Quá trình nghiên cứu định lượng cho phép lượng hóa và đo lường những thông tin thu thập bằng những con số cụ thể. Dựa trên kết quả nghiên cứu định tính và cơ sở lý thuyết, tác giả sẽ điều chỉnh mô hình nghiên cứu ban đầu (nếu cần) để đưa ra mô hình nghiên cứu chính thức, cũng như tiến hành xây dựng bảng câu hỏi và thang đo phù hợp cho nghiên cứu chính thức.
Bảng câu hỏi được thiết kế gồm có hai phần:
- Phần 1: Những câu hỏi liên quan đến quyết định mua sản phẩm vật liệu nhẹ thạch cao của các khách hàng thuộc các đơn vị, tổ chức, bao gồm những yếu tố liên quan đến sản phẩm, giá cả, giao hàng, thương hiệu, dịch vụ của nhà cung cấp, hệ thống phân phối và các yếu tố liên quan khác. Thang đo sử dụng là thang đo Likert 5 điểm (hoàn toàn không quan trọng đến rất quan trọng) để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến quyết định mua hàng.
30
- Phần 2: Những thông tin cụ thể liên quan đến tổ chức mua, người có ảnh hưởng đến quyết định mua và một số yếu tố làm rõ về công dụng của sản phẩm, trị giá đơn hàng, hệ thống phân phối sản phẩm… Thang đo được sử dụng là thang đo định danh.
Bảng câu hỏi được tiến hành phỏng vấn sơ bộ với cỡ mẫu là 30 khách hàng để phát hiện những lỗi gây nhầm lẫn và chưa rõ ràng, từ đó hiệu chỉnh cho phù hợp với mục tiêu nghiên cứu. Đối tượng chọn khảo sát thử được chọn theo phương pháp thuận tiện tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Giai đoạn nghiên cứu chính thức được thực hiện như sau:
- Đối tượng khảo sát: là các khách hàng thuộc các tổ chức liên quan đến lĩnh vực xây dựng như kỹ sư, kiến trúc sư, nhà tư vấn, thầu xây dựng, đội thi công đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Kích cỡ mẫu khảo sát: Theo Hair và cộng sự (1992), số mẫu quan sát trong phân tích nhân tố khám phá phải lớn hơn 100 và có tỷ lệ so với biến ít nhất là 5/1, tốt nhất trong khoảng tỷ lệ 5/1 - 10/1.
Do đó đối với đề tài này, việc xác định cỡ mẫu của nghiên cứu định lượng được thực hiện theo con số kinh nghiệm mẫu tối thiểu = (số biến có trong mô hình) x 5, số câu hỏi quan sát của bài nghiên cứu dự kiến là 34 biến quan sát, như vậy theo công thức mẫu tối thiểu là 34*5 = 170. Do yêu cầu về số lượng mẫu tối thiểu để phân tích hồi quy thấp hơn so với phân tích EFA nên ta chỉ cần đảm bảo số lượng mẫu tối thiểu phân tích EFA.
- Thu thập dữ liệu: với 331 mẫu phát ra, số mẫu thu về và đạt yêu cầu sử dụng là 301 mẫu (chiếm tỷ lệ 90.9%). Các mẫu đạt yêu cầu phải tuân theo những quy định khi trả lời trong phiếu phỏng vấn và không bỏ sót câu nào trong bảng trả lời. Việc chọn mẫu được tiến hành theo phương pháp thuận tiện và đảm bảo tương đối tỷ lệ trong các loại hình tổ chức và vị trí công tác của người được phỏng vấn.
- Phân tích dữ liệu: sau khi thu thập, các bản phỏng vấn được xem xét và loại đi những bản phỏng vấn không đạt yêu cầu. Sau đó, các biến quan sát sẽ được mã hóa, nhập liệu và làm sạch dữ liệu bằng phần mềm SPSS phiên bản 22.0 và tiến hành thống kê, phân tích dữ liệu đã được thu thập.
31
Phân tích nhân tố EFA được sử dụng nhằm xác định các nhân tố và biến quan sát giải thích cho nhân tố, biến quan sát được chọn là biến có hệ số tải nhân tố ≥ 0.45, kiểm định KMO với 0.5 < KMO < 1
Sau khi phân tích nhân tố, tác giả sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha để kiểm định độ tin cậy của thang đo, các biến quan sát có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0.3 sẽ bị loại, tiêu chuẩn để chọn thang đo là khi giá trị Cronbach’s Alpha có giá trị lớn hơn hoặc bằng 0.6.
Ngoài ra, các phân tích phương sai ANOVA được dùng để kiểm định giả thiết, quan sát sự khác biệt giữa các nhóm thuộc các thành phần định lượng nhằm khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua theo trị giá đơn hàng, tuổi tác, nghề nghiệp, vị trí công tác và hình thức hoạt động của đơn vị, tổ chức.