Mối quan hệ giữa thông tin dịch bệnh COVID-19 và sự biến động giá cổ

Một phần của tài liệu Đồng Khánh Phương-1906030259-CHTCNH26A-đã chuyển đổi (Trang 79 - 81)

phiếu NHTM trên thị trường

Bằng việc sử dụng mô hình hồi quy để ước lượng mối quan hệ ảnh hưởng trực tiếp giữa thông tin số ca mắc COVID-19 trong ngày với giá đóng cửa cuối ngày của mỗi mã cổ phiếu NHTM niêm yết trên thị trường, tác giả đã thu được kết quả như dưới đây.

Số ca mắc mới COVID-19 do Bộ Y tế thống kê theo ngày được nhận định là có ảnh hưởng tích cực, có ý nghĩa thống kê đến sự thay đổi giá cổ phiếu các NHTM niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam trong hai năm 2020-2021.

Tác giả nhận định rằng, điều này có thể là do các nhà đầu tư trên thị trường không quá lo lắng về mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến khả năng sinh lời của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Bởi lẽ nhóm ngành ngân hàng thường được xem là nhóm ngành có tăng trưởng bền vững, phụ thuộc nhiều vào các chính sách và quy định pháp lý của Nhà nước nên cổ phiếu nhóm này có xu hướng ổn định, không có nhiều rủi ro. Do vậy, tác giả đưa ra phỏng đoán rằng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phần lớn nhà đầu tư có thể tin tưởng vào sự điều tiết và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các NHTM, cũng như tin tưởng vào khả năng sinh lời và phát triển sau dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng, khiến cho giá cổ phiếu của nhóm ngành này chịu tác động tích cực trước thông tin số ca nhiễm COVID-19 trong ngày tăng lên.

Tuy vậy, thông tin số ca mắc mới COVID-19 trong ngày chỉ giải thích được một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ trong sự biến động giá cổ phiếu trên thị trường (3.19%). Lời giải thích được đưa ra ở đây là do sự biến động giá cổ phiếu của các NHTM niêm yết còn phụ thuộc vào rất nhiều các biến kinh tế vĩ mô và vi mô khác, cũng như những thông tin đặc trưng riêng như quy mô, khả năng sinh lời, chính sách cổ tức... của mỗi ngân hàng cụ thể.

Quan trọng hơn, trong thời điểm số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng mạnh, mức độ ảnh hưởng của thông tin này đến sự thay đổi giá cổ phiếu các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán lại càng trở nên không rõ rệt. Đến đây, chúng ta cần nhìn lại kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Demirguc-Kunt và cộng sự (2020) đã được nếu ở Mục 2.2.1. Các tác giả đã chỉ ra rằng tại các quốc gia mà người dân tin tưởng vào chính phủ thì mức độ biến động giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trước các thông tin về số ca nhiễm COVID-19 thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác (Demirguc-Kunt và cộng sự 2020). Như vậy, tác giả nhận định các kết quả nghiên cứu của bài luận này có thể đã hàm ý về sự tin tưởng lớn của người dân và các nhà đầu tư vào khả năng ứng phó với đại dịch của Chính phủ Việt Nam trong hai năm vừa qua. Tuy vậy, tác giả cho rằng kết luận này có lẽ chưa phản ánh hết những gì thực sự đang diễn ra trong nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Bởi vậy, việc xem xét đến các yếu tố kinh tế vĩ mô là cần thiết để tác giả đưa ra những đánh giá đa chiều, khách quan hơn.

Một phần của tài liệu Đồng Khánh Phương-1906030259-CHTCNH26A-đã chuyển đổi (Trang 79 - 81)