Đặc điểm về nguồn truyền bệnh dại

Một phần của tài liệu đặc điểm dịch tễ học bệnh dại ở người tại việt nam 2001-2010 (Trang 59 - 61)

a. Loại súc vật truyền bệnh

Trong nghiên cứu của chúng tôi 82,7% nguồn truyền bệnh dại được ghi nhận là do chó cắn, chỉ 1,3% do mèo cắn. 16% các trường hợp báo cáo là do tiếp xúc chăm sóc chó mèo ốm. Như vậy, nguồn truyền bệnh dại ở miền Bắc chủ yếu là chó, chỉ một số ít là do mèo và chưa phát hiện ra loại động vật khác có khả năng truyền bệnh. Kết quả này cũng phù hợp với đặc trưng về nguồn truyền bệnh dại tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Theo tác giả Đinh

Kim Xuyến khi nghiên cứu về tình hình tử vong do bệnh dại giai đoạn 1990- 1994 thì chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu chiếm tới 97,3%.[12][16]. Tương tự, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới tại các nước Châu Á thì chó chiếm 86% trong số nguồn truyền bệnh dại [47]. Tại Băng la đét tỷ lệ này là 95% [49], tại Tazania là 96,6% [30]. Điều này thể hiện đặc điểm chung của các nước đang phát triển là tình trạng nuôi chó ngày càng nhiều và thực trạng chó không được tiêm phòng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong do dại ở các nước này vẫn còn cao.

b. Biểu hiện của súc vật truyền bệnh khi gây ra vết cắn

Trong tổng số 299 trường hợp tử vong có báo cáo đầy đủ thì có 25,8% súc vật khi cắn người có biểu hiện bình thường, 33,4% súc vật chạy rông ngoài đường. Chỉ có 15,4% trường hợp được xác định lên cơn dại, còn lại 25,4% trường hợp súc vật có biểu hiện ốm. Điều này cho thấy tại thời điểm con vật có khả năng truyền vi rút dại cho người có tới 25,8% con vật vẫn sống bình thường, tình trạng này rất nguy hiểm bởi đó là nguyên nhân làm cho người chủ quan không đi điều trị dự phòng dẫn đến tử vong.

Có 25,4% con vật có biểu hiện ốm, một số trường hợp tử vong là do chăm sóc con vật ốm, giai đoạn này con vật thường tiết vi rút qua nước dãi làm rơi rớt và nhiễm qua vết da bị xây sát ở tay người chăm sóc con vật hoặc trẻ em ôm ấp con vật.

15,4% tình trạng con vật lên cơn dại tại thời điểm cắn người, tình trạng này rất nguy hiểm bởi lẽ khi con vật có triệu chứng dại tiết rất nhiều vi rút, chúng rất hung hăng cắn nhiều người và những con vật khác. Tình trạng con vật lên cơn dại càng nhiều càng thể hiện mức độ dịch dại ởđộng vật càng nghiêm trọng.

33,4% số người bị tử vong do bị chó dại chạy rông cắn người. Những con chó bị bệnh dại thường chạy rông rất xa có tới 50km, đó là mối nguy cơ cao gây lan toả dịch bệnh dại trên diện rộng .

Một điều đáng quan tâm là thực trạng tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó nuôi. Trong 299 trường hợp bị tử vong do bệnh dại thì chỉ có 1,3% trường hợp súc vật được tiêm phòng dại còn 98,7% trường hợp súc vật chưa bao giờ được tiêm phòng. Việc tiêm phòng dại triệt để cho súc vật nuôi sẽ giải quyết được nguồn truyền bệnh dại tiềm ẩn và đó chính là yếu tố quan trọng làm giảm tỷ lệ tử vong, tiến tới loại trừ bệnh dại ở người.

Một phần của tài liệu đặc điểm dịch tễ học bệnh dại ở người tại việt nam 2001-2010 (Trang 59 - 61)