Trong những năm gần đây, thành phố Buôn Ma Thuột có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong giai đoạn 2017-2020 (theo giá so sánh năm 2010) đạt gần 10%, được cấu thành bởi sự đóng góp của các ngành sản xuất vật chất và dịch vụ bao gồm sự đóng góp của ngành sản xuất nông lâm thủy sản, ngành công nghiệp - xây dựng và ngành thương mại, dịch vụ.
Trong cơ cấu kinh tế năm 2020 của thành phố, ngành công nghiệp - xây dựng đạt 40,75%, ngành thương mại - dịch vụ đạt 50,8% và ngành nông - lâm nghiệp đạt 8,45%. Theo đó, thương mại và dịch vụ vẫn giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế và chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Các khu vực kinh tế phát triển với tốc độ không đồng đều, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp nhưng khá chậm. Các cơ sở sản xuất công nghiệp chủ yếu mới phát triển trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản và thủy điện nhỏ. Do vậy, nền kinh tế của thành phố Buôn Ma Thuột nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng vẫn nghiêng về phát triển nông nghiệp, trong đó phát triển chủ lực là cà phê, cao su, tiêu... Tăng trưởng nền kinh tế hàng năm bị tác động mạnh theo chu kỳ tăng giảm sản lượng cà phê, cao su, tiêu…; giá trị của các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ có tăng nhưng đóng góp chưa cao trong tăng trưởng nền kinh tế chung. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 70 triệu đồng tăng 11,4 triệu đồng so với năm 2017. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế của thành phố được thể hiện cụ thể như sau:
- Ngành nông nghiệp
Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều bất lợi do thiên tai, dịch bệnh nhưng ngành nông nghiệp của thành phố Buôn Ma Thuột vẫn có mức tăng trưởng bình quân khá. Trong sản xuất nông nghiệp nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng vào sản xuất làm tăng năng suất sản lượng, giá trị và chất lượng nông sản, từng bước được nâng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Giá trị sản xuất năm 2020 (giá so sánh năm 2010) đạt 2.562 tỷ, tăng 3,5% so với năm 2019. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt đạt 123 triệu đồng, tăng 22 triệu đồng so với năm 2019. Diện tích gieo trồng cây hằng năm thực hiện được 9.375 ha, đạt 87,88% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực cả năm thực hiện được 37.453,54 tấn, (tăng 2.168,87 tấn so với năm 2019), đạt 96,18% kế hoạch. Tổng diện tích cây lâu năm đạt 16.444,56
ha, đạt 103,3% kế hoạch.
Ngành nông nghiệp hiện nay tập trung chủ yếu vào trồng trọt và phát triển theo hướng mở rộng sản xuất, khai thác đất đai, nguồn lực để nâng cao sản lượng mà chưa chú trọng đến phát triển theo chiều sâu, tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Vì vậy, trong thời gian tới sản xuất trồng trọt cần phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến; phát triển trên cơ sở tiếp cận thị trường, ứng dụng thành tựu khoa học về giống, công nghệ cao.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố phát triển tương đối ổn định do có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc. Cơ cấu giống vật nuôi có sự chuyển biến từ giống truyền thống năng suất, chất lượng thấp sang giống mới, giống lai cho năng suất và chất lượng tốt hơn. Giá sản phẩm từ chăn nuôi như thịt, trứng đang ở mức cao, nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn là điều kiện tương đối thuận lợi kích thích người chăn nuôi tiếp tục mở rộng quy mô đàn. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục triển khai Chương trình số 6a-CTr/TU ngày 01/6/2016 của Thành ủy về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng của một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cà phê với 9.126,45 ha áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với 28.196,79 tấn; rau có 1.303,9ha áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong đó có 21,38 ha được cấp giấy chứng nhật VietGAP; 86 trang trại chăn nuôi lợn và 61 trang trại chăn nuôi gà được chăn nuôi an toàn sinh học.
- Ngành thương mại – dịch vụ
Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện được 43.141 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2019, đạt 100% so với kế hoạch đề ra. Các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa đa đạng đáp ứng nhu cầu của
người dân và du khách.
- Ngành công nghiệp – xây dựng
Giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp năm 2020 thực hiện được 10.449 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 114,71% so với năm 2019. Hoạt động ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế tạo, nhà máy bia, cơ sở chế biến cà phê, sản xuất bơm nước, cán tôn, điện thương phẩm, khai thác, xử lý và cung cấp nước...hoạt động sản xuất tốt, sản lượng sản phẩm tăng hơn so với năm 2019.
Thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm công nghiệp nhưng do các doanh nghiệp trong giai đoạn này đang gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn đầu tư, thị trường đầu ra không ổn định, đặc biệt là cơ sở hạ tầng của thành phố chưa đồng bộ nên kết quả thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm chủ yếu của tỉnh rất hạn chế. Bên cạnh đó, một số dự án chế biến sâu có tiến độ đầu tư chậm, hiệu quả sản xuất không cao như: Cà phê hoà tan, cà phê bột, cồn sinh học; do đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chưa được cải thiện. Mặc dù ngân sách nhà nước đã cố gắng hỗ trợ vốn nhưng trên địa bàn thành phố chưa có khu, cụm công nghiệp nào hoàn chỉnh về hạ tầng, hệ thống giao thông trong Khu, cụm công nghiệp, thoát nước, cấp nước, xử lý môi trường nhìn chung còn chưa đảm bảo nên đã ảnh hưởng đến tỷ lệ lấp đầy tại các Khu, Cụm công nghiệp.