3.2. Giải pháp hoàn thiện thực hiện chính sách người có công trên địa bàn
3.2.3. Tăng cường sự tương tác và phối hợp trong thực thi chính sách
Việc chưa coi trọng đúng mức sự tương tác và phối hợp giữa cấp huyện với cấp xã, giữa các phòng chuyên môn như: phòng LĐTBXH, Phòng giáo dục – đào tạo, phòng văn hóa thông tin, Đài truyền thanh, Ban chỉ huy quân sự huyện…với nhau và giữa cơ quan thực thi chính sách với đối tượng chính sách cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả thực thi chính sách chưa như mong muốn.
Điều này thể hiện ở chỗ: ở một số nơi, cấp trên thiếu sâu sát với cấp dưới, thiếu sự kiểm tra, giám sát, điều chỉnh đối với hoạt động thực thi chính sách của cấp dưới nên đã dẫn đến hệ quả tiêu cực; sự phối hợp giữa các cơ quan theo chiều ngang còn chưa tốt, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cơ quan còn chưa rõ dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ cũng như không rõ về trách nhiệm.
Trong mối quan hệ giữa phòng LĐTBXH là cơ quan trực tiếp thực hiện chính sách với đối tượng chính sách là người có công và thân nhân của người có công, đa phần vẫn đang thực hiện cách làm truyền thống là sử dụng biện pháp hành chính – mệnh lệnh; sự đối thoại, tương tác và nắm bắt thông tin kịp thời từ đối tượng chính sách trong quá trình thực thi chính sách của phòng LĐTBXH chưa được coi trọng. Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, cần thông qua nhiều biện pháp để tăng cường sự tương tác và
phối hợp giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các cơ quan cùng cấp và giữa cơ quan thực thi chính sách và đối tượng chính sách.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng thì việc triển khai các nội dung công việc mới đạt hiệu quả cao hơn; hạn chế thấp nhất những rủi ro, tiêu cực phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách. Để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quá trình nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách đối với người có công, cần phải phát huy tốt vai trò của từng cơ quan; có sự phân công, phân cấp một cách rõ ràng, tránh chồng chéo, dựa dẫm, ỷ lại. Cần ban hành quy chế phối hợp; xác định rõ vai trò chủ trì, gắn trách nhiệm, quyền hạn với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt là phải tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ quan LĐTBXH với cơ quan chính sách quân đội, cơ quan y tế và các cơ quan có liên quan khác trong hoạch định chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân của họ.
3.2.4. Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện chính sách đối với người có công
Trong quá trình thực hiện các chính sách đối với người có công, cán bộ phòng LĐTBXH đặc biệt là người phụ trách mảng công việc người có công có vai trò vô cùng quan trọng. Họ là người trực tiếp chuyển tải các chính sách, chế độ của Đảng Nhà nước đến từng đối tượng cụ thể. Họ là người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn người có công về quy trình thủ tục thực hiện chế độ ưu đãi. Họ là người tham mưu cho Huyện ủy về các chỉ thị, công văn, các kế hoạch của huyện về thực hiện công tác ưu đãi đối với người có công.
Thông qua đội ngũ cán bộ chuyên trách, người dân mới được hiểu về quyền lợi được hưởng chế độ của mình do Đảng và Nhà nước ban hành. Có thể nói đội ngũ cán bộ làm công tác người có công là cầu nối giữa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với nhân dân, qua đó huyện An Lão đưa ra
các kế hoach, chương trình triển khai chính sách hoặc kịp thời điều chỉnh các kế hoạch thực hiện sao cho đúng với các chủ trương của Đảng và Nhà nước ban hành. Đồng thời, trong quá trình chỉ đạo thực hiện chính sách phải phù hợp vào hoàn cảnh và điều kiện của địa phương. Mặt khác, thông qua đội ngũ cán bộ phụ trách mảng người có công, nhân dân kiến nghị, đóng góp ý kiến để huyện ủy xây dựng và hoàn thiện hơn trong việc đưa ra chủ trương chính sách của mình.
Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thực hiện chính sách đối với người có công tại huyện An Lão được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Đa số trong họ chưa được đào tạo để làm công tác ưu đãi người có công mà chủ yếu do nhu cầu công tác, điều động thuyên chuyển. Vì vậy, việc thực hiện công tác chuyên môn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm làm việc.
Trước yêu cầu của nhiệm vụ mới, không thể thực hiện chính sách một cách bị động, không có kế hoạch, chương trình cụ thể, vì vậy, để hoàn thiện thực hiện chính sách đối với người có công, đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách tại huyện An Lão cần phải kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách bảo đảm đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn; đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công.
Nắm vững được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật và những quy định của nhà nước đối với người có công và thân nhân của họ; nắm được những kiến thức, kỹ năng để tổ chức thực hiện chính sách một cách có hiệu quả. Bởi vì, đối tượng của chính sách này là nhóm đối tượng đặc biệt, đó là những người có công với cách mạng: thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ… Vì vậy vấn đền nâng cao đạo đức công vụ, đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực rất cần thiết. Cần phải tăng cường giáo dục cho công chức về tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ với nhiệm vụ được giao, tự giác chấp hành
đường lối của đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị.
Chú trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội có chuyên môn, đặc biệt chú ú đến các cán bộ làm chính sách từ cấp cơ sở, vì họ chính là những người trực tiếp làm việc với đối tượng thụ hưởng
Đưa công nghệ thông tin vận dụng vào công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ để thuận lợi cho việc tra cứu, giải quyết chế độ cũng như trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo của đối tượng. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ phải tích cực, thường xuyên cập nhật chính sách của nhà nước về chế độ ưu đãi, chăm sóc đối với người có công. Đồng thời nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu, tâm lý, nguyện vọng của đối tượng với hệ thống chính sách của nhà nước, nhằm làm tốt công tác tham mưu bổ sung, sửa đổi chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế