Thanh niên tỉnh Đắk Lắk có 457.515 thanh niên, chiếm khoảng 24,4% dân số toàn tỉnh, trong đó thanh niên ở nông thôn có 367.103 người (chiếm 80,2%); Thanh niên ở đô thị có 90.412 người (chiếm 16,8%); Thanh niên là công chức, viên chức và người lao động có 7.230 người; Thanh niên trong lực lượng vũ trang có 4.126 người; Thanh niên là học sinh, sinh viên có 77.006 người; Thanh niên các dân tộc thiểu số có 116.095 người; Thanh niên tín đồ các tôn giáo có 56.143 người.
Trong quá trình thực hiện chương trình phát triển thanh niên tỉnh Đắk Lắk, nhận thức các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội về thanh niên nói chung và công tác quản lý nhà nước về thanh niên có nhiều chuyển biến tích cực; công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên được chú trọng, tăng cường; các cơ chế, chính sách bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên được thực hiện nghiêm túc; nhận thức chính trị, tính tích cực xã hội, lối sống của thanh niên có chuyển biến tốt; tỷ lệ thanh niên nhiệt huyết phấn đấu gia nhập tổ chức Đoàn, phấn đấu trở thành đoàn viên ưu tú và mong muốn phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng có xu hướng ngày càng tăng.
Trong thời gian tới nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên xoay quanh các vấn đề chính cần được nhà nước, xã hội quan tâm đáp ứng là: Đầu tư các chương trình sáng tạo tuổi trẻ lập nghiệp xây dựng các mô hình kinh tế - xã hội; việc làm, thu nhập, học tập và vui chơi giải trí. Thanh niên cũng có nhu cầu học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học hoặc học thêm các kỹ năng sống để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc hoặc làm thêm góp phần nâng cao thu nhập. Thanh niên mong muốn đươc rèn luyện và trưởng thành thông qua việc tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện, nhân đạo và các hoạt động tình nguyện.
Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, vẫn còn một bộ phận nhỏ thanh niên có bản lĩnh kém, không làm chủ được bản thân, sống thực dụng, chạy theo hưởng thụ vật chất, ít hoặc không quan tâm đến các vấn đề chính trị - xã hội; ứng xử thiếu văn hóa, dễ mắc phải các sai phạm về đạo đức, tiêu cực và tệ nạn xã hội, có thể bị lợi dụng, kích động, lôi kéo vào các hành vi gây rối, vi phạm pháp luật; trình độ học vấn, trình độ chuyên môn ở một bộ phận thanh niên còn thấp so với nhu cầu lao động xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng xa trung tâm và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp,...là vấn đề nổi cộm cần quan tâm.