CỦA HỒ BIỂU CHÁNH 3.1 Nghệ thuật kết cấu và xây dựng cốt truyện
3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.2.1. Khắc họa chân dung nhân vật
Mượn nguyên mẫu nhân vật trong tác phẩm Không gia đình của Hecto Malot, Hồ Biểu Chánh đã sáng tạo nên những nhân vật mới của riêng mình, phù hợp với tâm tư tình cảm mới của con người Việt Nam. Có thể nhận thấy, thế giới nhân vật trong Không gia đình rất đa dạng, phong phú. Ngoài các nhân vật chính như Rêmi, má Bacbơranh, chồng má Bacbơranh, cụ Vitali, bầy thú của cụ, Matchia còn có anh Bop, gia đình người làm vườn Acanh và bốn đứa con: Axơli,
Bănggiamanh, Êchiênnét, Lidơ, bà Miligơn, em trai Áctơ, ông chú Giem Miligơn, gia đình Đơrixcơn với bà mẹ, người ông, bốn đứa con Alơn, Net, Anni và Két. Còn khi Hồ Biểu Chánh phóng tác lại trong Cay đắng mùi đời, ông chỉ lựa chọn một số nhân vật tiêu biểu làm nhân vật chính như: thằng Được, thằng Bĩ, con Liên, thầy Đàng, má Ba Thời, Lê Văn Hữu, bà hội Đồng Nhàn, Phan Đức Lợi, Tô Thị Sảnh và một số nhân vật phụ xuất hiện rất ít: Lê Văn Tiết, vợ của thầy Đàng, người đàn bà bán khóm, thầy xếp ga,... Đồng thời ông đặt câu chuyện vào khung cảnh hoàn toàn Việt Nam, vùng nông thôn ở Nam bộ, với những chủ đề tư tưởng và mục đích khác hẳn so với cốt truyện gốc.
Mặt dù giữ nhiều nét chính của câu chuyện, nhưng Hồ Biểu Chánh đã biến tấu thành những chi tiết rất Việt Nam. Tác giả đã khắc họa được chân dung và tính cách từng nhân vật trong tiểu thuyết của mình một cách rất riêng.
Khác với Không gia đình của Hecto Malot, Cay đắng mùi đời được Hồ Biểu Chánh giới thiệu gốc gác, thân phận ngay từ khi nhân vật đó xuất hiện. Ba Thời xuất hiện trong tác phẩm: “Người đàn bà tên là Lê Thị Thời, có một người anh thứ hai tên là Lê Văn Tiết, chị ta nhằm thứ ba nên từ khi có chồng cho đến nay trong xóm kêu là Ba Thời”. Hay giới thiệu về gốc gác, thân phận của thầy Đàng “Thầy đàng tên thật là Trần Cao Đàng, người gốc sanh đẻ tị xứ Cần Được, lúc còn nhỏ trong nhà cha mẹ nghèo lắm, cơm ăn không no, áo mặc không lành. Khi ấy nhà nước mở lập trường học chữ quốc ngữ với chữ Tây, nhà giàu không ai chịu cho con đi học... Học hơn mười năm quan bổ làm thầy giáo dạy tại trường Sài Gòn. Dạy học được vài năm gặp được quan tham biện chợ lớn cần dùng một thông ngôn, thầy Đàng mới xin thôi ngạch thầy giáo rồi xin cấp bằng làm thông ngôn”.
Ngoại hình của các nhân vật trong tác phẩm Hồ Biểu Chánh ít khi đề cập tới, nếu có thì tác giả chỉ khắc họa, chấm phá một cách trực tiếp thông qua ngôn ngữ của người kể chuyện. Trong tác phẩm, cách đặt tên cho nhân vật của Hồ Biểu Chánh rất bình dân: con Liên, thằng Bĩ, Trần Văn Hữu, Lê Văn Tiết,... tên của nhân vật còn được tác giả đặt cho phù hợp với hoàn cảnh của nhân vật đó: thằng Được có tên là Được vì nó là đứa bé do Ba Bhời “xí” được: “Ba Thời được cái giấy của cò
thì mừng rỡ vô cùng. Tối bữa ấy tính đặc tên cho thằng nhỏ mà không biết đặc tên gì, bàn luận với vợ chồng chú Tích một hồi rồi nhất định, mình xí được nó, thôi đặt tên nó là thằng Được”, “Thưa, vợ tôi nó nói nó xí được nó không biết kêu tên gì nên nó đặt là thằng Được”. Hoặc tên theo vế thường dùng trong Nam, lấy thứ tự sinh ra để ghép với tên như: Ba Thời, Ba sự... “...chị ta nhằm thứ ba, nên từ khi có chồng cho đến nay trong xóm lêu là Ba Thời”.
Hồ Biểu Chánh đã quan sát sáng tạo ra được những nhân vật đúng với cái khuôn mẫu người đời biết, cho những nhân vật đó sống đúng với những phẩm chất và tính cách của người Việt Nam. Cách xây dựng nhân vật của Hồ Biểu Chánh rất đặc biệt, ông không xây dựng quá trình đứa được bé sinh ra, mà ông dẫn dắt người đọc, cho người đọc thấy được quá trình “xí được” thằng Được của Ba Thời.
Tính cách của các nhân vật trong tác phẩm được Hồ Biểu Chánh xây dựng rất đa dạng phù hợp với người nông dân Nam Bộ, họ hiện lên rất rõ nét với đủ các tính cách vốn có. Tính cách nhân vật được biểu hiện thông qua tên gọi của nhân vật, được khắc họa qua hành động và lời nói của nhân vật. Mỗi loại nhân vật có một tính cách, tâm lý hoàn toàn Việt Nam.
Họ là những con người cần cù và nhẫn nại. Những người nông dân trong Cay đắng mùi đời như Ba Thời, luôn đối mặt với những nghèo khó lo toan, chỉ biết tập trung vào lao động để kiếm sống: “Chẳng mấy ngày mùa cấy đã đứt, Ba Thời không biết làm việc chi, nên mỗi bữa hễ trước ròng sát rồi thì lội xuống rạch Băng mà xúc tôm bắt cá đem về, bữa nào có ít thì để ăn, bữa nào có dư thì sai con bưng lại đằng xóm mà bán”.
Hồ Biểu Chánh là một con người đề cao đạo lý nhân nghĩa ở đời, nên trong
Cay đắng mùi đời, Hồ Biểu Chánh đã xây dựng rất thành công những nhân vật là những con người trọng nghĩa khinh tài. Dù nghèo khó, quanh năm đói rách, miếng cơm chẳng đủ no, áo mặc chưa đủ ấm nhưng họ vẫn sẵn sàng cưu mang giúp đỡ những người khốn khổ, bị bỏ rơi. Hoàn cảnh Ba Thời cũng nghèo khó, chồng lại bỏ đi biền biệt, sống trơ trọi một thân một mình. Thế mà thấy đứa bé (thằng Được) bị bỏ rơi bà đã mang về nuôi, bà không thể làm ngơ trước một đứa trẻ ngây thơ, vô tội
bị vứt bỏ quá nhẫn tâm như thế. Cũng vì cưu mang, nuôi nấng Được mà bà phải nhận lấy những lời xỉ vả, nghi ngờ của chồng và của bà con lối xóm. Người Nam Bộ thường lấy “đạo nghĩa” làm phương châm sống và hành động, thầy Trần Cao Đàng vì “thấy việc bất bình”, tên lính đánh đập người nông dân vô tội nên đã ra tay cứu giúp, bênh vực cuối cùng bị vào tù.
Như ta đã thấy, hành động nhân vật là phương tiện quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật; ngoại hình, diện mạo, cách đặc tên của nhân vật chi phối tính cách của họ. Hồ Biểu Chánh đã chú ý miêu tả nhân vật Trần Cao Đàng, nhân vật này không chỉ hành động theo nghĩa mà còn vì nghĩa, ông vì nghĩa mà đấu tranh lại những gì mang tính chất bất nghĩa.
Thằng Được giàu tình nghĩa và thật đáng quý khi biết gia đình của nó bị bắt, nó nhất quyết nói với thằng Bĩ “Mày đi đâu thì đi, tao trở lại, chớ tao đi không đành”. Thằng Được quyết định ở lại để cứu bố mẹ nó, tấm lòng của thằng Được thật đáng quý. Khi phải xa má nuôi để theo thầy Đàng, thằng Được “Lòng nó quặn đau như dao cắt, trong trí bối rối như tơ vò, bởi vậy cho nên chơn thì đi, mắt thì khóc”. Lúc thằng Được tìm được gia đình giàu có, nó không quên những người nghèo khổ đã giúp nó “Chẳng những thằng Nhã hậu đãi những người yêu nó trong lúc nó nghèo hèn mà thôi, mà hễ nó thấy người nghèo thì nó động lòng thương nên hay xin mẹ cho bạc tiền hoặc cho quần áo”.
Qua việc miêu tả ngoại hình, cử chỉ, hành động, nhất là ngôn ngữ của nhân vật đã một phần nào nói lên được tính cách bộc trực, thẳng thắn của người nông dân Nam Bộ. Nhân vật Bĩ được tác giả khắc họa không những là một nhân vật có suy nghĩ sâu sắc, biết cách phân tích và lý giải rất hợp lý mà còn là một nhân vật với tính cách thẳng thắn, nghĩ gì nói nấy. Khi thằng Được và Bĩ bị ông chú là Phan Đức Lợi lừa dẫn đến trao cho một gia đình ở gần mé kênh, thằng Bĩ nghi ngờ gia đình đó không phải là gia đình của thằng Được, nó đã phân tích cho thằng Được thấy: “Không phải, để tao nói cho mầy nghe. Tao nghi là vì tao coi mầy không giống hai người đó chút nào hết, mà mấy đứa nhỏ cũng không giống mầy nữa”, “Tía má mày mất mày đã mười bốn, mười lăm năm nay, sao thuở nay không đi kiếm mà nhìn. Mà
chờ tía má mày giàu có hoặc không có con thì kiếm mày cũng cho là phải, chớ người đó bộ nghèo quá mà còn tới năm đứa... Kiếm thêm mầy đem về nữa mà làm gì”. Bên cạnh đó, thằng Bĩ còn được Hồ Biểu Chánh xây dựng là một nhân vật có tài năng thổi kèn lá rất giỏi, sống lạc quan và sống vì bạn bè.
Quan niệm giàu nghèo của thằng Bĩ rất rạch ròi. Thằng Bĩ luôn ác cảm với nhà giàu. Trên đường đi tìm bố mẹ cho thằng Được, thằng Bĩ buồn bã chỉ vì “Tao làm anh em với mày, tao tưởng mầy cũng mồ côi và nghèo hèn như tao, chớ tao có dè ngày nay mầy được giàu có đâu”. Thằng Bĩ nhất quyết đi bộ chứ không chịu đi xe hơi vì “xe hơi là đồ của nhà giàu dùng”. Cho đến lúc tìm được bà Hội đồng, mặc cho thằng Được thuyết phục, thằng Bĩ vẫn từ chối ở lại, một mình rong ruổi trên đường đời với cây đàn của nó.
Nhân vật Phan Đức Lợi với Tô Thị Sảnh thì tính cách hoàn toàn trái ngược với thằng Được, thầy Đàng, Ba Thời, thằng Bỉ... Phan Đức Lợi đã toa rập với vợ bé của anh trai bắt trộm con của bà vợ lớn để dễ bề đoạt gia tài. Hai nhân vật này được Hồ Biểu Chánh xây dựng là những con người hám tiền, hám của, họ không từ bất cứ một thủ đoạn nào để kiếm tiền.
Nhân vật trong Cay đắng mùi đời còn được Hồ Biểu Chánh xây dựng là những nhân vật bình dị, hiền lành chất phác. Họ ăn mặc, nói năng đơn giản và cũng rất tự nhiên. Hồ Biểu Chánh đã quan sát rất tỉ mỉ về cách ăn mặc, trang phục của họ. Hồ Biểu Chánh không nói Được là con nhà giàu nhưng qua cách miêu tả của ông ta cũng dễ nhận thấy: “...da trắng, tóc đen, môi son, miệng rộng, cườm tay như ống chỉ, bắp chơn như cũ cải, đầu đội cái mũ két bằng lụa màu bông phấn, mình mặc một cái áo đầm cũng bằng lụa màu bông hường, ở truồng mà chân có mang một đôi vớ bằng chỉ len màu lông két, còn cổ lại có đeo một sợ dây chuyền vàng nhỏ”. Hay trang phục của thầy Đàng “đầu bịt một cái khăn nhiễu trắng, mình mặc quần lãnh đen lưng xanh, áo bà ba lụa trắng dài phủ mổng trôn, tay cặp một cây dù máy cán cong như mỏ giằng xay lúa”. Đây là chân dung của người đàn bà bán khóm “ăn mặc tầm thường, đầu đội khăn vằn, chân không có giày guốc chi hết”. Hồ Biểu Chánh chủ yếu miêu tả từng dáng vẻ bên ngoài qua lớp trang phục của mỗi người, mỗi loại
nhân vật có một kiểu y phục khác nhau đã phần nào khắc họa lên được tính cách và chân dung của họ.
Hồ Biểu Chánh đã xây dựng nhân vật mình với chủ đích đề cao các giá trị đạo đức, thông qua các nhân vật phát biểu những tư tưởng và triết lý của bản thân tác giả. Còn Hecto Malot để cho nhân vật của mình tự hành động, ở các nhân vật trong Không gia đình ít có những triết lý, suy nghĩ thâm trầm, sâu sắc. Các tình cảm được diễn tả chủ yếu bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Hồ Biểu Chánh đã kế thừa một cách sáng tạo cách xây dựng và khắc họa chân dung nhân vật từ các tác phẩm nước ngoài.
Nói tóm lại, nhân vật trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh rất đa dạng, phong phú cả về tính cách, phẩm chất,... đó là một thế giới đa sắc màu, mang đậm sắc thái Nam Bộ.
3.2.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật
Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật được Hồ Biểu Chánh khắc họa bằng việc miêu tả tâm lý nhân vật qua dòng tâm tưởng và miêu tả tâm lý nhân vật qua hành động.
Việc miêu tả tâm lý nhân vật qua dòng tâm tưởng trong Cay đắng mùi đời, khi Hồ Biểu Chánh dùng những trang văn để miêu tả tâm trạng của thằng Được, Hồ Biểu Chánh đã để cho cậu bé Được trở về với quá khứ, rồi từ quá khứ đó cậu bé nghĩ đến thân phận của mình. Đây là tâm trạng của thằng Được khi trở lại thăm Ba Thời: “Đêm ấy thằng Được nằm thao thức hoài không ngủ. Từ ngày nó biết Ba Thời không phải là mẹ ruột nó rồi, hễ ai hỏi đến cha mẹ nó thì trong lòng nó lấy làm bứt rứt xốn xang, thầm tủi thân không mẹ không cha, cứ hỏi riêng trong bụng hoài, vậy chớ mẹ mình có chửa hoang mà đẻ mình rồi sợ tiếng xấu hay sao, nên bồng mà bỏ đi, suy đi nghĩ lại, bàn tới bàn lui hoài mà cũng không hiểu tại sao mà thân phận nó lao đao như thế”. Có thể thấy, đoạn văn đã được Hồ Biểu Chánh miêu tả tâm trạng, suy nghĩ của một đứa trẻ bị bỏ rơi, không có cha mẹ yêu thương che chở, cậu bé Được thấy tủi thân khi nghĩ về thân phận của cậu. Dòng tâm tưởng của cậu bé trở về
với nhiều suy nghĩ, nghĩ về Ba Thời, nghĩ đến cha mẹ ruột của nó, rồi nó lại nghĩ về bản thân của nó mà tủi phận.
Do ảnh hưởng của truyện kể dân gian, truyện Nôm và tiểu thuyết Trung Hoa nên trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, ông thường chú ý đến lời nói và hành động cũng như tính cách của nhân vật trong quá trình khắc họa tâm lý nhân vật. Thông qua việc lựa chọn các chi tiết, tạo những mâu thuẫn và xung đột trong nội dung cốt truyện, Hồ Biểu Chánh đã để cho các nhân vật tham gia vào việc giả quyết các mâu thuẫn, đặt nhân vật vào các tình thế phải hành động để biểu hiện phẩm chất và cá tính của mình.
Hồ Biểu Chánh đặt Ba Thời vào tình huống đi làm về nghe tiếng khóc của đứa bé bị bỏ rơi, Ba thời không thể làm ngơ trước đứa trẻ sơ sinh nên đã đưa nó về và nhận làm con nuôi. Qua hành động của Ba Thời ta thấy Ba Thời là một con người có lòng thương người, sự độ lượng. Hay Hồ Biểu Chánh cho Trần Cao Đàng chứng kiến cảnh chú bếp hành hung một người nông dân, hành động bênh vực cho người nông dân đó đã làm cho thầy Đàng phải ở tù. “... thầy nghe tiếng la hét om sòm. Thầy day lại thì thấy chú bếp lại cầm roi mà đánh bổ lên đầu một người trai chừng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi... Thầy thấy vậy lấy làm bất bình, không dằn lòng được bèn bỏ mấy túi đờn chạy lại giựt roi...”. Tâm lý vì “nghĩa” của nhân vật trong tác phẩm hiện lên rất đa dạng và sinh động thông qua hành động và việc làm của nhân vật. Thầy Đàng không chỉ hành động theo nghĩa mà còn vì nghĩa. Vì nghĩa mà đấu tranh chống lại những gì bất nghĩa nên phải nhận hậu quả về mình. Hầu như nhận vật trong các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh khi cần ra tay để trừ trị gian ác thì họ sẵn sàng, Ba Cam trong Con nhà nghèo cũng vậy, anh ta từng tuyên bố “Qua rửa nhục cho em mà qua ở tù, thì qua vui lòng lắm, không hại chi đâu mà sợ” [24], hạnh phúc được sống hết mình cho cái nghĩa ở đời khiến họ dám làm tất cả.
Khi miêu tả tâm lý nhân vật trong tác phẩm, Hồ Biểu Chánh đã miêu tả tâm lý của những nhân vật thuộc hai lớp người khác nhau trong xã hội. Một bên là tâm lý của những nhân vật thuộc tầng lớp dưới của xã hội, đó là những con người nghèo khổ như Ba Thời, thằng Được, thằng Bĩ, người đàn bàn bán hàng bômg... Họ là
những con người có đức tính chịu thương chịu khó, cần cù nhẫn nại trong lao động, họ sống với quan niệm “có làm có ăn”. Cuộc đối thoại giữa thằng Bĩ và thằng Được đã nói lên điều đó: