.

H1b: Tăng trưởng GDP có tác động có ý nghĩa đến mức độ biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết trong kỳ.

2.4.1.2. Giả thuyết về chỉ số giá tiêu dùng

Nghiên cứu về ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế vĩ mô, các nhà nghiên cứu kết luận rằng CPI có tác động tiêu cực lớn đến lợi suất của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (Jamaludin và cộng sự 2017). Bài luận này sẽ kiểm nghiệm mối quan hệ giữa mức độ chênh lệch CPI và giá cổ phiếu ngân hàng trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. Đồng thời, tác giả cũng đề xuất giả thuyết rằng sự chênh lệch CPI so với cùng kỳ năm trước có thể tác động đến mức độ biến động giá cổ phiếu trên thị trường. Do vậy, tác giả đưa ra hai giả thuyết sau:

H2a: Sự thay đổi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có tác động ngược chiều sự biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết.

H2b: Sự thay đổi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có tác động có ý nghĩa đến mức độ biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết trong kỳ.

2.4.1.3. Giả thuyết về lãi suất

Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ ngược chiều giữa lãi suất và giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Điển hình, một nhóm tác giả, trong công trình nghiên cứu của mình, đã xem xét mối quan hệ giữa lãi suất và giá cổ phiếu, và sự thay đổi giá cổ phiếu so với sự thay đổi lãi suất tại 15 quốc gia phát triển và đang phát triển (Alam và Uddin 2009). Từ đó các tác giả rút ra kết luận rằng lãi suất có tác động nghịch biến mạnh mẽ đến sự thay đổi của giá cổ phiếu trên thị trường (Alam và Uddin 2009).

Ttrong bối cảnh đại dịch, NHNN đã nhiều lần thay đổi lãi suất vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng. Việc thay đổi lãi suất do đại dịch này có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngân hàng và mức độ dao động của giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán. Do vậy, tác giả đặt ra các giả thuyết như dưới đây, để kiểm nghiệm mối tương quan đặt ra ở trên:

H3a: Lãi suất vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có tác động ngược chiều với sự biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết.

H3b: Lãi suất vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có tác động có ý nghĩa đến mức độ biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết trong kỳ.

Một phần của tài liệu Đồng Khánh Phương-1906030259-CHTCNH26A-đã chuyển đổi (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)