7. Kết cấu của luận án
2.3.3. Tác động của cơ chế đãi ngộ dành cho ban giám đốc đến mứcđộ chấp nhận
rủi ro
Một trong những mục tiêu quan trọng của QTCT hiệu quả là phải làm giảm vấn đề người đại diện. Lý thuyết đại diện (Jensen & Meckling, 1976) chỉ ra rằng giữa cổ đông và người quản lý công ty thường có sự khác biệt về mục tiêu. Do đó, các cổ đông cần gắn lợi ích của mình với các nhà quản lý thông qua một cơ chế đãi ngộ tương xứng với những nỗ lực của họ. Khi những mong muốn của các chủ sở hữu không được các nhà quản lý nắm bắt một cách đầy đủ thì những đãi ngộ vật chất sẽ có tác dụng khích lệ và hướng các nhà quản lý đến lợi ích của cổ đông. Sự liên kết lợi ích giữa cổ đông và nhà quản lý sẽ làm giảm vấn đề người đại diện và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty (Jensen & Murphy, 1990; Mehran, 1995).
Về phương diện CNRR, khi gắn lợi ích của các nhà quản lý với lợi ích của các cổ đông thông qua cơ chế đãi ngộ có thể thúc đẩy các nhà quản lý CNRR nhiều hơn. Bởi vì các dự án có rủi ro cao được kỳ vọng có thể mang lại TSSL lớn hơn và gia tăng giá trị cho cổ đông. Do đó, CNRR là điều cần thiết để có thể gia tăng giá trị công ty (Koerniadi & cộng sự, 2014) qua đó giúp nhà quản lý có cơ hội nhận về những sự bồi thường lớn hơn. Vì vậy, cơ chế đãi ngộ dành cho ban giám đốc có tác động tích cực đến mức độ CNRR.
2.4. Tác động của các nhân tố thuộc đặc thù của công ty đến mức độ chấp nhận rủi ro của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán
a)Quy mô công ty
Quy mô công ty được thể hiện trên giá trị sổ sách của tổng tài sản (Cheng, 2008; Faccio & cộng sự, 2011; Boubakri & cộng sự, 2013a; Huang & Wang, 2014; Akbar & cộng sự, 2017). Các công ty có quy mô nhỏ thường CNRR nhiều hơn các công ty lớn
nhằm theo đuổi khả năng sinh lời cao hơn để đạt được mục tiêu tăng trưởng của công ty (Faccio & cộng sự, 2011; Boubakri & cộng sự, 2013a). Các công ty lớn hơn có khả năng đa dạng hóa hoạt động đầu tư và nhờ đó có thể đối diện với rủi ro thấp hơn so với các công ty nhỏ (Konishi & Yasuda, 2004).
b)Đòn bẩy tài chính
Đòn bẩy tài chính = Tổng nợ/ Tổng tài sản
Đòn bẩy tài chính thể hiện mức độ sử dụng vốn vay trong tổng nguồn vốn của công ty. Các công ty có đòn bẩy tài chính cao nghĩa là đang sử dụng nhiều nợ. Sử dụng đòn bẩy tài chính có thể làm khếch đại thu nhập cho cổ đông nhưng cũng làm tăng rủi ro tài chính cho công ty (Boubakri & cộng sự, 2013a). Như vậy, đòn bẩy tài chính cao làm cho sự biến động của các dòng thu nhập của công ty cao hơn.
c)Chi tiêu vốn đầu tư trên tổng tài sản
Tỷ lệ chi tiêu vốn đầu tư trên tổng tài sản = Chi phí vốn đầu tư vào tài sản cố định hữu hình và vô hình/ Tổng tài sản
Hệ số này đo lường xu hướng đầu tư của công ty vào các tài sản cố định. Các khoản đầu tư dài hạn cho tài sản hữu hình và tài sản vô hình cao hơn có thể góp phần làm cho thu nhập biến động nhiều hơn trong tương lai (Boubakri & cộng sự, 2013a; Jiraporn & Lee, 2017). Sự biến động của thu nhập cao hơn có liên quan với mức độ CNRR của công ty cao hơn.
d)Dòng tiền tự do trên tổng tài sản
Tỷ số dòng tiền tự do trên tổng tài sản = Dòng tiền hoạt động/ Tổng tài sản
Đây là thước đo khả năng lượng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty có thể sử dụng để đầu tư vào các tài sản của công ty (Huang & Wang, 2014). Dòng tiền tự do lớn cho phép các công ty có nguồn tiền lớn hơn để tài trợ cho các khoản đầu tư vốn dài hạn. Các công ty có dòng tiền tự do lớn hơn cũng dễ bị ảnh hưởng bởi xung đột đại diện do các nhà quản lý có cơ hội để khai thác dòng tiền tự do (Jiraporn & Lee, 2017).
e)Giá trị thị trường trên giá trị sổ sách của tài sản (Tobin’s Q)
thị trường của tài sản cao hơn giá trị sổ sách có thể đảm bảo cho các khoản
vay. Do đó công ty có xu hướng sử dụng nợ nhiều hơn đồng thời cũng gắn với các chiến lược đầu tư rủi ro hơn. Điều này là để kỳ vọng thu được dòng tiền lớn hơn để trang trải cho khoản vay và có lợi nhuận cho công ty.
Hệ số Tobin’s Q đại diện cho cơ hội tăng trưởng của công ty. Khi cơ hội tăng trưởng cao hơn sẽ tạo ra động lực thúc đẩy các công ty theo đuổi các chiến lược đầu tư rủi ro hơn (Huang & Wang, 2014). Như vậy, hệ số Tobin’s Q cao hơn có nghĩa là công ty có nhiều cơ hội đầu tư và gắn với mức độ CNRR cao hơn.
f)Khả năng sinh lời
Khả năng sinh lời được đo lường bằng TSSL trên tổng tài sản (ROA) của công ty và được định nghĩa là tỷ lệ của lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) trên tổng tài sản.
ROA = EBIT/ Tổng tài sản
Sự biến động của ROA được sử dụng làm thước đo mức độ CNRR trong một số nghiên cứu. Tuy nhiên, sự biến động của ROA cao có thể xuất phát từ khả năng quản lý kém hơn là các lựa chọn CNRR, cho nên trong nhiều nghiên cứu khả năng sinh lời của công ty (ROA) được bao gồm trong mô hình hồi quy để kiểm soát sự khác biệt về khả năng quản lý giữa các công ty (Faccio & cộng sự, 2011, 2016; Koerniadi & cộng sự, 2014).
Kết luận chương 2
Trong chương 2 tác giả trình bày các vấn đề lý luận cơ bản về mức độ CNRR và QTCT như: khái niệm, sự cần thiết của CNRR, QTCT và phương pháp đo lường mức độ CNRR, đo lường QTCT. Tác giả nêu ra cơ sở lý thuyết về tác động của 3 nhóm nhân tố thuộc QTCT: Thứ nhất, tác động của các nhân tố thuộc cơ cấu HĐQT bao gồm quy mô HĐQT, sự độc lập của HĐQT, sự kiêm nhiệm các chức danh trong ban giám đốc của thành viên HĐQT và tỷ lệ thành nữ trong HĐQT đến mức độ CNRR. Thứ hai, tác động của sở hữu nhà nước và sở hữu nước ngoài đến mức độ CNRR. Thứ ba, tác động của thù lao ban giám đốc đến mức độ CNRR. Đây là cơ sở để tác giả đưa ra các giả thuyết nghiên cứu sẽ được đề cập trong chương 3. Ngoài ra,
các nhân tố đặc thù trong công ty có tác động đến mức độ CNRR của công ty cũng được tác giả đề cập để làm cơ sở lựa chọn các biến kiểm soát trong các mô hình nghiên cứu thực nghiệm ở chương 3.
CHƯƠNG 3
KHUNG TIẾP CẬN NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 3.1. Khung tiếp cận nghiên cứu
Trên cơ sở tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý thuyết, khung tiếp cận nghiên cứu được tác giả đề xuất theo hình 3.1. Trong đó:
- Biến phụ thuộc: mức độ CNRR của công ty được đo lường bởi rủi ro tổng thể và rủi ro đặc thù của cổ phiếu công ty.
- Biến độc lập bao gồm:
+ Cơ cấu HĐQT: quy mô HĐQT, sự độc lập của HĐQT, sự kiêm nhiệm các chức vụ trong ban giám đốc của thành viên HĐQT, tỷ lệ thành viên nữ trong HĐQT.
+ Cấu trúc sở hữu: sở hữu nhà nước, sở hữu nước ngoài.
+ Cơ chế đãi ngộ: thù lao của ban giám đốc
+ Các biến kiểm soát: bao gồm các biến thuộc đặc thù công ty như: quy mô công ty, đòn bẩy tài chính, tỷ lệ chi tiêu vốn đầu tư trên tổng tài sản, tỷ số dòng tiền tự do trên tổng tài sản, tỷ số giá trị thị trường trên giá trị sổ sách của tài sản (Tobin’s Q) và TSSL trên tổng tài sản (ROA).