Đánh giá quan niệm về chữ Hiếu trong Phật giáo

Một phần của tài liệu Đạo hiếu trong phật giáo và việc nâng cao nhận thức về lòng hiếu thảo cho thế hệ trẻ việt nam hiện nay (Trang 32 - 36)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

1.2.4. Đánh giá quan niệm về chữ Hiếu trong Phật giáo

Từ câu chuyện về đức hiếu của ngài Mục-kiền-liên, Đức Phật đã dạy chúng ta về hiếu hạnh trong khắp chúng sanh, công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục là thiêng liêng nhất không gì so sánh được, và đạo làm con phải thực hiện tròn bổn phận của mình. Đức Phật cũng nói ta được như ngày hôm nay là nhờ công ơn cha mẹ, vậy nên người muốn học đạo không thể không hiếu với cha mẹ. Và sự tu nhân tích đức, lòng hiếu thảo đó sẽ được đền đáp bằng sự chứng quả giải thoát. Mục tiêu của đạo Phật là đưa con người đến sự giác ngộ, đến sự giải thoát an lạc, vì thế người con có tấm lòng chí thành chí hiếu, không chỉ phụng dưỡng cha mẹ, mà còn làm cho cha mẹ thoát khỏi những cội rễ “vô minh” quay về với con đường quang minh sáng lạng, cầu siêu đưa cha mẹ thoát khỏi khổ ải nơi địa ngục đến cảnh giới an lành. Khi cha mẹ chưa an trú trong Chánh pháp, làm sao giúp đỡ, dẫn dắt cha mẹ an trú trong Chánh pháp, cha mẹ chưa an trú trong điều lành thì làm sao đưa cha mẹ an trú trong điều lành. Như vậy cha mẹ không những được hưởng phúc lạc vật chất bên ngoài mà còn được hưởng phúc lạc trong tâm hồn, giải thoát bớt

phiền muộn, xa lánh thế gian chấp trước, vọng tưởng luân hồi sinh tử. Khi cha mẹ giải thoát, an vui thì sự báo hiếu của người con mới thành tựu. Ấy mới gọi là: “Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu đạo phương thành tựu” (Cha mẹ được giải thoát lìa khỏi trần ai thì người con mới tròn hiếu đạo). Nhưng phải làm thế nào để giúp cha mẹ đạt được điều đó? Đức Phật đã dạy rằng: “Nếu gia đình nào có người con biết Bố thí, biết Ái ngữ, biết Lợi hành, biết Đồng sự thì cha mẹ mới nhận được sự hiếu kính của con” (Kinh Trường A-hàm). Người biết bố thí là người luôn đem tâm hoan hỉ bố thí cho mọi người, đó không cứ phải là vật chất hay tiền bạc, nhiều khi sự bố thí ấy chỉ là một cử chỉ một nụ cười nhưng cũng đem lại cho mọi người sự an vui, tiêu tan sự đau khổ. Và như thế người con biết bố thí là người con biết hiếu thảo với cha mẹ. Thứ hai là ái ngữ, tức là lời nói nhẹ nhàng, cung kính. Điều này rất dễ mà cũng rất khó làm, người con đối với cha mẹ lúc nào cũng thể hiện được ái ngữ, đấy là đã làm tròn đạo hiếu vậy. Thứ ba là lợi hành, nghĩa là biết làm điều có ích, cho mình, cho gia đình, cho xã hội. Nếu người con không biết lợi hành thì làm sao cha mẹ có thể được hưởng sự hiếu kính. Thứ tư là đồng sự, cùng nhau làm lụng, cùng nhau chia sẻ sự đùm bọc yêu thương, đó chính là bày tỏ lòng hiếu kính vậy. Đấy là khi cha mẹ còn sống, còn khi cha mẹ “hoa khai cực lạc”, đạo làm con lại càng cần thực hiện đầy đủ hạnh tu Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự. Đó cũng là để cho cha mẹ được siêu thoát, được đến cõi thanh bình cực lạc. Thế nhưng không phải trên thế gian này không còn những người con bất hiếu, vì sự “lầm đường lạc lối” mà sa vào bến mê, quên đi công lao cha mẹ sinh dưỡng, phạm vào tội “nghịch tử” bất hiếu. Như Đức Phật đã dạy: “Thế Tôn lấy một ít đất trên móng tay rồi nói với các Tỳ khiêu: Các ngươi nghĩ thế nào? Đất trên đầu móng tay ta hay đất trên trái đất này nhiều. Các Tỳ kheo trả lời: Bạch Thế Tôn đất trên đầu móng tay Người quả là rất ít so với đất trên trái đất. Cũng thế ấy, này các Tỳ kheo, chúng sinh có hiếu đối với cha mẹ thì rất ít so với chúng sinh bất hiếu như đất trên trái đất”(Kinh Tương Ưng Bộ). Vậy nên chúng sinh

cần sớm tỉnh ngộ, theo con đường chân tu để thoát khỏi cảnh đoạ đày muôn kiếp về sau.Nhìn chung hiếu trong kinh điển Phật giáo đã thể hiện trọn vẹn cả hai phương diện hiếu dưỡng vật chất và hiếu dưỡng tinh thần. Ðể hiếu dưỡng cha mẹ về vật chất, người con phải cúc cung tận tụy nuôi nấng, chăm sóc, tôn kính cha mẹ đúng pháp, phục vụ cha mẹ bằng mồ hôi và tài sản có được từ nếp sống lành mạnh, chân chánh, làm cho cha mẹ sống an vui, thoải mái với những tình cảm tốt đẹp nhất. Ðể hiếu dưỡng cha mẹ về phương diện tinh thần, người con trước hết phải tự trau dồi tốt bản thân mình, làm tất cả những gì tốt đẹp nhất, xa lánh những điều xấu xa, tội lỗi, đem tiếng thơm về cho gia đình, để cho cha mẹ có thể tự hào và hãnh diện với mọi người. Kế đến nếu cha mẹ chưa biết tam bảo thì phải khéo léo hướng dẫn cha mẹ trở về quy y và sống dưới ánh sáng của chánh pháp, trau dồi chánh kiến, đức hạnh chân chánh, làm hành trang cho một đời sống an lạc và hạnh phúc hiện tại và về sau. Nội dung hiếu dưỡng cha mẹ về đời sống tinh thần chính là mục tiêu giáo dục của đức Phật. Ðây chính là điểm vượt trội của Phật giáo so với ca dao Việt Nam cũng như chữ hiếu trong các tôn giáo và học thuyết khác từ trước đến giờ.

Mở rộng hơn về triết lí nhân sinh, đạo Phật còn đề cập đến ân thầy cô dạy dỗ, ân quốc gia xã hội, ân chúng sinh đồng bào. Nếu cha mẹ là người sinh dưỡng ra ta thì thầy cô là người đem lại cho ta sự hiểu biết, trang bị cho ta kiến thức về cuộc sống, về hành vi ứng xử. Điều này còn đặc biệt có ý nghĩa với những người xuất gia tu hành. Bởi vì người thầy dạy đạo là người dẫn dắt ta trên con đường tu tập, hướng ta tới sự giải thoát, để đạt đến cõi niết bàn. Đạo Phật cũng đề cập đến ân quốc gia xã hội đã cho ta cuộc sống yên bình, ổn định, ân chúng sinh đồng bào đã sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống chúng ta. Đức Phật đề cập đến những ân đức này bởi vì con người không thể tồn tại chỉ như là một cá nhân đơn lẻ, mà ngược lại con người sống cần có cộng đồng xã hội, cần có sự gắn kết giữa các cá nhân, trong các mối quan hệ xã hội. Chúng ta biết và chịu ơn tất cả mọi người, từ người nông dân trồng lúa để cho

ta có cái ăn, người nuôi tằm dệt vải để ta có cái mặc và biết bao ngành nghề khác để phục vụ ta trong cuộc sống đời thường. Chúng ta cũng chịu ơn cỏ cây hoa lá, chim muông đã cho ta môi trường thanh sạch… Đó là vì thảy chúng sinh đều có quan hệ thân thuộc lẫn nhau. Vậy nên Đức Phật đã dạy chúng ta hãy mở rộng lòng thương đến khắp chúng sinh, không sát hại sinh vật để thoả mãn nhu cầu của riêng mình.

Chữ hiếu trong Phật giáo xây dựng chính yếu trên nền tảng lợi ích thiết thực hiện tại và lợi ích an lạc giải thoát. Chữ hiếu như vậy thật chất đã trở thành một phương tiện thể hiện hành "lợi hành và đồng sự" cùng cha mẹ kết làm thiện tri thức, làm pháp lữ, trên con đường thực hành chánh pháp của đức Phật, tại đây và bây giờ. Hiếu như vậy đã trở thành một phương tiện của đạo đức và giải thoát cho mình và người.

Như vậy, nói đến đạo Phật – đạo Hiếu Việt Nam là nói đến toàn bộ tư tưởng mà toàn bộ người dân Việt Nam đã hấp thụ từ nhiều nền văn hóa khác nhau, biết ứng dụng nhuần nhuyễn những phạm trù đó cho phù hợp với hoàn cảnh và cung cách ứng xử trên phương diện Hiếu để phù hợp với quốc độ hiện tại. Nếu chỉ xem chữ Hiếu trong ý nghĩa đơn thuần là hành xữ xã hội, là phép tắc để định lượng nhân phẩm của một con người, tưởng chừng như đây là một thiếu sót, rất nhiều khiếm khuyết để diễn đạt ý tưởng này. Trong bốn ân nặng của đạo Phật đề cập đến đã nói đầy đủ ý nghĩa của nhân, trung, nghĩa của con người Việt Nam khi tiếp thu văn hóa ứng xử xã hội của Khổng học Trung Hoa. Ngoài Hiếu với cha mẹ theo nghĩa hẹp, trung với nước, nghĩa với dân mở rộng thêm là thương yêu tất cả chúng sanh hữu tình từ hiện kiếp cho đến tương lai và trong đời sống dương thế hay đời sống âm cảnh, đạo Phật đã đề cập và hướng đến.

CHƢƠNG 2: VẬN DỤNG CHỮ HIẾU CỦA PHẬT GIÁO VÀO VIỆC NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ LÒNG HIẾU THẢO CHO

THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY.

Một phần của tài liệu Đạo hiếu trong phật giáo và việc nâng cao nhận thức về lòng hiếu thảo cho thế hệ trẻ việt nam hiện nay (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)