Các giả thuyết liên quan đến tác động của đại dịch COVID-19

Một phần của tài liệu Đồng Khánh Phương-1906030259-CHTCNH26A-đã chuyển đổi (Trang 31 - 35)

2.4.2.1. Giả thuyết về thông tin số ca mắc COVID mới

Trong bài luận này tác giả đưa ra một vài giả thuyết liên quan đến đại dịch để kiểm nghiệm mức độ tác động của đại dịch đối với giá cổ phiếu ngành ngân hàng tại Việt Nam. Tác giả phỏng đoán rằng, thông tin số ca mắc mới có khả năng tác động ngược chiều đến sự biến động giá cổ phiếu các NHTM niêm yết và tác động cùng chiều đến mức độ biến động của giá trong kỳ, do đây là thông tin ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế có thể khác dự đoán.

Do vậy, giả thuyết này cần được kiểm chứng bằng mô hình định lượng với các giả thuyết H4a và H4b.

H4a: Số ca mắc mới có tác động ngược chiều với sự biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết.

H4b: Số ca mắc có tác động có ý nghĩa đến mức độ biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết trong kỳ.

2.4.2.2. Giả thuyết về thông tin số doanh nghiệp dừng hoạt động

Đối với số doanh nghiệp dừng hoạt động, tác giả cũng đưa ra dự đoán sẽ có tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường, do ảnh hưởng từ việc nhiều khoản vay của doanh nghiệp trở thành nợ xấu có rủi ro mất vốn. Tác giả dự đoán rằng mức độ biến động giá sẽ bị ảnh hưởng bởi số doanh nghiệp dừng hoạt động trong kỳ, do sự bất ổn và rủi ro mà thông tin này đem lại cho thị trường chứng khoán nói chung, và cổ phiếu ngành ngân hàng nói riêng. Tác giả đưa ra giả thuyết H5a và H5b như sau:

H5a: Số doanh nghiệp dừng hoạt động có tác động ngược chiều với sự biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết.

H5b: Số doanh nghiệp dừng hoạt động có tác động có ý nghĩa đến mức độ biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết trong kỳ.

Như vậy, tác giả đã đưa ra các giả thuyết cụ thể dựa trên các cơ sở lý luận và tổng quan tình hình nghiên cứu. Tác giả sẽ tập trung xây dựng phương pháp nghiên cứu và mô hình nghiên cứu ở Chương 3.

CHƯƠNG 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 3.1. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn này kỳ vọng đưa ra những kết luận có ý nghĩa về tác động của đại dịch COVID-19, vì vậy tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích theo hướng định lượng để quan sát, đo lường quan hệ giữa biến độc lập là các nhân tố ảnh hưởng và biến phụ thuộc là sự biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết.

Có nhiều phương pháp nghiên cứu định lượng để phân tích mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến sự biến động giá cổ phiếu các NHTM trên thị trường. Trước hết, tác giả sử dụng phương pháp thống kê mô tả để đưa ra các nhận định chung cơ bản về mẫu dữ liệu được sử dụng. Tiếp đến, phương pháp hồi quy tuyến tính với các mô hình đơn biến và đa biến được sử dụng để ước lượng mức độ ảnh hưởng của các nhân tố lên sự thay đổi giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết.

Mẫu dữ liệu được sử dụng là giá đóng cửa cuối ngày của 16 mã cổ phiếu ngân hàng được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Việt Nam (HoSE, HNX) trong hai năm 2020-2021. Như vậy, mẫu dữ liệu là tương đối lớn và bao quát trong nhóm ngành ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu ngân hàng thương mại niêm yết là các cổ phiếu có vốn hóa lớn và thường có tính ổn định, ít biến động. Tác giả hi vọng sẽ có cái nhìn tổng thể đối với sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lên nhóm cổ phiếu này với kỳ vọng có thể nhìn thấy một vài điều bất thường trong đại dịch để phân tích và bàn luận.

Trong bài nghiên cứu này, với đối tượng nghiên cứu là sự biến động giá cổ phiếu các NHTM niêm yết trên thị trường, tác giả tập trung xem xét và đo lường giá cổ phiếu và mức độ biến thiên của giá cổ phiếu trên thị trường trong kỳ. Từ đó, tác giả đưa ra các định hướng nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của các nhân tố đến giá cổ phiếu và sự biến động giá cổ phiếu trên thị trường, với mục đích làm rõ sự ảnh hưởng từ nhiều khía cạnh của đại dịch đối với sự biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết sau mỗi ngày, mỗi quý, và mức độ biến động giá trong kỳ .

Đầu tiên, để nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến sự biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết trên thị trường, cách tiếp cận thứ nhất nghiên cứu mối liên hệ trực tiếp giữa yếu tố có ý nghĩa đặc trưng của đại dịch COVID-19 và sự thay đổi giá cổ phiếu qua mỗi ngày. Nhân tố ảnh hưởng được lựa chọn ở đây là thông tin số ca mắc mới trong ngày, từ ngày đầu phát hiện dịch cho đến thời điểm 31/12/2021. Đây là thông tin chính thống, liên tục được cập nhật, tổng hợp từ Bộ Y tế Việt Nam, và được người dân quan tâm qua mỗi ngày, đặc biệt trong những giai đoạn diễn biến phức tạp của đại dịch. Vì vậy, tác giả nhận định có thể nghiên cứu sự ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch COVID-19 đến giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường, thông qua sự tăng giảm giá cổ phiếu phụ thuộc vào sự tăng giảm số lượng ca mắc mới mỗi ngày.

Thứ hai là định hướng nghiên cứu ảnh hưởng gián tiếp, đo lường tác động của các yếu tố vĩ mô lên giá cổ phiếu theo các quý trong đại dịch COVID-19, bên cạnh các nhân tố đại dịch. Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam. Bởi vậy, các yếu tố vĩ mô phản ánh tình hình phát triển của nền kinh tế được xét đến. Cụ thể, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến các yếu tố vĩ mô như tốc độ tăng trưởng GDP so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng CPI, lãi suất điều hành của NHNN, số doanh nghiệp bị giải thể, ngừng hoạt động do dịch, và các yếu tố này sẽ góp phần ảnh hưởng đến sự biến động giá cổ phiếu các NHTM trên thị trường. Theo các tài liệu nghiên cứu từ trước, có một số yếu tố kinh tế vĩ mô được kiểm chứng là có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường. Như vậy có thể nói, đại dịch COVID-19 đã gián tiếp gây ảnh hưởng đến sự biến động giá cổ phiếu các NHTM niêm yết, thông qua các yếu tố vĩ mô đó. Tác giả kỳ vọng tìm thấy mối tương quan giữa các yếu tố này với giá cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán trong kỳ. Định hướng nghiên cứu này sẽ xem xét nhân tố sự biến động giá cổ phiếu các NHTM niêm yết và các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu theo quý.

Cuối cùng, tác giả đo lường mức độ biến động giá cổ phiếu bằng việc sử dụng hệ số biến thiên của giá cổ phiếu mỗi quý, đặt trong mối quan hệ với các biến kinh tế vĩ mô và biến đặc trưng của đại dịch trong quý. Bằng phương pháp sử dụng hệ số

biến thiên để đo lường mức độ biến động giá, tác giả có thể đánh giá được giá cổ phiếu trong mỗi quý đã dao động thế nào dưới tác động của các yếu tố vĩ mô.

Từ các định hướng nghiên cứu trực tiếp và gián tiếp nêu trên, tác giả sử dụng phương pháp thống kê mô tả để mô tả sơ bộ dữ liệu thu thập được và đưa ra nhận định tổng quát về một vài điểm nổi bật của dữ liệu. Tiếp đó, tác giả sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu bằng mô hình hồi quy tuyến tính, sử dụng phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất (OLS) để đo lường mức độ ảnh hưởng của các biến độc lập lên biến phụ thuộc. Đây là một mô hình đơn giản, thông dụng nhưng khá hiệu quả trong việc kiểm chứng các mối quan hệ giữa biến độc lập và biến phụ thuộc. Kết quả của mô hình hồi quy OLS thường được xem là kết quả tiêu chuẩn để thực hiện các kiểm định và xây dựng mô hình tiếp theo chi tiết hơn, phù hợp hơn.

Tuy nhiên, mô hình này cũng dễ phạm phải các sai sót, có thể dẫn đến hiện tượng hồi quy giả mạo hoặc sai lệch trong kết quả nghiên cứu. Đặc biệt, việc sử dụng dữ liệu bảng trong nghiên cứu, là dạng hỗn hợp của dữ liệu chuỗi thời gian và dữ liệu cắt ngang, cũng không tránh khỏi khả năng gặp phải các hiện tượng vi phạm mô hình như hiện tượng tự tương quan, hiện tượng đa cộng tuyến, hiện tượng phương sai sai số thay đổi. Do vậy, tác giả tiến hành kiểm định mô hình và đưa ra một vài biện pháp xử lý loại bỏ các hiện tượng không mong muốn.

Một phần của tài liệu Đồng Khánh Phương-1906030259-CHTCNH26A-đã chuyển đổi (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)