Hạn chế và nguyên nhân của hạn chế

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) thực hiện chính sách người có công trên địa bàn huyện an lão, tỉnh bình định (Trang 80 - 85)

2.4. Đánh giá việc thực hiện chính sách người có công trên địa bàn huyện

2.4.2. Hạn chế và nguyên nhân của hạn chế

Được sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở LĐTBXH, trong những năm qua, Phòng LĐTBXH luôn hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch ngành đề ra; giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách cho đối tượng và nhận được sự hài lòng cao trong nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng đúng mức đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công. Cụ thể như sau:

Một là, việc xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách chưa chú ý đến các nguồn lực (con người, kinh phí, điều kiện vật chất, thời gian) để thực hiện chính sách đối với người có công. Tình trạng chưa coi trọng việc bảo đảm các yếu tố điều kiện và nguồn lực cho triển khai và thực hiện chính sách còn chịu ảnh hưởng nặng của cơ chế xin - cho, bao cấp, tư duy nhiệm kỳ, chủ nghĩa thành tích, chủ quan duy ý chí, dựa dẫm vào đầu tư công từ ngân sách nhà nước... đã làm cho nhiều chính sách đối với người có công bị vô hiệu hóa, bất cập, không thể đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các văn bản liên quan đến lĩnh vực LĐTBXH nói chung và lĩnh vực người có công rất nhiều, trong khi đó

một số cán bộ LĐTBXH các xã, thị trấn thường xuyên thay đổi nên việc áp dụng kịp thời các chế độ chính sách liên quan đến tận người dân còn nhiều hạn chế.

Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách ưu đãi người có công tuy đã được quan tâm triển khai thực hiện, song một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác phổ biến, hướng dẫn người dân làm các thủ tục kê khai nên việc kê khai hưởng chế độ có trường hợp chưa đảm bảo tính chính xác, kịp thời.

Ba là, công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và chính quyền các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện có mặt thiếu chặt chẽ, chưa được thường xuyên. Công tác kiểm tra, đôn đốc có lúc, có nơi chưa kịp thời, sâu sát; dẫn đến một số nội dung công tác đạt kết quả chưa cao. Ngoài ra, cán bộ phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội các xã, thị trấn phụ trách nhiều lĩnh vực như người có công; bảo trợ xã hội; xóa đói giảm nghèo; bảo vệ và chăm sóc trẻ em,....do đó áp lực công việc quá lớn. Trong khi đó, máy móc, trang thiết bị làm việc chưa đầy đủ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện công việc được giao.

Bốn là, số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách đối với người có công nhiều, phần lớn tuổi cao, việc xác lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ hầu hết ở thời kỳ kháng chiến; trong khi đó, các văn bản quy định, hướng dẫn lại thường xuyên thay đổi hoặc ban hành chậm gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, giải đáp chế độ chính sách. Công tác xét duyệt đối tượng ở một số địa phương chưa thực hiện đúng quy trình, có trường hợp thiếu thận trọng trong xét duyệt. Ngoài ra, một số tiêu chí, khái niệm, điều kiện, tiêu chuẩn để xem xét, công nhận người có công với cách mạng chưa được giải thích, làm rõ; đang còn có những luồng ý kiến, cách hiểu khác nhau nên quá trình triển khai thực hiện thiếu nhất quán, lúng túng, còn bỏ sót một số chính sách.

Năm là, công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời, còn hình thức, thiếu thực chất. Việc xử lý khiếu nại, tố cáo các vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện chính sách còn chậm, nhiều trường hợp chưa bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh đã ảnh hưởng xấu đến thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn. Công tác tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm cho thực thi chính sách chưa được coi trọng, chưa làm thường xuyên, kịp thời. Điều này làm cho việc đánh giá kết quả thực hiện các chính sách đối với người có công trên địa bàn gặp khó khăn do thiếu các thông tin đáng tin cậy về quá trình thực hiện và những nội dung, biện pháp cần bổ sung, hoàn thiện.

Những hạn chế, tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân sau:

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Việc triển khai, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chính sách đối với người có công ở một số xã, thị trấn chưa thật sự sâu sắc, cụ thể; công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa chưa được tổ chức thường xuyên, chưa huy động hết các nguồn lực xã hội trong thực hiện phong trào Đền ơn đáp nghĩa.

+ Công tác xét duyệt, thẩm định hồ sơ ở một số địa phương chưa bám sát vào văn bản hướng dẫn của cấp trên nên có trường hợp xét duyệt chưa chặt chẽ; công tác thanh, kiểm tra chưa được tổ chức thường xuyên hoặc hiệu quả chưa cao nên chưa phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách.

+ Cán bộ làm công tác chính sách ở xã, thị trấn thường xuyên thay đổi, củng cố, kiện toàn nên kinh nghiệm chuyên môn chưa nhiều, do đó trong triển khai thực hiện công tác chính sách người có công còn gặp khó khăn.

+ Chiến tranh kéo dài và đi qua đã lâu, hồ sơ giấy tờ cũ nát, không được lưu trữ đầy đủ nên việc xác nhận người có công với cách mạng và thực hiện chính sách ưu đãi gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được yêu cầu của các đối tượng.

+ Một số văn bản hướng dẫn có nội dung không đồng bộ nên việc xét hưởng chế độ chủ yếu là do thực chứng, không có căn cứ khoa học, phần nào gây bức xúc trong một bộ phận nhân dân.

+ Chế độ hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, do đó việc thống kê đối tượng người có công có nhà ở hư hỏng tại mỗi thời điểm cũng khác nhau nên khi thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nhiều đối tượng không có tên trong danh sách Đề án phê duyệt giai đoạn I, phải rà soát đề nghị Trung ương bổ sung kinh phí, phần nào gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ chính sách ở địa phương.

Tiểu kết chương 2

Chương 2 của luận văn đã trình bày kết quả nghiên cứu về việc thực hiện các chính sách đối với người có công trên địa bàn huyện An Lão như xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai chính sách; công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách tới các đối tượng chính sách; sự phân công, phối hợp giữa cơ quan thường trực – phòng LĐTBXH huyện với các phòng, ban và địa phương có liên quan; việc duy trì, thực hiện các chính sách về chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, về hỗ trợ và cải thiện nhà ở, hỗ trợ việc làm, chính sách ưu đãi giáo dục, các chương trình đền ơn đáp nghĩa, tặng quà, thăm hỏi nhân kỷ niệm ngày lễ, tết và tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách đã giúp người có công vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện chính sách đối với người có công tại huyện An Lão vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn như: nguồn lực còn nhiều hạn chế, kinh phí eo hẹp, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp.

Chương 3

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH NGƯỜI CÓ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN AN LÃO, TỈNH BÌNH ĐỊNH

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) thực hiện chính sách người có công trên địa bàn huyện an lão, tỉnh bình định (Trang 80 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)